22/02/2018 - 18:52

Pháp công bố dự luật nhập cư gây tranh cãi 

Dự thảo luật nhập cư mới, qui định hành vi đi qua biên giới trái phép là phạm tội và tăng tốc các thủ tục trục xuất người di cư, lần đầu tiên được trình lên nội các của Tổng thống Emmanuel Macron ngày 21-2. Chính phủ Pháp khẳng định dự luật mới là “hoàn toàn cân bằng” bất chấp những chỉ trích cho rằng nó sẽ dẫn tới việc trục xuất thêm hàng ngàn người.

Người tị nạn tại Pháp. Ảnh: AFP

Dự luật mới tăng gấp đôi thời hạn giam giữ những người xin tị nạn bất thành đến 90 ngày – một động thái nhằm làm cho việc trục xuất họ trở nên dễ dàng hơn, đồng thời cắt giảm một nửa thời gian chờ được chấp thuận cho tị nạn, từ 11 tháng xuống còn 6 tháng. Chính phủ Pháp nhấn mạnh dự luật mới đang tạo ra một hệ thống hiệu quả hơn để phân biệt những người cần tị nạn thực sự với những người chỉ đơn thuần tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn ở Pháp. Bộ trưởng Nội vụ Gerard Collomb nói trong một cuộc họp báo rằng “đó là một luật cân đối, phù hợp với luật của châu Âu và các quốc gia như Đức, Pháp, Ý, Hà Lan và Thụy Điển đều có trình tự thủ tục như nhau”.

Cho rằng chính sách mới cân bằng giữa tính “hiệu quả” và tính “nhân đạo”, Tổng thống Macron khẳng định luật sẽ đưa ra các thủ tục  nhanh hơn cho người tị nạn và cải thiện cuộc sống của họ sau khi được chấp nhận ở lại Pháp. Tuy nhiên, một số thành viên trong đảng Cộng hòa Tiến bước (LREM) của ông lại không đồng tình, cho rằng luật mới chỉ nhằm “trừng phạt những người dễ tổn thương nhất”. Nhiều nhân viên tại văn phòng bảo vệ người tị nạn của Pháp - Ofpra - cũng đã đình công phản đối vào hôm 21-2, gọi dự luật nhập cư mới là “một bước lùi rõ rệt trong truyền thống giúp đỡ người tị nạn của Pháp”.

Theo các số liệu chính thức, Pháp đã nhận số hồ sơ xin tị nạn kỷ lục trong năm qua, của khoảng 100.000 người, nhưng chỉ chấp thuận khoảng 30.000 trường hợp và đã trục xuất 14.900 người. AFP cho biết dự luật nhập cư mới sẽ được trình lên quốc hội vào tháng 4 để tranh luận, dự kiến sẽ kéo dài trong vài tuần, trước khi cơ quan lập pháp đưa ra quyết định có thông qua hay không.

T.TRÚC

Chia sẻ bài viết