25/08/2011 - 10:09

PHỐI HỢP CÔNG - TƯ CHƯƠNG TRÌNH CHỐNG LAO

Phát hiện sớm bệnh lao, giảm lây nhiễm trong cộng đồng

Cán bộ Trạm Y tế phường An Lạc chích thuốc cho bệnh nhân lao.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là một trong 22 quốc gia có tình hình bệnh lao nghiêm trọng nhất trên thế giới. Tuy nhiên tỷ lệ phát hiện bệnh lao mới đạt trên 55%, như vậy vẫn còn một lượng lớn bệnh nhân lao chưa được phát hiện và điều trị trong cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm cao. Vừa qua, TP Cần Thơ là 1 trong 4 tỉnh, thành trong cả nước triển khai dự án mở rộng mô hình phối hợp y tế công-tư trong phòng chống bệnh lao để tăng tỷ lệ phát hiện bệnh.

Qua nghiên cứu của Chương trình chống lao quốc gia cho thấy, trên 37% bệnh nhân lao đến khám lần đầu tại y tế tư nhân làm kéo dài thời gian chẩn đoán. Như trường hợp bệnh nhân T.T.T, 48 tuổi, phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều đang điều trị bệnh lao đa kháng (lao kháng thuốc) tại Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) quận Ninh Kiều kể: “Cách đây 3 năm, tôi bị ho, mất ngủ. Tôi tìm đến rất nhiều nhà thuốc để mua thuốc uống. Uống thuốc nơi này không hết, tôi đổi nơi khác. Thậm chí tôi còn sử dụng cả thuốc bắc, thuốc nam nhưng mấy tháng trời bệnh không giảm mà ngày càng tăng. Người gầy sọp, tôi mới tìm đến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ. Bác sĩ thông báo cho tôi biết tôi bị bệnh lao phổi. Không những thế vì đi uống thuốc lòng vòng nhiều nơi tôi còn bị lao đa kháng (lao kháng thuốc-NV). Tôi điều trị thêm hơn 1 năm nữa. Mỗi tháng tốn khoảng 1,5 triệu đồng. Ngoài ra còn tốn tiền đi lại, bồi dưỡng, không làm việc được nên kinh tế kiệt quệ, tôi đã định bỏ trị. May mắn là Chương trình hỗ trợ thuốc điều trị lao đa kháng triển khai, tôi được bệnh viện giới thiệu điều trị miễn phí hoàn toàn, giờ bệnh giảm hẳn. Tôi không còn chích thuốc, chỉ nhận thuốc uống hàng ngày”.

Những ngày đầu mới phát hiện bệnh, ông T. rất lo lắng vì nhiều tháng trời chưa phát hiện bệnh, điều trị lòng vòng, nguy cơ lây bệnh cho vợ và con rất cao. Ông đưa cả gia đình đi khám nhưng may mắn là không ai lây bệnh. Theo một cán bộ công tác ở chương trình chống lao: “Nhiều bệnh nhân không may mắn như gia đình ông T. do bệnh phát hiện muộn nên đã lây cho người thân trong gia đình. Vì thế, có khi cả nhà 2-3 người mắc bệnh lao”.

Như vậy, cơ hội phát hiện sớm bệnh lao ở khu vực y tế tư nhân còn chưa được khai thác. Chính điều này góp phần làm cho bệnh lao ở nước ta nói chung và TP Cần Thơ nói riêng diễn biến phức tạp như bệnh lao kháng thuốc, tỷ lệ phát hiện bệnh lao mới hàng năm chưa giảm... Để hạn chế lây nhiễm trong cộng đồng, tăng tỷ lệ phát hiện bệnh lao, TP Cần Thơ đã triển khai phối hợp công-tư trong phòng chống bệnh lao. Chương trình này do tổ chức PATH phối hợp với Chương trình chống lao quốc gia điều phối, USAID (cơ quan phát triển Hoa Kỳ) tài trợ, triển khai ở TP Cần Thơ từ tháng 7-2011, tại 3 quận Ninh Kiều, Ô Môn, Thốt Nốt.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ cho biết: “Khi người dân có các triệu chứng như ho khạc kéo dài trên 2 tuần, mất ngủ, sụt cân, đến các nhà thuốc, phòng mạch tư khám, mua thuốc sẽ được các cơ sở này tư vấn và giới thiệu đến TTYTDP quận, huyện hoặc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ. Những nơi này sẽ chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân. Với cách làm này, người bệnh sẽ được chẩn đoán sớm, giảm chi phí điều trị, thời gian lây nhiễm trong cộng đồng và tránh được bệnh lao kháng đa thuốc”. Bệnh nhân D., phường An Lạc, quận Ninh Kiều bị ho có đàm về chiều, anh đi mua thuốc tại nhiều nhà thuốc để uống. Mỗi nơi họ bán thuốc cho anh 2 ngày, uống không hết anh chuyển nhà thuốc khác, cứ như vậy suốt hai tháng trời. Cuối cùng, anh đến mua thuốc tại Nhà thuốc Ninh Kiều, phường An Lạc, nhà thuốc này nghi anh bị bệnh lao nên không bán thuốc điều trị và hướng dẫn anh đến Tổ lao, TTYTDP quận Ninh Kiều. Tại đây, anh được xét nghiệm đàm. Phát hiện anh bị lao, tổ lao đã chuyển anh về trạm y tế để trạm cấp thuốc và chích thuốc hàng ngày cho anh. Đến nay, hơn 2 tháng điều trị, anh D. giảm hẳn ho, ngủ được. Quan trọng hơn là nhờ phát hiện bệnh tương đối sớm mà bệnh anh ở mức độ nhẹ, chỉ cần điều trị 8 tháng theo phác đồ là khỏi.

Theo số liệu do Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ cung cấp, trong tháng 7-2011, các nhà thuốc, đại lý thuốc, phòng mạch tư đã chuyển 113 bệnh nhân nghi lao đến cơ sở phòng chống lao. Trong đó bệnh nhân chuyển đến từ các nhà thuốc là 59 bệnh nhân. Qua xét nghiệm, bác sĩ xác định 4 trường hợp lao phổi M(+) (tức là bệnh lao có khả năng lây lan trong cộng đồng cao-PV), 2 trường hợp lao ngoài phổi. Tiến độ này góp phần tăng tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao M(+) từ 3-5% vào cuối năm 2011.

Theo một cán bộ công tác tại Tổ lao, TTYTDP quận Ninh Kiều, nếu bệnh lao phát hiện sớm, bệnh nhẹ thì chỉ cần điều trị 8 tháng. Còn bệnh nhân đa kháng thuốc cần điều trị từ 18-24 tháng. Trong bệnh lao đa kháng, có hai nguyên nhân do nguyên phát và thứ phát. Nguyên phát do lây nhiễm từ người bệnh bị lao đa kháng. Thứ phát do thầy thuốc cho thuốc không đủ liều, bệnh nhân bỏ điều trị, mua thuốc nhà thuốc tây... Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn cho biết thêm: “Nếu phát hiện bệnh sớm, bệnh điều trị khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng. Phát hiện trễ, mãn tính có nguy cơ bị lao xơ hang, ho ra máu kéo dài, gây suy hô hấp... Ngoài nguy cơ cho bệnh nhân còn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Nếu phát hiện bệnh sớm, điều trị thuốc 2 tuần thì khả năng lây đã giảm 70%. Trong điều trị bệnh lao, thuốc điều trị miễn phí hoàn toàn. Vì thế, khi có các triệu chứng nghi lao, bệnh nhân nhanh chóng đến các Tổ lao, TTYTDP quận, huyện hoặc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ để được điều trị kịp thời”.

Bài, ảnh: HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết