09/11/2012 - 21:20

Phát hiện sớm bệnh đái tháo đường trong cộng đồng

Xét nghiệm đường máu cho người dân tại phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt. Ảnh do Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cung cấp

Hiện nay ở Việt Nam, tỷ lệ người bị đái tháo đường (ĐTĐ) týp 2 trong độ tuổi từ 30-64 khoảng 4,9%. Tỷ lệ này sẽ tăng cao nếu có thêm vài yếu tố nguy cơ như: thừa cân, tăng huyết áp... Ở nhóm người nguy cơ, tỷ lệ này là 10,5%. Từ năm 2010, tại TP Cần Thơ, Dự án Phòng, chống các bệnh không lây nhiễm trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về y tế (trong đó có bệnh ĐTĐ) được triển khai thực hiện, với trọng tâm sàng lọc và phát hiện bệnh nhân bị ĐTĐ trong cộng đồng…

Kịp thời phát hiện bệnh

Từ năm 2010, cùng với một số xã, phường khác trong thành phố, Dự án Phòng, chống ĐTĐ đã triển khai tại phường Long Tuyền, quận Bình Thủy. Trong năm 2012, Trạm y tế phường đã gởi thơ mời khám sàng lọc ĐTĐ cho 300 người từ 45-69 tuổi. Thời gian khám sàng lọc trong 1 tuần, mỗi khu vực khám 1 ngày để thuận tiện cho bệnh nhân, có sự hỗ trợ của Trung tâm Y tế dự phòng quận và các ban, ngành ở phường. Người đến khám được cân, đo vòng ngực, eo, mông, huyết áp, chiều cao; phỏng vấn tiền sử bệnh; xét nghiệm máu… Qua khám, xét nghiệm 250 người, phát hiện 18 người bị ĐTĐ và 31 người thuộc giai đoạn tiền ĐTĐ. Hộ sinh trung học Nguyễn Thị Thanh Hương, Trạm y tế Long Tuyền cho biết: "Sau khi phát hiện bệnh nhân bị ĐTĐ, trạm y tế mời người bệnh đến để hướng dẫn cách sinh hoạt, ăn uống và giới thiệu đến bệnh viện để có hướng trị bệnh. Hàng tháng, trạm cũng mời bệnh nhân đến để thử đường huyết; tiếp tục theo dõi bệnh và tư vấn cách ăn uống, sinh hoạt, dùng thuốc…Trạm tổ chức tư vấn, khám bệnh thường xuyên, không quy định ngày cụ thể, để tiện lợi cho bệnh nhân". Nhờ được cán bộ trạm y tế tư vấn, hướng dẫn, theo dõi sức khỏe thường xuyên mà sức khỏe bệnh nhân ổn định, không xảy ra các biến chứng. Chị Nguyễn Thị Út Nhỏ, 46 tuổi, ở khu vực Bình Thường B, phường Long Tuyền, cho biết: "Tôi bị ĐTĐ 6-7 năm nay. Hàng tháng, tôi đến nhận thuốc uống (theo diện bảo hiểm y tế) ở Trung tâm Chẩn đoán Y khoa, TP Cần Thơ. Ngoài ra, tôi đến Trạm y tế định kỳ để thử đường huyết. Các cán bộ ở trạm y tế cũng hướng dẫn tôi chế độ ăn uống ít tinh bột, hạn chế chất ngọt, tập thể dục đều đặn… để hạn chế tăng lượng đường trong máu, nên đến nay, sức khỏe tôi vẫn ổn định. Tất cả xét nghiệm, tư vấn ở trạm y tế đều thực hiện miễn phí, chu đáo nên tôi rất an tâm".

Ngoài việc điều trị ở bệnh viện, đa số các bệnh nhân đều thường xuyên đến trạm y tế để được theo dõi, tư vấn, ngăn chặn tiến triển của bệnh. Hộ sinh trung học Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết: "Vì đây là bệnh phải theo dõi và điều trị suốt đời nên chúng tôi luôn giữ liên lạc thường xuyên với bệnh nhân, theo dõi diễn biến của bệnh để kịp thời tư vấn, hướng dẫn".

Lưu ý những dấu hiệu bệnh

Hiện nay, tại TP Cần Thơ có 15 xã, phường, thị trấn được triển khai Dự án. Trong đó, 12 đơn vị triển khai dự án từ năm 2010, gồm: phường Long Tuyền, phường Thới An Đông (quận Bình Thủy), phường Lê Bình (quận Cái Răng), thị trấn Cờ Đỏ (huyện Cờ Đỏ), phường An Phú, phường An Bình (quận Ninh Kiều), phường Châu Văn Liêm (quận Ô Môn), xã Nhơn Nghĩa (huyện Phong Điền), xã Trường Thành (huyện Thới Lai), phường Thuận Hưng, phường Thới Thuận (quận Thốt Nốt) và thị trấn Thạnh An (huyện Vĩnh Thạnh); 3 đơn vị mới triển khai năm 2012, gồm: phường Hưng Phú (quận Cái Răng), xã Trường Xuân (huyện Thới Lai) và phường Thới Long, (quận Ô Môn).

Từ năm 2010 đến nay, thành phố có gần 22.000 người được sàng lọc bệnh ĐTĐ hoàn toàn miễn phí. Theo kết quả của năm 2010 và 2011, đã phát hiện trên 1.000 bệnh nhân bị ĐTĐ và trên 1.500 người bị tiền ĐTĐ. Đặc biệt, trên 70% người bị ĐTĐ hoặc người tiền ĐTĐ không biết mình có vấn đề về đường máu. Bác sĩ Dương Phước Long, Trưởng Khoa Sốt rét nội tiết, Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ cho biết: "Các xã, phường, thị trấn chủ yếu là tư vấn, quản lý bệnh nhân và đối tượng nguy cơ nhằm giảm tiến triển bệnh, gánh nặng bệnh tật cho gia đình và cộng đồng. Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và các quận, huyện chịu trách nhiệm giám sát, tư vấn, cung cấp trang thiết bị (máy đo đường mao mạch cùng kim que), điều tra tỷ lệ ĐTĐ, tập huấn chuyên môn. Trung tâm đang triển khai điều ra tỷ lệ ĐTĐ trong toàn thành phố, để có hướng can thiệp bằng hoạt động sàng lọc, tư vấn… kịp thời". Dự án cũng chú trọng công tác truyền thông trực quan như: tổ chức mít - tinh, phát tài liệu tuyên truyền, bố trí pano, áp phích…rộng rãi trong cộng đồng dân cư.

Bác sĩ Dương Phước Long lưu ý, khi người dân có các yếu tố nguy cơ ĐTĐ như: thừa cân hoặc béo phì; tăng huyết áp vô căn; gia đình có người mắc bệnh ĐTĐ; tiền sử có ĐTĐ thai nghén hoặc từng sinh con cân nặng trên 4kg; chẩn đoán rối loạn đường máu lúc đói, rối loạn dung nạp glucose, mỡ máu, HDL cholesterol thấp (<0,9 mmol/L) và tryglicerid máu cao (từ 2,2 mmol/L trở lên), ít hoạt động thể lực, thừa calori... nên đến các phòng Tư vấn, ở Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, Trung tâm Chẩn đoán Y khoa; 15 Trạm y tế xã, phường, thị trấn triển khai Dự án hoặc các cơ sở y tế khác, để được tư vấn, tầm soát bệnh. Người đến tư vấn tại các điểm triển khai dự án được khám sức khỏe, đo đường huyết mao mạch miễn phí; thăm khám tìm dấu hiệu biến chứng ở người ĐTЅ Qua đó, nhằm ngăn chặn, giảm tiến triển của tiền ĐTĐ lên ĐTĐ; đối với người ĐTĐ thì ngăn chặn, giảm tiến triển của bệnh, giảm biến chứng cũng như giảm gánh nặng kinh tế cho người bệnh và gia đình.

HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết