10/12/2017 - 15:52

Phát hiện nhiễm mới HIV nhờ xét nghiệm tại cộng đồng 

Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: trong hai năm 2016- 2017, toàn quốc có 106.712 người tham gia xét nghiệm tại cộng đồng (gồm tư vấn xét nghiệm lưu động, tư vấn xét nghiệm không chuyên và tự xét nghiệm), chiếm 21,8% số lượt người xét nghiệm toàn quốc. Trong đó, 3.703 lượt người có phản ứng dương tính với HIV (chiếm 18,5% số phản ứng dương tính HIV toàn quốc).

Truyền thông quảng bá xét nghiệm HIV bằng dịch miệng ở TP Cần Thơ. Ảnh: H.H

Có thể thấy, tư vấn xét nghiệm tại cộng đồng đã góp phần thực hiện mục tiêu phát hiện 90% người nhiễm HIV vào năm 2020; đồng thời, tăng lựa chọn làm xét nghiệm HIV cho người có hành vi nguy cơ lây nhiễm. Đặc biệt, các tổ chức cộng đồng có khả năng cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV đảm bảo chất lượng và chính xác; trong có, phương thức xét nghiệm nhanh (còn gọi là tự xét nghiệm) đang được triển khai thí điểm tại các nhóm tự lực, câu lạc bộ ở một số tỉnh, thành phố đã bước đầu đáp ứng được nhu cầu của đối tượng khách hàng có nguy cơ cao.

Triển khai xét nghiệm trong nhóm sử dụng ma túy

Là một nhóm được Trung tâm Phòng chống HIV Hải Phòng và hai dự án (Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS và Dự án bảo vệ tương lai – Chiến lược mới nhằm kiểm soát lây nhiễm HIV trong nhóm thanh niên từ 16- 24 tuổi sử dụng ma túy tại Việt Nam) tài trợ hoạt động, nhóm tự lực Hải Đăng đang là “cánh tay nối dài” trong việc phát hiện trường hợp nhiễm HIV mới.

Nhóm Hải Đăng được thành lập năm 2013 với 13 thành viên nòng cốt hoạt động nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, đẩy lùi sự lây lan HIV trong nhóm người tiêm chích ma túy và các nhóm dễ bị tổn thương; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Tháng 6-2017, thành viên của nhóm đã được tập huấn về kỹ thuật xét nghiệm nhanh thử phản ứng với HIV (Laytest). Đây là hình thức lấy máu đầu ngón tay để xét nghiệm nhanh. Nếu có phản ứng với HIV, khách hàng sẽ được nhóm tư vấn và chuyển gửi đến Phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện (Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Hải Phòng) để tiến hành xét nghiệm khẳng định HIV.

Anh T. thành viên của nhóm Hải Đăng cho biết: Năm 2017, nhóm đã tiếp cận gần 900 khách hàng; chuyển gửi đến Phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện (Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Hải Phòng) 644 khách hàng để xét nghiệm xác định, trong đó có 12 ca mới dương tính với HIV. Tất cả các trường hợp này đều được hướng dẫn đăng ký điều trị thuốc ARV. Đặc biệt, từ tháng 7-2017, nhóm đã triển khai kỹ thuật xét nghiệm nhanh (Laytest). Có ngay kết quả, hình thức xét nghiệm này đã phát huy hiệu quả, bước đầu tạo được lòng tin với khách hàng. Khách hàng đến với nhóm luôn có tư tưởng lo ngại khi phải tới các cơ sở y tế, trung tâm làm xét nghiệm HIV do sợ lộ thông tin và sợ bị kỳ thị. Tuy nhiên, khi được xét nghiệm tại trụ sở đã giúp khách hàng tự tin, thoải mái và có ngay kết quả chỉ sau 10 - 20 phút thực hiện. Nhóm không chỉ thực hiện phương thức này tại trụ sở mà còn đến xét nghiệm nhanh tại các tụ điểm, điểm “nóng” về sử dụng ma túy trên địa bàn 4 quận được phân công (gồm: Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An, Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng). Nhờ vậy, đến nay, nhóm đã tiếp cận và thực hiện được 15 ca xét nghiệm nhanh (Laytest) và tất cả kết quả đều âm tính.

Ngoài ra, nhóm còn chuyển gửi đi điều trị Methadone 6 khách hàng; điều trị viêm gan C cho hai khách hàng; hỗ trợ pháp lý cho hai khách hàng; tổ chức 25 cuộc tư vấn nhóm tại văn phòng cho 447 lượt khách hàng; tổ chức 32 cuộc truyền thông cho hàng trăm khách hàng. Đồng thời, các thành viên của nhóm đã đến các điểm nóng về tiêm chích ma túy để phát hơn 40.000 bao cao su; hơn 212.000 bơm kim tiêm và hơn 70.000 ống nước cất.

Thực hiện test HIV bằng dịch miệng tại cộng đồng ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.  Ảnh:  H.H

Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Hải Phòng Đào Việt Tuấn khẳng định: Các nhóm tự lực tại Hải Phòng đã góp phần không nhỏ vào hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Hiện nay, 10 nhóm đã được tập huấn về kỹ thuật xét nghiệm nhanh nhằm phát hiện các trường hợp nhiễm HIV mới. Phát huy lợi thế là những người đã từng sử dụng ma túy, hoạt động mại dâm, nhiễm HIV, đang uống Methadone, thành viên trong các nhóm này hiểu và thông cảm với cảnh ngộ của khách hàng, dễ tiếp cận với nhóm có nguy cơ cao (tiêm chích ma túy) để tư vấn và phát dụng cụ bảo vệ. Như vậy, các nhóm tự lực đang phát huy hiệu quả trong tiếp cận cộng đồng giúp giảm lây nhiễm HIV/AIDS…

Phòng chống lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới

Từ nhiều năm nay, Câu lạc bộ “Niềm tin xanh” Hải Dương là địa chỉ tin cậy của nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) với mọi lứa tuổi tham gia sinh hoạt. Câu lạc bộ thực sự là nơi đến của nhiều bạn trẻ đồng tính nam, giúp họ chấp nhận bản thân, hòa nhập cộng đồng và hướng dẫn họ cách bảo vệ bản thân trước mối nguy hiểm của bệnh lây qua đường tình dục, đặc biệt là HIV/AIDS.

Năm 2009, Câu lạc bộ “Niềm tin xanh” Hải Dương chỉ là một nhóm tự phát với ba thành viên cùng chung ý tưởng. Năm 2011, sau khi được sự hỗ trợ của Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, Câu lạc bộ “Niềm tin xanh” Hải Dương đã có 12 thành viên tích cực. Hiện tại, Câu lạc bộ tiếp cận với khách hàng là các bạn đồng tính nam đang sinh sống tại Hải Dương.

Anh N. V. N. (thành viên của Câu lạc bộ) cho biết: Hiện nay, Câu lạc bộ chủ yếu truyền thông về HIV/AIDS và các bệnh lây qua đường tình dục, phát miễn phí các vật phẩm phòng tránh HIV/AIDS như bao cao su, bơm kim tiêm sạch, tư vấn chuyển gửi xét nghiệm HIV, khuyến khích khách hàng duy trì hành vi giảm nguy cơ và tuyên truyền chống phân biệt, kỳ thị những người đồng tính và người nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng. Câu lạc bộ hoạt động vào tối Chủ nhật hàng tuần, mỗi tháng lại có một buổi truyền thông chuyên đề với rất nhiều chủ đề được các bạn nam quan hệ tình dục đồng giới quan tâm như HIV/AIDS, kỳ thị, vấn đề việc làm, quyền của nam quan hệ tình dục đồng giới, tình yêu với nam quan hệ tình dục đồng giới, tâm lý và bản chất của “gay”... Đến nay, khoảng 700 khách hàng thường xuyên được các thành viên, cộng tác viên của Câu lạc bộ động viên, khuyến khích sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Anh N. chia sẻ: Đặc biệt, tháng 4 năm 2017, các thành viên của nhóm đã được tập huấn về kỹ thuật xét nghiệm nhanh (Laytest) để phát hiện phản ứng với HIV. Được triển khai từ tháng 5-2017, nhóm đã thực hiện xét nghiệm này cho 200 khách hàng; phát hiện 9 ca có phản ứng với HIV và chuyển gửi đến Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Hải Dương để xét nghiệm khẳng định. Phương thức xét nghiệm mới này giúp khách hàng tự tin hơn và không ngại lộ danh tính nếu có kết quả phản ứng với HIV. Thậm chí, các thành viên sẵn sàng đến tận nhà làm xét nghiệm nếu khách hàng có nhu cầu. Nếu có kết quả phản ứng với HIV, khách hàng sẽ được các thành viên của câu lạc bộ tư vấn và chuyển gửi ngay để có kết quả xác định. Bên cạnh đó, các thành viên, cộng tác viên của câu lạc bộ không ngại đến các điểm “nóng” như quán bar, xông hơi, cà phê, mạng xã hội... để truyền thông trực tiếp. Công việc nhiều khi phải đi đêm về hôm, lại ở những nơi tối tăm rất dễ xảy ra chuyện bất trắc nhưng các thành viên đều không ngại khó và luôn cố gắng thực hiện tốt việc tiếp cận đối tượng có nguy cơ cao.

Anh Đ.C.H. cho biết: Thời gian gần đây, các bạn MSM đã dần trẻ hóa. Nhiều bạn mới chỉ trong độ tuổi vị thành niên mà đã biết đến quan hệ đồng tính. Đây là nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV cao nhưng lại khó tư vấn và thực hiện kỹ thuật xét nghiệm nhanh do cần phải có người giám hộ. Trong khi đó, các em lại không dám công khai với gia đình và cha mẹ. Vì vậy, với nhóm đối tượng này, các thành viên của câu lạc bộ đã tăng cường tuyên truyền về nguy cơ và các biện pháp phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS; đồng thời tư vấn về tâm lý nhằm xóa đi sự mặc cảm, tự ti, hướng tới lối sống và suy nghĩ tích cực để gia đình, xã hội, cộng đồng có cái nhìn thoải mái hơn đối với những người đồng tính.

Ngoài ra, Câu lạc bộ còn tham gia rất nhiều hoạt động thiện nguyện hỗ trợ những người có hoàn cảnh kém may mắn. Từ 2013, Câu lạc bộ “Niềm tin xanh” Hải Dương còn huy động và kêu gọi được sự tham gia tích cực của các cá nhân, tổ chức cho hoạt động thiện nguyện. Trong đó, chương trình “Nồi cháo nhân ái” cho bệnh nhân tại Bệnh viện Lao phổi Hải Dương đã được duy trì đều đặn hơn hai năm nay. Đến nay, ngoài sự ủng hộ của chính quyền, các đoàn thể, sự hỗ trợ về chuyên môn của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Hải Dương, Câu lạc bộ “Niềm tin xanh” Hải Dương còn nhận được giúp đỡ, hỗ trợ giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng tiếp cận khách hàng và tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS của Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS.

Bác sĩ Nguyễn Thế Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Hải Dương, khẳng định: Sự tham gia của các nhóm đồng đẳng viên, cộng tác viên mà điển hình là Câu lạc bộ “Niềm tin xanh” đã góp phần không nhỏ trong việc kết nối cộng đồng, tuyên truyền có hiệu quả về phòng chống HIV/AIDS ở Hải Dương, nhất là với những người thuộc giới tính thứ ba, giúp họ bớt mặc cảm, sống có ích cho xã hội.

THU PHƯƠNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết