20/10/2011 - 21:59

"Phân vai" để nâng tầm doanh nghiệp trong hội nhập

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xác định là một trong 7 vùng kinh tế trọng điểm của nước ta, với sức mua chiếm 21% thị phần bán lẻ cả nước đã trở thành thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp (DN) đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên do nội lực của DN trong vùng yếu và năng lực cạnh tranh của sản phẩm kém, nên thị trường tiềm năng này chưa được khai thác đúng mức. Tại Diễn đàn DN ĐBSCL tổ chức ngày 20-10 (chuỗi sự kiện của MDEC Cà Mau 2011), nhiều ý kiến cho rằng, DN vùng ĐBSCL cần liên kết lại trên cơ sở hài hòa lợi ích và “phân vai” trong liên kết để phát huy nội lực; đồng thời phải cộng đồng trách nhiệm với xã hội.

Nội lực yếu

Thống kê của Bộ Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội (giá thực tế) của ĐBSCL năm 2010 đạt 277.487,9 tỉ đồng, chiếm 18% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội của cả nước, đứng thứ 3 sau Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng. Còn tính đến hiện tại thì ĐBSCL chiếm 21% thị phần bán lẻ cả nước. Trong giai đoạn 2005 - 2010, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội vùng ĐBSCL tăng bình quân 23,3%/năm, chậm hơn so với tốc độ cả nước (26,3%/năm). Tỷ trọng này so với cả nước đang giảm dần, từ 20,3% năm 2005 xuống còn 18% năm 2010 và diễn ra trái chiều với giai đoạn 2000 – 2005. TP Cần Thơ, các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp có mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội bình quân đầu người năm 2010 lớn nhất. TP Cần Thơ là 27,2 triệu đồng/người/năm, An Giang là 18,6 triệu đồng, Kiên Giang 16,3 triệu đồng, Đồng Tháp 15,7 triệu đồng, mức thấp nhất thuộc về tỉnh Trà Vinh với 8,2 triệu đồng/người/năm.

Về kim ngạch xuất khẩu, ĐBSCL tăng trưởng đáng kể, năm 2005 kim ngạch xuất khẩu toàn vùng đạt khoảng 2,94 tỉ USD, chiếm 9,07% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, đến năm 2010, kim ngạch đạt 6,79 tỉ USD và chiếm 10,63% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Những địa phương có kim ngạch xuất khẩu cao là Long An, TP Cần Thơ, An Giang và Cà Mau. Trong đó, các mặt hàng nông, thủy sản và thủ công mỹ nghệ chiếm tới 85% kim ngạch xuất khẩu toàn vùng (chủ lực là gạo và thủy sản). Ông Trịnh Minh Anh, Phó chánh văn phòng Ủy ban quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế, cho biết: “Gia nhập khối ASEAN và vào WTO, chúng ta được rất nhiều, kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh qua từng năm. Sau 5 năm gia nhập WTO, kim ngạch xuất khẩu của DN Việt Nam đạt gần 100 tỉ USD/năm, con số rất lý tưởng. Hiện nay, Hoa Kỳ đang là thị trường xuất siêu của Việt Nam, các mặt hàng thủy sản của ĐBSCL đa số xuất vào thị trường này”. Vấn đề còn lại là giữ thị phần và mở rộng thị trường như thế nào phụ thuộc vào “sức khỏe” của các DN. Theo ông Hsien Wen Chu- Đại diện doanh nghiệp Đài Loan tại Việt Nam, các DN Việt Nam còn hạn chế trong đầu tư dịch vụ hậu cần cho các ngành nghề, nên chuỗi giá trị sản phẩm của DN không cao. Với thế mạnh của mình, ĐBSCL có thể hình thành khu công nghiệp tập trung chuyên xuất khẩu lúa gạo và đầu tư kho vận.

 Diễn đàn doanh nghiệp ĐBSCL ngày 20-10 (chuỗi sự kiện của MDEC Cà Mau 2011). 

Theo ông Lưu Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Cần Thơ, 90% DN ở TP Cần Thơ và ĐBSCL là DN vừa và nhỏ, năng lực có hạn, nên khi vươn ra thị trường quốc tế, DN thua nhiều thứ: công nghệ, năng lực quản lý, cạnh tranh, tài chính... Trước đây, một số DN ở TP Cần Thơ liên kết với DN An Giang, Kiên Giang chia sẻ đầu ra, nhưng mối liên kết này chỉ tồn tại hơn 1 năm thì tan rã do lợi nhuận không được chia đều như ban đầu. Vẫn biết có đầu ra của sản phẩm thì liên kết mới bền vững, tăng cường nguồn sức mạnh của DN... Nhưng liên kết thì người đứng đầu phải công tâm, nếu không sẽ không phát huy được nội lực của liên kết.

Liên kết và cộng đồng trách nhiệm

Toàn vùng ĐBSCL hiện có gần 44.000 DN, với tổng vốn đăng ký trên 356.000 tỉ đồng. Mặc dù tăng nhanh về số lượng, nhưng chất lượng hoạt động của DN còn nhiều vấn đề phải bàn.

Tại Diễn đàn DN ĐBSCL năm 2011 với chủ đề “Liên kết, hợp tác, phát triển”, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Minh Phú, tỉnh Cà Mau, đặt vấn đề: “Thế mạnh của ĐBSCL là xuất khẩu thủy sản, lúa gạo. DN muốn xuất khẩu nhiều đô- la thì phải liên kết như thế nào? Công tác quy hoạch vùng nuôi tôm, cá, đầu tư hệ thống thủy lợi ra sao để phục vụ cho sự phát triển. DN cần được giải đáp cụ thể những vấn đề này. Chẳng hạn hiện nay, đất nuôi tôm của nông dân manh mún, nếu cần vùng nuôi lớn thì DN phải tham gia đầu tư, nông dân góp đất sản xuất, nhà nước đầu tư thủy lợi, điện cho vùng nuôi. Cuối cùng là thành lập công ty cổ phần có nông dân, DN, nhà nước cùng tham gia”. Ông Quang cho rằng, hiện nay con tôm của Việt Nam đắt hơn Indonesia 20.000 đồng/kg, DN không thể cạnh tranh nổi với DN nước ngoài cùng ngành hàng khi xuất khẩu, do vậy cần có giải pháp để hạ giá thành sản xuất tôm nguyên liệu.

Ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế

Trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC Cà Mau 2011), tại Diễn đàn doanh nghiệp ĐBSCL tổ chức ngày 20-10, nhiều ý kiến đề xuất về xây dựng liên kết phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp ĐBSCL. Trong hội nhập kinh tế quốc tế, liên kết để tồn tại và phát huy sức mạnh cộng đồng doanh nghiệp là yêu cầu tất yếu. Hiện nay, các doanh nghiệp ĐBSCL đã có nhiều liên kết trên nhiều ngành hàng và bước đầu đã nâng cao chuỗi giá trị gia tăng của doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ diễn đàn, lãnh đạo tỉnh Cà Mau, Hậu Giang đã trao 7 giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký trên 5.234,1 tỉ đồng và 530 triệu USD (Cà Mau 6 dự án). Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang và Cà Mau đã ký 4 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp, với tổng vốn đầu tư 1.143 triệu USD và 500 tỉ đồng.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, trong các đợt xúc tiến đầu tư ra nước ngoài, Bộ đã mời các nhà đầu tư đến ĐBSCL và giới thiệu là ĐBSCL có nhiều tôm cá, lúa gạo để mời nhà đầu tư đến đầu tư chế biến, bảo quản, sản xuất giống, nhưng hiệu quả của cuộc xúc tiến không cao. Do mời gọi đầu tư chưa có địa chỉ cụ thể và dự án chung chung. Hiện nay, nông sản ở ĐBSCL chủ yếu bán qua các nhà buôn, DN phải mua lại từ các nhà buôn này. Nếu hình thành khu phức hợp Logictics tại ĐBSCL cho ngành hàng nông sản và tập trung các nhà buôn, DN chế biến, nhà khoa học (nghiên cứu, kiểm nghiệm)... và có thị trường đầu ra ổn định sẽ nâng tầm cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Theo các chuyên gia kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh DN cần có định hướng phát triển cụ thể, sản phẩm cụ thể, thị trường tiêu thụ rõ ràng để giúp DN có định hướng tốt trong phát triển. Liên kết không thể thiếu đối với DN trong hội nhập, nhưng lợi ích của DN và xã hội phải hài hòa. Và làm sao cho chi phí sản xuất càng thấp, chất lượng sản phẩm càng cao thì DN đi ra thế giới tự tin hơn. Ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đề xuất: “Với vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế- xã hội, vùng ĐBSCL có đóng góp rất lớn cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, để phát huy sức mạnh của DN, ĐBSCL có thể thành lập Hiệp hội DN ĐBSCL để hợp tác, đề xuất các chiến lược và chính sách vùng như lộ trình liên kết ngành, nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm và thương hiệu. Nghiên cứu thành lập Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư giữa Việt Nam, ĐBSCL và ASEAN. Đồng thời thành lập đầu mối Ban chỉ đạo vùng về sự phát triển bền vững”. Đây là cơ hội để các DN cùng ngồi lại với nhau và cùng chia sẻ cộng đồng trách nhiệm để vươn xa hơn.

Bài, ảnh: Gia Bảo

Chia sẻ bài viết