23/04/2018 - 21:38

Phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế để tăng nhanh xuất khẩu 

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu, diễn ra ngày 23-4 , Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, không có nước nào trên thế giới có thể công nghiệp hóa, trở thành một nước thu nhập cao mà không thành công trong xuất khẩu. Những quốc gia thành công, doanh nghiệp thành công đều coi toàn thế giới là thị trường phải vươn ra, từ đó tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Đó cũng là con đường để nền kinh tế Việt Nam cất cánh.

Thuận lợi đan xen khó khăn

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Chính phủ và các bộ, ngành đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp. Bức tranh kinh tế quý I/2018 có nhiều điểm sáng, với GDP đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua. Các khu vực công nghiệp, nông nghiệp đều có kết quả tích cực, tăng trưởng tín dụng và vốn FDI đạt mức cao, lạm phát được kiểm soát. Tất cả đều đã và đang tạo ra môi trường ngày càng thuận lợi hơn cho sản xuất nói chung và xuất khẩu nói riêng.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Thương mại toàn cầu năm 2018 cũng được dự báo tiếp tục khởi sắc và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tăng tại nhiều nước, tạo thuận lợi cho xuất khẩu của nước ta. Bên cạnh đó, theo lộ trình cam kết tại các hiệp định thương mại tự do (FTA) thuế nhập khẩu của các đối tác sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam tại nhiều thị trường lớn. Nước ta gần như hoàn tất việc mở cửa tiếp cận thị trường mới, với 12 hiệp định FTA đã ký kết và một số FTA đang tiếp tục được đàm phán. Đây là tiền đề quan trọng để Việt Nam không phụ thuộc vào một vài bạn hàng, một vài ngành hàng, góp phần nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế. Năm 2017, lần đầu tiên Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 200 tỉ USD, với tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 214 tỉ USD, tăng 21,2% so với năm trước. Trong đó, có 29 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD, 20 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2 tỉ USD và 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 6 tỉ USD.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức do thị trường thế giới vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường khi quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa các nền kinh tế lớn tiếp tục có những căng thẳng. Đặc biệt, xu hướng bảo hộ thương mại đang trỗi dậy, nhiều nước gia tăng các rào cản kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu để bảo hộ sản xuất trong nước và áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe. Đồng thời, cạnh tranh trên thị trường quốc tế cũng trở nên gay gắt hơn...

Cần hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam cho rằng, nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư chế biến sâu để nâng cao giá trị hàng xuất khẩu nhưng còn gặp khó do cần phải có đất đai và nguốn vốn lớn, trong khi  lãi suất vay ngân hàng lại ở mức cao và đất giá cũng rất cao. Nhà nước cần xác định các ngành hàng ưu tiên đầu tư cho chế biến sâu và có chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, về  đất đai… Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng rất cần được hỗ trợ, cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về thị trường quốc tế. “Tham tán thương mại Việt Nam tại các nước cần phát huy tốt mối quan hệ với doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp tại nước sở tại để nắm bắt thông tin và cung cấp kịp thời cho doanh nghiệp Việt Nam”- ông Nam đề xuất.

Thu hoạch cá tra nguyên liệu phục vụ xuất khẩu tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG
Thu hoạch cá tra nguyên liệu phục vụ xuất khẩu tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện khoảng 70% nguyên liệu thủy sản phục vụ xuất khẩu được nuôi trồng tại ĐBSCL. Để phát triển xuất khẩu thủy sản bền vững, Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ người dân phòng ngừa ảnh hưởng của xâm nhập mặn gây tác động xấu đến nguồn cung và giá thành sản xuất. Cần đánh giá ảnh hưởng của mặn tại ĐBSCL để có biện pháp bố trí thời vụ thả nuôi phù hợp, phát triển sản xuất giống và nguồn thức ăn đảm bảo chất lượng với giá thành thấp, cũng như chú trọng hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình tiên tiến sản xuất thủy sản bền vững. Qua đó, giúp nông dân giảm chi phí và rủi ro, nâng cao được thu nhập. Mặt khác, quan tâm triển khai các chương trình sản xuất tôm sạch, không kháng sinh, không tạp chất; nâng cao giá trị gia tăng hàng xuất khẩu Việt Nam và định hướng phát triển các thị trường trọng điểm và thị trường tiềm năng… Đặc biệt, đối với thị trường Trung Quốc, cần đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch và kiểm soát chặt chất lượng hàng xuất khẩu tiểu ngạch để bảo vệ uy tín, chất lượng hàng Việt Nam.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Cần rà soát, sửa đổi bổ sung một số văn bản pháp lý để tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp, khuyến khích xuất khẩu, khuyến khích sử dụng nguyên liệu trong nước…Thủ tướng cho biết, sắp tới, sẽ trực tiếp đi kiểm tra về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan. Việc giảm chi phí đối với hàng xuất khẩu cũng là vấn đề rất quan trọng, bởi một rò rỉ nhỏ có thể nhấn chìm con tàu lớn. Các loại chi phí phải giảm mới cạnh tranh được. Cần giảm chi phí ở mọi khâu, từ logistics, chi phí vốn, thủ tục, chi phí tiền lương đến những khoản chi phí “không chính thức”… Một vấn đề nổi cộm nữa là cần quản lý tốt hơn về chất lượng sản phẩm. Cơ bản chất lượng hàng hóa của nước ta là tốt mới xuất khẩu được như thời gian qua nhưng đâu đó, còn mấy “con sâu làm rầu nồi canh” ảnh hưởng uy tín hàng Việt Nam…

Nêu rõ một số quan điểm chỉ đạo trong xuất khẩu, Thủ tướng cho rằng, cần chủ động và độc lập tự chủ trong hội nhập quốc tế, củng cố quan hệ hợp tác với các nước để phát triển thị trường bền vững. Chú ý đa dạng thị trường, tham gia ngày càng sâu vào mạng lưới xuất khẩu và chuỗi giá trị toàn cầu. Phát huy mọi tiềm năng, khai thác lợi thế so sánh của Việt Nam để tăng nhanh xuất khẩu, cả số lượng, chất lượng và giá trị gia tăng hàng hóa, đảm bảo cân đối giữa xuất khẩu- nhập khẩu, góp phần đưa GDP đạt mức tăng trưởng cao…

KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết