08/08/2018 - 14:55

Phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội trong xây dựng nông thôn mới

Phát huy nội lực, linh hoạt giải pháp 

Quá trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), việc hoàn thành nhóm tiêu chí về hạ tầng kinh tế- xã hội không chỉ làm thay đổi diện mạo nông thôn, mà còn góp phần đắc lực cho phát triển sản xuất và đáp ứng tốt yêu cầu dân sinh. Trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn chế, huy động vốn từ các nguồn khác còn khó khăn, các xã XDNTM của TP Cần Thơ xác định phát huy nội lực, kết hợp vận dụng linh hoạt nhiều giải pháp để hoàn thành nhóm tiêu chí này.

Đồng thuận

Trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, nhóm tiêu chí hạ tầng kinh tế - xã hội gồm các tiêu chí: giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư. Sau gần 8 năm triển khai XDNTM trên địa bàn 36 xã ở TP Cần Thơ, điểm nhấn dễ thấy nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm từng bước được hoàn thiện. Ông Đỗ Sĩ Nhường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Nhận thức được tầm quan trọng của nhóm tiêu chí này, huyện ưu tiên đầu tư hoàn thiện các công trình phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh như hệ thống thủy lợi, đê bao, cầu, đường giao thông nông thôn, các thiết chế văn hóa. Hiện các xã đạt chuẩn nông thôn mới được đầu tư nhựa hóa hoặc bê-tông hóa đạt 100%, xe ô tô có thể đến được trung tâm xã; đường trục ấp cứng hóa và đường bê tông liên ấp đều đạt trên 75%. Hệ thống thủy lợi thường xuyên được nạo vét, đê bao khép kín đảm bảo 100% cho các vùng sản xuất nông nghiệp, phục vụ tốt việc tưới tiêu cho sản xuất lúa (3 vụ/năm) và vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa đường thủy”.

Người dân xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai cùng tham gia làm đường giao thông nông thôn.

Tại các xã XDNTM của thành phố, việc hoàn thành nhóm tiêu chí hạ tầng kinh tế-xã hội đáp ứng nhu cầu bức xúc, tác động trực tiếp đến đời sống, sản xuất nên nhận được sự đồng thuận cao từ người dân. “Thấy rõ lợi ích từ những công trình mang lại nên khi xã phát động, bà con đồng tình ngay. Mỗi người một cách, nhà thì hiến đất, ủng hộ tiền, hiện vật; hộ quá khó khăn thì cùng góp sức làm đường, xây cầu nông thôn. Giờ sống ở nông thôn cũng đâu thua gì thành thị. Đường sá, trường học, rồi trạm y tế, nhà văn hóa… đều được xây mới khang trang, sạch sẽ!”- ông Trần Văn Nam, người dân xã Đông Bình, huyện Thới Lai, chia sẻ.

Tại huyện Phong Điền, sau Lễ phát động Chiến dịch Thủy lợi - giao thông - môi trường, nâng chất tiêu chí nông thôn mới năm 2018, toàn huyện đã huy động nhân dân đóng góp trên 5,2 tỉ đồng và  5.696 ngày công lao động phục vụ chiến dịch. Người dân và chính quyền địa phương cùng ra quân dọn cỏ, khai thông dòng chảy; thực hiện kè mé, gia cố đê bao; nâng cấp, sửa chữa và làm mới đường, cầu giao thông nông thôn… Ngoài ra, các xã còn tuyên truyền nhân rộng mô hình thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt; trồng cây xanh, hoa kiểng trên nhiều tuyến đường nhằm tạo dựng cảnh quan môi trường sáng- xanh- sạch- an toàn. 

Nhiều địa phương phản ánh, kết cấu hạ tầng nông thôn tại các xã đã từng bước được hoàn thiện trong những năm qua, song vẫn chưa theo kịp với tốc độ phát triển và tiềm lực của từng nơi. Đối với quy hoạch kết cấu hạ tầng nông thôn, hầu hết các địa phương chưa thực hiện quy hoạch đồng bộ mạng lưới giao thông nên việc đầu tư còn tự phát, chưa mang tính định hướng, gây khó khăn cho việc nâng cấp, cải tạo và phát triển sau này. Hệ thống thủy lợi vẫn chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa vụ ba, đặc biệt là việc nhân rộng mô hình “cánh đồng lớn”. Đa phần các ấp đều có nhà thông tin, nhưng so với bộ tiêu chí nông thôn mới, cơ sở vật chất về văn hóa của xã, ấp chưa đáp ứng được yêu cầu... Với năng lực hiện có, các xã chỉ có thể phấn đấu hoàn thành tiêu chí giao thông, thủy lợi. Còn các tiêu chí khác, như: trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông… hầu hết đều phải đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước.

Linh hoạt nhiều giải pháp

 Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng nhấn mạnh: Nhóm tiêu chí về hạ tầng kinh tế-xã hội cần có vốn đầu tư lớn. Một số tiêu chí như trường học, y tế, xóa nhà tạm phải thực hiện từng bước và lâu dài. Vì vậy, mỗi xã cần cân nhắc trong việc chọn công trình nào thực sự cần thiết ưu tiên đầu tư trước gắn với việc thường xuyên quan tâm duy tu, sửa chữa. Đối với công cuộc XDNTM hiện nay, phát huy nội lực vẫn là giải pháp mang tính sống còn. Lẽ đó, các xã cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động vốn trong dân, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án mục tiêu quốc gia thực hiện trên địa bàn nhằm đa dạng hóa nguồn lực XDNTM... Đồng thời,  phải tuyệt đối tránh tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản. Và để làm được điều này, công tác tuyên truyền XDNTM phải được đặt lên hàng đầu, bám sát phương châm “dễ hiểu, dễ thấy, dễ làm và dễ đóng góp”.

Trong bối cảnh khó khăn chung, ngoài nguồn vốn đầu tư và hỗ trợ đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, các huyện XDNTM trên địa bàn thành phố đã chủ động lên kế hoạch, vận dụng linh hoạt các giải pháp để từng bước hoàn thiện nhóm tiêu chí về hạ tầng kinh tế- xã hội. Theo ông Nguyễn Thanh Danh, Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, nan giải nhất vẫn là nguồn vốn phục vụ XDNTM. Năm 2018, vốn xây dựng cơ bản thành phố bố trí cho huyện là 108 tỉ đồng. Trong khi đó, để hoàn thành XDNTM tại 1 xã, cần khoảng 100 tỉ đồng. Do đó, đầu tư cho nông thôn mới phải tính toán rất kỹ và phân kỳ hợp lý, nếu không sẽ rơi vào tình trạng nợ tiêu chí hoặc nợ đọng xây dựng cơ bản. Đối với huyện Thới Lai, việc đầu tư nâng cấp, cải tạo hạ tầng giao thông nông thôn thời gian qua tạo được sự đồng thuận cao từ phía người dân. Vì vậy, các huyện chỉ đạo các xã tiếp tục tận dụng lợi thế này để đẩy mạnh phong trào “Cần Thơ chung sức XDNTM”.

Ông Đỗ Sĩ Nhường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Đích đến cuối cùng của XDNTM là cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Do đó, chúng tôi đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng; chú ý phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả. Một khi thu nhập cải thiện, đời sống khấm khá, người dân sẽ đóng góp nhiều hơn cho công cuộc XDNTM tại địa phương. Hiện tại, chúng tôi đang triển khai lấy ý kiến đóng góp từ mặt trận, các đoàn thể và người dân về mức độ hài lòng trong việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nói chung và nhóm tiêu chí hạ tầng kinh tế- xã hội nói riêng để có sự điều chỉnh, nâng chất cho phù hợp với thực tiễn”.

Tại nhiều xã XDNTM trên địa bàn thành phố, các công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn được xác định phải chú trọng chất lượng và đảm bảo tiến độ. Các công trình này thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tiến hành một cách đồng bộ với lộ trình cụ thể, chọn ấp điểm để đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng ra toàn xã.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết