03/09/2018 - 10:19

Phát huy vai trò phụ nữ trong xây dựng Đảng, chính quyền 

Ban Thường vụ HLHPN TP Cần Thơ, vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội” (Quyết định 217) và Quyết định số 218-QĐ/TW ban hành “Quy định về việc MTTQVN, các đoàn thể chính trị- xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” (Quyết định 218). Kết quả  thực hiện công tác này không chỉ khẳng định, nâng cao vị thế, vai trò của các cấp Hội mà là một trong những giải pháp góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (NQTW4) khóa XII trong giai đoạn hiện nay...

Đồng chí Diệp Thị Thu Hồng phát biểu tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 217, 218 của các cấp Hội LHPN thành phố.  Ảnh: Q.LAM

Theo bà Diệp Thị Thu Hồng, Chủ tịch Hội LHPN thành phố, Quyết định 217, 218 là cơ chế hiệu lực để các cấp Hội thực hiện quy chế giám sát và phản biện xã hội  (GS&PBXH) và quy định về tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Qua thực hiện, nhận thức của cán bộ, đảng viên, hội viên, phụ nữ, các cơ quan, tổ chức về vai trò, trách nhiệm của Hội trong việc thực hiện GS&PBXH; tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh đã nâng lên rõ rệt… Từ đó, góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương...

Theo đánh giá của Hội LHPN thành phố, 5 năm qua công tác GS&PBXH, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của các cấp Hội có nhiều chuyển biến tích cực. Cán bộ Hội chủ chốt các cấp đã xác định được đối tượng, nội dung, phạm vi và phương pháp, quy trình giám sát. Hội viên và quần chúng phụ nữ đã nắm được vai trò của Hội trong thực hiện GS&PBXH, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Qua 5 năm, Hội LHPN thành phố đã thực hiện giám sát, rà soát 10 nội dung, liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ, gia đình, trẻ em, bình đẳng giới, chính sách cho lao động nữ, người có công, an sinh xã hội…  Hội LHPN quận, huyện và đơn vị tương đương tổ chức được 54 cuộc giám sát, với 22 nội dung; Hội LHPN xã, phường, thị trấn thực hiện 291 cuộc giám sát, với 142 lượt nội dung phù hợp với tình hình và chính sách an sinh xã hội tại địa phương, đơn vị… Các cấp Hội LHPN trong thành phố còn tích cực tham gia phản biện xã hội đối với các dự thảo văn kiện, luật, chính sách, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền bằng nhiều hình thức.  

Để thực hiện tốt công tác này, các cấp Hội LHPN đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chủ động lựa chọn nội dung GS&PBXH phù hợp với tình hình địa phương. Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong nếp nghĩ, cách làm của từng cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên; gầy dựng niềm tin trong nội bộ và quần chúng nhân dân. Chị Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Ninh Kiều, cho biết: “Qua 5 năm, Hội LHPN quận và cơ sở đã thực hiện 78 nội dung giám sát; tập trung các vấn đề liên quan đến quyền lợi trẻ em, phụ nữ, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Cụ thể như giám sát việc cấp thẻ bảo hiểm y tế, giấy khai sinh cho trẻ em dưới 6 tuổi; việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, phụ nữ nghèo; Nghị định số 56/2012/NĐ-CP về quy định trách nhiệm của Bộ, ngành, UBND các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội LHPN Việt Nam tham gia quản lý nhà nước, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống bạo lực gia đình…”.

Ở nhiều cơ sở Hội, việc thực hiện tốt vai trò GS&PBXH đã kịp thời hỗ trợ, đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc phát hiện, uốn nắn những hành vi tiêu cực, sai phạm của các cấp, các ngành, góp phần thực hiện có hiệu quả NQTW4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chị Nguyễn Thị Bé Đang, Chủ tịch Hội LHPN xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, chia sẻ: “Ngoài việc GS&PBXH, Hội thực hiện tốt công tác tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thông qua việc tham gia các ban, hội đồng tư vấn của địa phương, đóng góp ý kiến xây dựng các dự thảo luật, tham gia các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; phát huy vai trò dân chủ, trực tiếp, dân chủ đại diện, vai trò phản biện xã hội trong việc tham gia, giám sát thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; kết hợp giữa tư vấn và tuyên truyền pháp luật... để từ đó có thể giải quyết các vấn đề phát sinh ngay tại cơ sở, hạn chế đơn thư vượt cấp”.

Theo đồng chí Diệp Thị Thu Hồng, thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục phát huy vai trò chủ thể, chủ động, tăng cường phối hợp, tranh thủ các ngành, các cấp để việc thực hiện Quyết định 217, 218 đi vào chiều sâu, lựa chọn chủ đề, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, phản biện; mạnh dạn tham gia góp ý, xây dựng Đảng, chính quyền. Đặc biệt tăng cường giám sát các vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới; những vấn đề báo chí, dư luận quan tâm; cá nhân cán bộ Hội, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền… góp phần phòng, chống tham nhũng, lãnh phí, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng tiêu chí người cán bộ Hội “Trí tuệ, nhân hậu, tự tin, năng động”...

QUỲNH LAM

Chia sẻ bài viết