23/03/2012 - 15:01

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TRUNG ƯƠNG CẦN THƠ

Phát huy kỹ thuật điều trị mới, nâng cao chất lượng phục vụ

Đoàn bác sĩ phẫu thuật GroupHealth - Hoa Kỳ đang chuyển giao kỹ thuật nối mạch máu chi dưới cho BVĐKTƯ Cần Thơ.

Đầu năm nay, Văn phòng Chính phủ đã phát hành Thông báo số 62/TB-VPCP kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về công tác y tế năm 2012. Qua đó, ngành y tế phải quyết liệt giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện chuyên khoa. Ở TP Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa Trung ương (BVĐKTƯ) Cần Thơ (thuộc Bộ Y tế) đã nỗ lực triển khai nhiều kỹ thuật mới, điều trị các bệnh phức tạp để giúp người dân các tỉnh ĐBSCL đỡ tốn thời gian, tiền bạc đến TP Hồ Chí Minh điều trị và cũng góp phần giảm tải cho các bệnh viện lớn ở
TP Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo của BVĐKTƯ Cần Thơ, hiện nay lĩnh vực lâm sàng bệnh viện đã phát triển hơn 10 kỹ thuật mới bằng phương pháp mổ nội soi, gồm: phẫu thuật cắt dạ dày, phẫu thuật cắt đại tràng nội soi khâu nối máy, phẫu thuật cắt lách, phẫu thuật cắt thùy phổi điển hình điều trị những tổn thương lành và ác tính ở phổi, phẫu thuật cắt tuyến, phẫu thuật tràn khí màn phổi thứ phát, nguyên phát; phẫu thuật đặt stent thực quản, phẫu thuật nội soi khớp gối, thay khớp háng toàn phần, phẫu thuật nội soi sau phúc mạc lấy sỏi niệu quản đoạn chậu, phẫu thuật nội soi sau phúc mạc tạo hình khúc nối bể thận - niệu quản.

Mổ nội soi có nhiều ưu thế hơn mổ hở, như: vết mổ nhỏ, đạt yêu cầu về thẩm mỹ, hạn chế nhiễm trùng vết thương, bệnh nhân ít bị đau đớn, ít chảy máu, đảm bảo thẩm mỹ, thời gian nằm viện ngắn,... Trên thực tế, kỹ thuật mổ nội soi đã phát triển tại các bệnh viện lớn ở TP Hồ Chí Minh từ thập niên 90 của thế kỷ trước, chủ yếu là điều trị các bệnh lý thuộc đường tiêu hóa. Những bệnh nhân ở TP Cần Thơ hoặc các tỉnh lân cận, có điều kiện kinh tế khá giả thường lên TP Hồ Chí Minh để điều trị bệnh bằng phương pháp mổ nội soi. Đến nay, BVĐKTƯ Cần Thơ không chỉ thực hiện được kỹ thuật mổ nội soi dạ dày, đại tràng, mật, tụy, bình quân mỗi năm vài trăm ca, mà còn thực hiện được kỹ thuật đặt stent đường mật, tụy, thực quản, giúp những bệnh nhân bị khối u (ung thư) ở giai đoạn muộn, hoặc có những bệnh lý khác đi kèm không thể phẫu thuật, được duy trì sự sống. Trong đó, đối với bệnh nhân bị ung thư thực quản kỹ thuật đặt stent có ý nghĩa cực kỳ quan trọng là giúp bệnh nhân ăn uống để duy trì sự sống. Bác sĩ CKII Bồ Kim Phương, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, giải thích: “Khi bị khối u thực quản, thường bệnh nhân tử vong trước khi khối u phát triển, nếu ăn uống được, thì bệnh nhân sẽ duy trì được thể trạng để hấp thu nguồn thuốc, hóa chất điều trị”. Bà Trần Thị Năm, 55 tuổi, ở Phụng Hiệp, Hậu Giang là bệnh nhân đầu tiên được BVĐKTƯ Cần Thơ đặt stent thực quản (ca mổ vào ngày 4-10-2011), đến nay vẫn khỏe mạnh, thường xuyên đến bệnh viện tái khám. Bà Trần Thị Năm bộc bạch: “Nếu không có BVĐKTƯ Cần Thơ, chắc tôi khó có điều kiện lên TP Hồ Chí Minh điều trị, vì rất tốn kém tiền bạc, thời gian”.

Còn ở lĩnh vực ngoại khoa, từ năm 2010 đến nay khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình - Bỏng của bệnh viện đã thực hiện thành công trên 300 ca nội soi khớp gối. Bệnh nhân là những người bị viêm hoạt mạc khớp gối thất bại với điều trị nội khoa, bị dị vật vùng khớp gối do chấn thương lâu năm như là: sạn khớp (chuột khớp), đau khớp do thoái hóa giai đoạn sớm, nhiều nhất là các trường hợp bị tai nạn giao thông, tai nạn trong thể thao làm đứt dây chằng chéo trước, chéo sau, dây chằng bên chày, bên mác, hay có tổn thương góc sau ngoài, ... Thời gian nằm viện của bệnh nhân trung bình l0 ngày. Còn nhớ, vào ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2 vừa qua, đến BVĐKTƯ Cần Thơ, tôi đã có dịp gặp lại Lý Ngọc Minh Tâm, là sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, bị tai nạn giao thông làm tổn thương đa dây chằng khớp gối, được ê kíp bác sĩ Lưu Văn Huề, Phạm Việt Triều, Thái Công Toàn Em của Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng phẫu thuật nội soi, vào ngày 7-11-2011, khâu nối, tái tạo dây chằng chéo trước, chéo sau và bên trong. Lý Ngọc Minh Tâm vui mừng cho biết: “Em đến bệnh viện để tập vật lý trị liệu, bác sĩ cho biết nếu em kiên trì tập luyện thì có thể chơi bóng đá, môn thể thao mà em rất ưa thích”. Bác sĩ Lưu Văn Huề bộc bạch: “Bệnh nhân Nguyễn Văn Thanh, ở tỉnh Hậu Giang được tôi phẫu thuật nội soi khớp gối. Khi lành bệnh, đã vui mừng gọi điện thoại cho tôi để cám ơn và cho biết: Bây giờ em leo dừa mướn được rồi bác sĩ ơi! Tôi thật xúc động”. Theo bác sĩ Lưu Văn Huề, trong số 300 bệnh nhân bị tổn thương khớp gối được bệnh viện phẫu thuật nội soi, có rất nhiều người còn trong độ tuổi lao động và là chủ gia đình như anh Nguyễn Văn Thanh, ca phẫu thuật thành công giúp họ duy trì khả năng lao động để nuôi sống gia đình. Đó là niềm vui của người thầy thuốc.

Thế mạnh của BVĐKTƯ Cần Thơ là công tác liên kết đào tạo và hợp tác quốc tế. Năm qua, đoàn phẫu thuật GroupHealth - Hoa Kỳ đã hướng dẫn ê kíp phẫu thuật mạch máu lồng ngực của bệnh viện phẫu thuật điều trị thành công các trường hợp bệnh lý phức tạp về mạch máu, như: tắc động mạch (TĐM) chủ, TĐM đùi, TĐM kheo (dân gian gọi là nhượng), TĐM cẳng chân bằng kỹ thuật ngoại khoa mới là phối hợp giữa can thiệp nội mạch và phẫu thuật mạch máu kinh điển (kỹ thuật Hybrid), kỹ thuật bắc những cầu nối xa cho chi dưới sử dụng tĩnh mạch tại chỗ, kỹ thuật tạo bóc nội mạc và tạo hình chạc ba động mạch đùi... giúp bệnh nhân lớn tuổi ở các tỉnh ĐBSCL bị bệnh lý phức tạp về mạch máu không phải chuyển lên TP Hồ Chí Minh điều trị. Tiến sĩ - bác sĩ Đặng Quang Tâm, Giám đốc BVĐKTƯ Cần Thơ, cho biết: Yếu tố quyết định sự thành công của những ca phẫu thuật phức tạp là trình độ gây mê hồi sức của các bác sĩ gây mê. Hiện nay, bệnh viện đã có nhiều bác sĩ gây mê đủ trình độ phục vụ cho các ca phẫu thuật can thiệp mạch vành. Hy vọng Bộ Y tế sớm đầu tư trang thiết bị để bệnh viện triển khai kỹ thuật mổ tim hở, can thiệp mạch vành.

BVĐKTƯ Cần Thơ được Bộ Y tế phân bổ quy mô 700 giường bệnh, nhưng với điều kiện cơ sở vật chất rộng rãi, bệnh viện đã đưa vào hoạt động đến 1.027 giường. Trong năm 2011, công suất sử dụng giường bệnh đạt 123%, có trên 47.000 lượt bệnh nhân điều trị nội trú. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội TP Cần Thơ, năm 2011, tổng chi phí thanh toán cho bệnh nhân dùng thẻ bảo hiểm y tế điều trị tại BVĐKTƯ Cần Thơ lên đến 58 tỉ đồng, chủ yếu là thanh đa tuyến, tức bệnh nhân ở ngoài địa bàn TP Cần Thơ. Những con số này cho thấy, BVĐKTƯ Cần Thơ đã thực sự góp phần giải quyết giảm tải cho các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh.

Bài, ảnh: M.NGUYỆT

Chia sẻ bài viết