11/11/2017 - 15:51

Phận “tầm gửi” 

Trong cuộc sống, không ít phụ nữ có suy nghĩ an phận, sống dựa dẫm người khác. Khi ở với cha mẹ, được bảo bọc, cưng chiều nên có thói quen ỷ lại, phụ thuộc cha mẹ. Khi lập gia đình, phụ thuộc chồng con. Tuy nhiên, với guồng quay cuộc sống hiện đại, những trắc trở cuộc đời, buộc nhiều phụ nữ phải trưởng thành hơn trong cách sống nếu không muốn bị bỏ lại phía sau…

Quen dựa dẫm

Lúc trước, gia đình chị H. (Tiền Giang) có tiệm vải nổi tiếng ở thị trấn, kinh tế vững chắc. Nhà có hai chị em gái, từ nhỏ, cha mẹ chị rất thương yêu, bảo bọc con. Chị em chị H. chỉ biết ăn học, hầu như không làm động móng tay, kể cả việc bếp núc. Sau khi học xong lớp 12, chị H. nghe lời cha mẹ lấy chồng là con gia đình khá giả. Khi ra riêng, hai vợ chồng được cho vốn liếng kinh doanh tiệm vàng. Chị H. chỉ việc sinh con, chưng diện, bếp núc có người giúp việc, còn mua bán do chồng lo liệu. Nhiều người khen chị “tốt số”, sướng từ trong trứng.

Chị Đ. (Hậu Giang) là con gái quê, học xong cấp 2 thì nghỉ vì nhà quá nghèo. Qua mai mối, chị nhận lời lấy anh S. Anh S. hơn chị Đ. gần 20 tuổi, có điều kiện kinh tế vững chắc, từng ly hôn và có một con riêng. Sau khi cưới, chị sinh con trai kháu khỉnh nên càng được chồng yêu thương. Lo chị  chị Đ. buồn chán nên chồng khuyến khích đi làm. Anh nhiều lần muốn xin việc cho chị nhưng chị từ chối vì ngại ra ngoài gặp gỡ nhiều người.

 Không chỉ những phụ nữ ít có điều kiện học hành, giao tiếp với xã hội, mới không muốn đi làm, mà nhiều chị em học hành đàng hoàng cũng không chịu đi làm vì thói quen ỷ lại, sợ va chạm hoặc kén lựa, thà ở nhà sống thân “tầm gửi”. Chỉ khi biến cố xảy ra  mới hối hận.

Nhiều phụ nữ nông thôn tranh thủ thời gian nông nhàn gia công các sản phẩm, tăng thu nhập gia đình. (Trong ảnh: Phụ nữ tham gia tổ may gia công quần áo tại xã Tân Thới, huyện Phong Điền). Ảnh: TÂM KHOA

Đời không như mơ

Thời gian đầu rủng rỉnh tiền bạc, gia đình chị H. còn hạnh phúc. Tuy nhiên, do chồng thiếu kinh nghiệm làm ăn, lại mê cờ bạc, tiền của lần lượt tiêu tán. Cả hai nhiều lần mượn tiền gia đình để đắp vào số vốn ngày một thâm hụt nhưng chỉ một thời gian thì vỡ nợ. Chồng chị trốn nợ biệt xứ. Chị H. bồng con về nương tựa cha mẹ.

Tuy nhiên, cha mẹ chị đã cao tuổi, sức khỏe suy giảm, tiệm vải không kinh doanh được như xưa. Nhìn cha mẹ già phải cực khổ vì con cháu, chị H. ân hận vì trước kia không chịu học hỏi, tập tành mua bán. Giờ không biết làm gì để giúp cha mẹ, trong khi 2 con nhỏ cần người chăm sóc.

Chị Th. (Kiên Giang), có bằng đại học hẳn hoi. Trước kia, chị làm ở công ty tư nhân tại TP Cần Thơ. Sau khi lập gia đình, do chồng thu nhập cao, nhà chồng có cửa hàng kinh doanh nên chị Th. nghỉ làm, ở nhà chăm lo nội trợ. Cuộc sống làm dâu không tránh khỏi những mâu thuẫn lặt vặt với gia đình chồng, nhất là sự xét nét của mẹ chồng khi chị không làm ra tiền.

Chồng chị Th. đi làm về mệt, phải nghe những lời than phiền, đứng giữa vợ và mẹ nên chán nản, bực dọc và... cặp bồ bên ngoài. Ban đầu, chồng chị Th. còn che giấu, nhưng khi được mẹ ủng hộ, càng không coi vợ ra gì. Chị Th. hối hận vì có suy nghĩ dại dột nghỉ làm để toàn tâm toàn ý chăm lo gia đình. Chị đang đứng trước tình cảnh khó khăn, nếu ly hôn, chị không có điều kiện kinh tế để nuôi con, còn nếu tiếp tục sống cảnh chồng chung thì chị không chịu được. Nhiều người khuyên chị nên tìm một công việc rồi dứt khoát ly hôn, một mình nuôi con, bởi không thể lưu luyến người đàn ông phản bội vợ con…

Nhiều lần né tránh chuyện đi làm nhưng khi nghe anh S. kể về cuộc hôn nhân không hạnh phúc trước kia, chị Đ. bắt đầu suy nghĩ lại. Vợ trước của anh S. cũng ỷ lại chồng có kinh tế vững chắc nên suốt ngày chỉ lo ăn diện, phung phí tiền bạc, không quan tâm chăm sóc chồng con. Từ đó, giữa hai người không có sự hòa hợp, gắn kết, không tìm được tiếng nói chung, dẫn đến hôn nhân tan vỡ. Anh khuyến khích chị Đ. học nghề, tìm việc làm. Hiện chị Đ. là nhân viên khu vui chơi, công việc khá đơn giản nhưng giúp chị thêm tự tin, cuộc sống vui tươi hơn. Chị Đ. dự định, sẽ học nghề may để có công việc phù hợp hơn.

Theo chia sẻ của nhiều chị em có hôn nhân hạnh phúc, dù điều kiện kinh tế gia đình vững chắc, phụ nữ phải có việc làm, thu nhập riêng, tránh phụ thuộc chồng. Làm việc không để kiếm tiền, còn rèn luyện chị em kỹ năng sống, giao tiếp, suy nghĩ độc lập. Qua đó, giúp chị em thêm tự tin, bản lĩnh vượt qua sóng gió cuộc đời nếu chẳng may một ngày tổ ấm không còn bình yên…

TÂM KHOA

Chia sẻ bài viết