17/09/2016 - 15:54

Phát triển bền vững – yêu cầu bức thiết cho đô thị Việt Nam

Trong quá trình chuyển mình phát triển của các đô thị, dù là bảo tồn, tôn vinh các giá trị cổ xưa hay hướng đến tính năng động, tiện nghi thì đích đến luôn nhằm tạo nên một không gian sống lý tưởng cho người dân. Đó là những vấn đề chính được các chuyên gia Việt Nam – Cộng hòa Pháp đưa thảo luận tại hội thảo "Phát triển đô thị" trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 10 (Hội nghị 10).

 Quy hoạch đô thị bền vững

Nằm ở trung tâm miền Trung Việt Nam, TP Đà Nẵng đang có những bước tiến dài trong phát triển, điển hình là việc xây dựng, kiến thiết cảnh quan đô thị. TP Đà Nẵng là trung điểm của ba di sản văn hóa thế giới: cố đô Huế, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn; là một trong những cửa ngõ quan trọng ra biển của Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar đến các nước trong khu vực Đông Nam Á thông qua Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC). TP Đà Nẵng có vị trí thuận lợi về đường biển và đường hàng không, phát triển thành một đầu mối giao thông quan trọng, trung tâm kinh tế, thương mại của khu vực và điểm đến du lịch tiềm năng.

Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, phương châm phát triển đô thị của thành phố là chỉnh trang nâng cấp hạ tầng đô thị trong khu vực đô thị cũ; hình thành các tuyến đường du lịch và các khu vực phát triển du lịch; đầu tư các tuyến đường quan trọng, hình thành các khu đô thị mới, khu dân cư trong đó xác định đầy đủ các hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Sau 20 năm đột phá, đô thị Đà Nẵng phát triển khá bài bản, đồng bộ và còn được xem là hình mẫu cho một số địa phương khác của Việt Nam. Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn còn dàn trải, chưa phải là mô hình ưu việt, chưa có lộ trình thống nhất và xuyên suốt. Đề ra định hướng phát triển trong tương lai, Đà Nẵng hướng tới điều chỉnh quy hoạch chung trên cơ sở tiếp cận các mô hình phát triển đô thị tiên tiến như: nghiên cứu lại tổng thể hệ thống giao thông đô thị, quy hoạch các tuyến vận tải số lượng lớn và hệ thống giao thông công cộng bổ trợ; hướng tới hình thức giao thông chủ yếu sử dụng phương tiện công cộng trên cơ sở tái cấu trúc lại các khu vực đô thị quanh các trục giao thông một cách hợp lý và phát triển không gian ngầm đô thị, đô thị nén. Tích cực nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với rủi ro thiên tai trong qui hoạch xây dựng đô thị, thúc đẩy các cam kết về bảo vệ môi trường. Trong quá trình xây dựng các đề án quy hoạch đô thị, công tác phản biện xã hội cũng được quan tâm và phát huy vai trò.

 Một góc đô thị TP Cần Thơ.

Chia sẻ những thách thức về môi trường đối với vùng Thủ đô Hà Nội, ông Laurent Perrin, kiến trúc sư, Viện quy hoạch và Phát triển đô thị vùng Île-de-France, cho rằng, điểm cơ bản nhất về môi trường của vùng Thủ đô Hà Nội là quy hoạch theo các không gian đệm. Không gian này không phải để cấm hoàn toàn các công trình xây dựng mà chỉ nằm hạn chế những ảnh hưởng của tình trạng đô thị hóa tràn lan; quy hoạch các hành lang sinh thái nằm xen giữa các đô thị nhằm tạo ra các khu dự trữ đa dạng sinh học vốn là vùng nông thôn bao quanh Hà Nội. Vấn đề cơ bản là phải gìn giữ được tính toàn vẹn của vùng nông thôn này trước những áp lực lớn về đất đai bởi trong vùng còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa thể hiện bản sắc rõ rệt… Đây được xem là cách thức để đô thị Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung phát triển bền vững.

Khu phố cổ Hà Nội nằm ở phía bắc hồ Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) là một di sản đô thị minh chứng cho lịch sử hình thành, phát triển của Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, khu phố cổ đang chịu nhiều áp lực về phát triển kinh tế, gia tăng dân số, phương tiện giao thông cơ giới. Nhiều công trình kiến trúc đã biến đổi. Những công trình mới cao tầng và các ngôi nhà giả phong cách kiến trúc Pháp làm cho khu phố cũ trở nên khó nhận diện, phá vỡ cảnh quan kiến trúc vốn có. Định hướng quy hoạch trong thời gian tới, quận Hoàn Kiếm tập trung triển khai tốt công tác quản lý đô thị theo quy hoạch, triển khai thiết kế đô thị, quy hoạch chi tiết các tuyến chính, khu vực trọng điểm. Theo đó, tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để triển khai phát triển khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, khu phố cổ, khu phố cũ thông qua các dự án cải tạo hạ tầng kỹ thuật đô thị, chỉnh trang đô thị, trùng tu di tích, trùng tu các công trình nhà ở có giá trị, các chương trình văn hóa, lễ hội; đồng thời quảng bá những giá trị di sản cũng như đầu tư phát triển. Hoàn thành việc xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ Hà Nội, quản lý quỹ nhà biệt thự xây dựng trước năm 1954... Đối với khu vực ngoài đê sông Hồng, quận Hoàn Kiếm sẽ tập trung xây dựng khu công viên tạo thêm sức hút ra sông Hồng đối với người dân trong các khu vực trung tâm; xây dựng tổ hợp công trình hỗn hợp bao gồm dịch vụ công cộng, bãi đỗ xe, nhà ở nhiều tầng; xây dựng cảng du lịch Bạch Đằng.

 Đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu

Tác động của biến đổi khí hậu làm cho chế độ mưa lũ thay đổi cực đoan, mực nước biển dâng khiến tình trạng ngập lụt ở ĐBSCL, đặc biệt ở các đô thị ngày càng gay gắt, trong đó có TP Cần Thơ. Theo các chuyên gia, trong chiến lược phát triển hệ thống đô thị vùng, các địa phương của vùng ĐBSCL nên lựa chọn các mô hình đô thị nông nghiệp với mô hình đa dạng có nguồn gốc từ di sản định cư truyền thống để xây dựng chiến lược chủ đạo vùng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu trong tương lai. Theo đó các đô thị vùng ĐBSCL cần tập trung giải quyết các vấn đề mang tính chất liên vùng từ công tác lập quy hoạch, lập chương trình, kế hoạch, dự án ưu tiên và cơ chế chính sách liên kết phát triển vùng cũng như triển khai các dự án cấp vùng; tăng cường tiếp cận nguồn vốn ODA để thực hiện các dự án nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cấp vùng để ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong những năm qua, Cơ quan phát triển Pháp (AFD) không ngừng nỗ lực hỗ trợ cho Việt Nam thực hiện các dự án nhằm thích ứng trước những thách thức mới về kinh tế, xã hội và môi trường. Đặc biệt, trong năm 2015, AFD đã cam kết hỗ trợ tài chính cho Việt Nam tổng cộng 55 triệu Euro, trong đó, khoản vay 52,5 triệu euro dành cho các tỉnh Ninh Bình, Hà Tĩnh và TP Cần Thơ để tài trợ cho các công trình hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu Ngoài giá trị của các khoản tài trợ, AFD còn cấp một khoản vay trị giá 30 triệu Euro nhằm mở rộng và cải thiện tiếp cận nước sạch của người dân trong các tỉnh, thành ĐBSCL. Nhờ dự án này, 750 nghìn người sẽ được sử dụng nước sạch, 1 triệu người dân khác trong khu vực sẽ được sử dụng nước có chất lượng tốt hơn.

Lĩnh vực hợp tác phát triển đô thị Việt Nam – Cộng hòa Pháp trong thời gian qua có nhiều chương trình hợp tác hiệu quả và thiết thực giữa các địa phương của Pháp như vùng Rhône-Alpes, Vùng Île-de-France và thành phố Lyon với một số tỉnh, thành của Việt Nam. Trên nền tảng đó, hợp tác Việt Nam – Cộng hòa Pháp về đô thị hy vọng sẽ tăng tốc trong thời gian tới. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, hy vọng rằng sau hội thảo giữa TP Đà Nẵng và Pháp nói riêng, giữa các tỉnh thành Việt Nam và Pháp nói chung sẽ có nhiều hợp tác hơn trong lĩnh vực phát triển đô thị nhằm cùng nhau chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm hợp tác từ việc thực hiện những dự án quy hoạch phát triển các vùng đô thị; đầu tư phát triển hạ tầng, quản lý đô thị để phù hợp với thách thức của biến đổi khí hậu.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết