10/12/2018 - 18:03

Pháp yêu cầu ông Trump không can thiệp chuyện nội bộ 

Hôm 9-12, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian (ảnh) đã yêu cầu Tổng thống Mỹ Donald Trump không can thiệp vào những vấn đề nội bộ của nước Pháp, sau khi ông chủ Nhà Trắng chỉ trích chính quyền Paris xung quanh các cuộc biểu tình bạo lực trên khắp quốc gia hình lục  giác.


Ảnh: Euronews

Hôm 8-12, ông Trump viết lên tài khoản Twitter cá nhân: “Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu không mang lại kết quả tốt cho Paris. Những cuộc biểu tình và bạo loạn đang diễn ra khắp nước Pháp. Người dân không muốn chi một số tiền lớn, phần lớn là cho những quốc gia thế giới thứ ba, để bảo vệ môi trường. Họ đang hô vang “Chúng tôi muốn ông Trump! Yêu nước Pháp”.

Còn trong một dòng tweet khác, Tổng thống Mỹ viết: “Một đêm rất buồn ở Paris. Có lẽ đã đến lúc phải chấm dứt Thỏa thuận Paris cực kỳ tốn kém và trả tiền lại cho người dân dưới dạng thuế thấp? Mỹ đã đi trước về điều đó và là quốc gia lớn duy nhất có lượng khí thải giảm trong năm ngoái!”.

Đáp trả những bình luận trên, Ngoại trưởng Pháp nói trên đài truyền hình LCI rằng chính phủ Pháp không bàn luận về các vấn đề chính trị nội bộ của Mỹ và cũng mong muốn được đối xử tương tự. Ông Le Drian khẳng định cuộc biểu tình của những người “áo vàng” không có các biểu ngữ bằng tiếng Anh và những hình ảnh công bố tại Mỹ (với cảnh những người biểu tình hô to “Chúng tôi muốn ông Trump” bằng tiếng Anh) đã được ghi hình trong chuyến thăm Luân Đôn của ông Trump cách đây nhiều tháng. Ông còn cho biết hầu hết người dân Mỹ không đồng tình với Tổng thống Trump về quyết định rút khỏi Thỏa thuận Paris.

Liên quan đến tình hình căng thẳng tại Pháp, Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire ví sự náo loạn hiện thời là “thảm họa” đối với nền kinh tế Pháp, khi các rào chắn trên đường phố khắp xứ gà trống Gaulois đã ảnh hưởng giao thông và ngăn khách du lịch không đến thăm Paris. Ước tính Pháp thiệt hại 1,5 tỉ USD vì các cuộc biểu tình vừa qua.

Để xoa dịu tình hình, Tổng thống Emmanuel Macron sáng 10-12 đã có cuộc gặp với thủ lĩnh các chính đảng, chủ tịch Thượng và Hạ viện, lãnh đạo dân cử các vùng và lãnh thổ, đại diện các hiệp hội, tổ chức thương mại, doanh nghiệp và công đoàn để lắng nghe các đề xuất của họ, trước khi ông có bài phát biểu đầu tiên trước công chúng về các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng tồi tệ vào lúc 20h (giờ địa phương) trên truyền hình.

NG. CÁT

Chia sẻ bài viết