10/01/2015 - 16:59

Phát huy hiệu quả quỹ bảo trì đường bộ

Cùng với cả nước, TP Cần Thơ triển khai thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô từ tháng 8-2013. Đối với xe ô tô, các chủ phương tiện đóng phí sử dụng đường bộ tại Trung tâm đăng kiểm phương tiện giao thông thủy bộ. Từ nguồn thu này, các quận, huyện trên địa bàn thành phố dành để bố trí cho công tác nâng cấp, bảo trì đường bộ. Song song đó, thành phố cũng tranh thủ nguồn vốn được phân bổ từ Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương để sửa chữa, nâng cấp những công trình mang tính bức thiết, đảm bảo nhu cầu đi lại, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Theo Văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ TP Cần Thơ, cuối năm 2013, TP Cần Thơ được Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương phân bổ trên 19,33 tỉ đồng để bố trí cho các công trình nâng cấp, sửa chữa hạ tầng đường giao thông. Qua đó, thành phố đã bố trí vốn cho 5 hạng mục công trình và hoàn thành, đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Trong số các công trình giao thông được nâng cấp từ nguồn Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương và phát huy hiệu quả tích cực có thể kể đến tuyến đường Tầm Vu, đoạn từ cầu Bà Lễ đến cuối tuyến. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy khu vực 2, phường Hưng Lợi, chia sẻ: “Tuyến đường này được hoàn thành đưa vào sử dụng vào đầu năm 2014 đã góp phần khắc phục tình trạng ngập nghẹt của khu vực trong mùa mưa bão. Đồng thời hạn chế tình trạng bụi đường mịt mù vào mùa khô do có nhiều phương tiện xe tải chở vật liệu xây dựng lưu thông. Người dân trong khu vực cũng rất phấn khởi khi biết đây là tuyến đường được nâng cấp từ Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương đầu tư”.

 Tuyến đường Tầm Vu, đoạn từ cầu Bà Lễ đến cuối tuyến được nâng cấp từ nguồn vốn của Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương.

Sang năm 2014, TP Cần Thơ tiếp tục được bố trí hơn 19 tỉ đồng từ nguồn Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương. Ngay sau khi được bố trí vốn, Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ đã thực hiện các thủ tục đầu tư cần thiết để tiếp tục nâng cấp, sửa chữa 5 hạng mục công trình đường giao thông trên địa bàn. Trong đó gồm hạng mục trải thảm bê tông nhựa đoạn đường dài 3km trên tuyến đường tỉnh 921 và hạng mục sửa chữa đường vào các cầu, giặm vá một số vị trí trên tuyến đường tỉnh 921. Ba hạng mục còn lại là sửa chữa các cầu trên đường tỉnh 922 (đoạn từ Ô Môn đến Thới Lai); nâng cấp tuyến đường tỉnh 920C (đoạn từ quốc lộ 91 đến Nhà máy Xi măng Hà Tiên 2); nâng cấp, sửa chữa đường tỉnh 919 (đoạn từ Thị trấn Cờ Đỏ đến huyện Vĩnh Thạnh). Hiện các công trình này đang được triển khai thi công và dự kiến hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2015 để phục vụ người dân.

Bên cạnh nguồn quỹ bảo trì đường bộ do Trung ương phân bổ, các quận huyện trên địa bàn thành phố còn tranh thủ nguồn thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô để nâng cấp sửa chữa đường giao thông do địa phương quản lý. Theo ông Nguyễn Hồng Hà, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Bình Thủy, cho biết, năm 2014, quận Bình Thủy dành 2,12 tỉ đồng từ nguồn Quỹ bảo trì đường bộ để duy tu, sửa chữa 10 hạng mục công trình đường giao thông trên địa bàn. Trong đó bao gồm đường Công Binh, Huỳnh Phan Hộ, Nguyễn Thông, Vành đai phi trường nhánh B, hẻm 115 và hẻm 93 đường Cách Mạng Tháng Tám, đường nối hẻm 7-khu dân cư Ngân Thuận phường Bình Thủy, hẻm 12 đường Nguyễn Truyền Thanh, đường dân sinh cầu Bình Thủy trên quốc lộ 91B, gia cố điểm sạt lở tuyến đường chợ Phó Thọ phường Long Tuyền. Từ đó góp phần chỉnh trang đô thị, tạo điều kiện cho người dân lưu thông thuận tiện.

Ông Tống Thanh Tùng, Trường phòng Quản lý đô thị quận Ninh Kiều, cho biết: “Năm 2013 và 2014, sau khi thu nộp phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô, quận Ninh Kiều được phân bổ lại 90% trên tổng nguồn thu, tương đương 5,777 tỉ đồng. Từ nguồn vốn này, quận bố trí đầu tư nâng cấp đường dân sinh 2 bên cầu Cái Răng, đoạn tiếp giáp đường 3-2 và đường tỉnh 923. Quận đang chuẩn bị các thủ tục đầu tư, triển khai kế hoạch đấu thầu và tiến hành thi công trong quý I/2015. Do nguồn vốn này không nhiều nên quận ưu tiên bố trí vốn cho 1 công trình có địa chỉ cụ thể và người dân có nhu cầu bức thiết nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn gắn với công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa thiết thực của việc đóng góp vào Quỹ bảo trì đường bộ”.

Năm 2013, các quận, huyện trên địa bàn thành phố đồng loạt triển khai thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô và thu nộp ngân sách hơn 15,82 tỉ đồng. Sau đó, các quận, huyện được bố trí lại 90% trên tổng nguồn thu (tương đương hơn 14,2 tỉ đồng) để dành cho công tác bảo trì đường bộ năm 2014 đối với các công trình do địa phương quản lý. Sang năm 2014, công tác thu phí sử dụng đường bộ tiếp tục được triển khai thực hiện với kế hoạch thu cả năm hơn 20,087 tỉ đồng. Đến cuối năm, Văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ TP yêu cầu các quận, huyện thống kê, báo cáo số liệu thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô để làm cơ sở phân bổ lại cho các công trình bảo trì đường bộ của địa phương năm 2015. Song song đó, để tranh thủ nguồn kinh phí phân bổ từ Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, Văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ thành phố đã có bước khảo sát và xác định danh mục 5 công trình đường bộ dự kiến sẽ duy tu, sửa chữa theo kế hoạch bảo trì đường bộ địa phương năm 2015 với tổng kinh phí ước tính 21,2 tỉ đồng. Những tuyến được chọn theo tiêu chí ưu tiên như hư hỏng, xuống cấp nặng hay đi qua các địa bàn, khu vực đông dân cư.

Thời gian qua, Văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ TP Cần Thơ cùng Sở Giao thông Vận tải thành phố luôn chủ động rà soát các công trình có nhu cầu nâng cấp, sửa chữa và chuẩn bị đầy đủ các thông tin dữ liệu liên quan để kịp thời đề xuất về Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương để tranh thủ nguồn vốn phân bổ và triển khai đầu tư kịp thời ngay khi được bố trí vốn. Theo ông Nguyễn Hoàng Tùng, Chánh văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ TP Cần Thơ, khó khăn hiện nay là nguồn vốn từ Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương thường được bố trí vào tháng 9 hàng năm nên làm ảnh hưởng đến các thủ tục đầu tư và công tác thi công, bảo trì đường bộ. Do đó, thành phố đã đề nghị Trung ương phê duyệt bố trí và phân bổ vốn ngay từ đầu năm để địa phương kịp triển khai trong năm kinh phí. Ngoài ra, công tác thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô vẫn chưa được triển khai quyết liệt ở các quận, huyện. Nguồn thu này còn thấp nên chưa đóng góp đáng kể vào hoạt động nâng cấp sửa chữa các công trình hạ tầng giao thông do địa phương quản lý. Vì vậy, các địa phương cần có giải pháp đôn đốc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô để có tạo nguồn cho Quỹ bảo trì đường bộ địa phương, phục vụ yêu cầu nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết