04/08/2018 - 16:18

Phan Há - truyền thần nhân vật ký 

“Nghề bỏ mình chớ mình không bỏ nghề. Hơn 50 năm theo được thì tuổi già không lẽ bỏ giữa chừng”- Phan Há, vị họa sĩ 68 tuổi nói chắc từng câu như vậy. Vẽ truyền thần bây giờ gần như thất truyền, nhất là giữa nhịp sống của đô thị hiện đại. Điều đó không khỏi khiến lão họa sĩ Phan Há đôi lúc chạnh lòng thấy mình cô độc với cọ vẽ, bột than.

Phải hỏi thăm qua rất nhiều người, tôi mới tìm được nhà họa sĩ Phan Há, nằm trong con hẻm ngoằn ngoèo của đường Châu Văn Liêm, phường An Lạc, quận Ninh Kiều. Khách đến nhà, ông Há có vẻ ái ngại đôi chút. Giá vẽ, tranh ảnh chật ních căn phòng chưa đầy chục mét vuông. Những chiếc cọ nhuốm màu xưa cũ, những khung hình, bức vẽ in dấu thời gian và cả những chiếc ghế, chiếc bàn đầy dấu vết tháng năm, kèm theo mái tóc sương gió… Ấy là những thứ có vẻ ngoài đổi thay sau hơn nửa thế kỷ theo nghề vẽ. Duy chỉ có tình yêu ông dành cho nghề họa hình vẫn vậy, đậm đà như màu vẽ truyền thần.

Nói thêm đôi chút về nghề vẽ truyền thần, người Nam bộ quen gọi là họa hình. Người làm nên tác phẩm ít ai gọi là họa sĩ mà là thợ vẽ, thầy vẽ hoặc lấy cơ sở mà gọi: nhà vẽ, xưởng vẽ hay tiệm vẽ. Ở Cần Thơ, những nhà vẽ từng danh vang một thuở có thể kể tên như Huỳnh Lạc, Bút Ngân…

Thợ vẽ Phan Há hơn 50 năm theo nghề vẽ truyền thần. Ảnh: DUY KHÔI

Đời dạy nghề

Cả đời theo nghề vẽ nhưng thợ vẽ Phan Há chưa từng qua trường lớp, chỉ là đời dạy cho ông cái nghề, cho người con trai gốc Sài Thành thỏa niềm đam mê rồi lấy nghề làm nghiệp.

Lần giở album chụp lại những tác phẩm mình đã vẽ, thợ vẽ Phan Há như lần giở lại cho chúng tôi ký ức tuổi thơ của ông. Ông mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ở chung với người chị, sống bằng nghề bán mì, hoành thánh ở Sài Gòn. Lúc rảnh, ông lại chép những tấm vẽ quảng cáo xi-nê của rạp hát. Dành dụm bao nhiêu tiền, ông đều mua màu, cọ để tập vẽ. Ai cũng nói cậu bé 9 tuổi Phan Há có hoa tay, khiếu hội họa. Cái nghèo, cái khổ thường cản bước hoài bão, nhưng với Phan Há thì không, ông đã vượt qua để theo đuổi ước mơ của mình. Dịp tình cờ đi coi phim trong rạp xi-nê, thấy người thợ vẽ tờ quảng cáo (kiểu tờ rơi quảng cáo bây giờ), trang trí sân khấu… ông Há mê mẩn ngắm nhìn. Một lần, hai lần… và định kỳ mỗi khi rạp có phim mới cần quảng cáo, họa sĩ có vẽ, là ông lại có mặt chăm chú ngồi coi.

Một vị họa sĩ có tên Lê Nam có thể coi là người thầy đầu tiên mà thợ vẽ Phan Há “bái sư học đạo”. Thấy cậu bé chưa tròn 10 tuổi lại mê vẽ nên ông nhờ thay nước rửa cọ, bưng bê cọ, mực… Dần dà, Phan Há đã làm chủ nét cọ, có thể vẽ những người thân yêu của mình bằng sự tài hoa và tinh tế. 15 tuổi, Phan Há đã trở thành thợ vẽ, chuyên vẽ các panô quảng cáo phim sắp chiếu cho các rạp xi-nê như rạp Văn Cầm, Cẩm Văn, Thanh Văn, Hòa Hưng, Huỳnh Lạc, Lao Động… Ông còn vẽ màn cảnh cho gánh hát, tranh thủy mặc, đồng quê đem bán trên đường Nguyễn Huệ để kiếm thêm thu nhập. Tối về, người thợ vẽ vẫn phụ chị bán mì, cháo kiếm sống.

Hồi ức về đời vẽ được ông Phan Há kể bằng rưng rưng cảm xúc và những thăng trầm, trắc trở. Có lúc nghề vẽ mang lại cho ông sự sung túc, đủ đầy; có lúc cũng chật vật để giữ nghề, nuôi nghề, như bây giờ chẳng hạn. Có lúc trong cuộc đời ông đã bỏ cọ, bỏ màu nhưng rồi đã là duyên thì không thể dứt. Nhìn lại, đã hơn nửa thế kỷ, hồi nào còn là đôi mắt tinh anh giờ phải nhờ đến kính lúp cho những nét vẽ chi tiết.

Muôn mặt đời người

Khoảng năm 1970, thợ vẽ Phan Há về Cần Thơ, lập nghiệp và cưới vợ. Loay hoay với chuyện làm gì để sống, nghề vẽ được vợ chồng trẻ chọn lựa đầu tiên và duy nhất. Phan Há gắn bó với truyền thần bằng cách “kiếm cơm” nhờ nghề vẽ “ăn chia” tại nhà vẽ Bút Ngân, nhà vẽ Huỳnh Lạc, rồi Xưởng mỹ thuật Cần Thơ… Đêm về vẽ tranh bán ở bến Ninh Kiều. Bức vẽ có ký bút danh Ph.Há kèm theo năm vẽ, dần trở thành thương hiệu. Đã có thời, xưởng vẽ Ph.Há tạo được danh tiếng ở Tây Đô, nhưng rồi ảnh viện, photoshop, studio… ra đời, ngòi bút truyền thần của Phan Há bỗng lạc lõng, cô đơn và dần trở nên lạ lẫm.

Ông nói với tôi rằng, hơn nửa thế kỷ cầm bút, ngẫm lại ông đã vẽ cho muôn mặt đời người, từ thiếu nữ đôi mươi, lão bà móm mém đến anh thanh niên phong độ, cụ ông rắn rỏi… Ngòi bút ông họa thần tất cả, gói gọn trong chữ tâm với nghề. Có biết bao nhiêu câu chuyện phải kể. Đó là những người đứng bên kia đường đi tìm tiệm vẽ Ph.Há không ra nhưng vô tình nhìn thấy bức vẽ hoàn thành treo trước cửa, họ ồ lên: “Hình ba mình kìa!”. Có người mang đến cho thợ vẽ Phan Há tấm hình đã mờ gần hết cùng niềm hy vọng le lói. Ông nhờ họ tả lại dáng mạo, tính tình người trong hình thuở sinh thời rồi xem hình các con. Và ông họa lại một cách đúng là “truyền thần”. Những người con nhìn hình mà rưng rưng vì như gặp người thân lần nữa. Những chuyện nhỏ đời nghề ấy ông Phan Há nhớ kỹ lắm, nhớ để mà thương…

Thợ vẽ Phan Há giờ đã gần 70 tuổi, đôi chân đã yếu nhiều, tóc bạc, mắt mờ nhưng ông nói rằng: “Trời còn thương cho tôi sự tinh anh trong nét cọ”. Muôn mặt đời người đã vẽ qua, bao hỉ, nộ, ái, ố đã họa nên. Ông kể chuyện vui có người khi lại nhận hình đã thốt lên: “Sao nhìn mặt tôi khó quá vậy!”. Nhưng họ vẫn lấy, vẫn trả tiền vì thâm tâm họ biết: “Mình chớ ai!”.

Với thợ vẽ Phan Há, một bức chân dung khó nhất khi truyền thần vẫn là đôi mắt và đôi môi. Vẽ làm sao cho đôi mắt long lanh, đôi môi mấp máy sống động là thành công. Bởi vậy, có những đôi mắt, đôi môi đã khiến ông “mất ăn mất ngủ” nhiều đêm liền. “Truyền thần không chỉ là chép ảnh. Truyền thần là truyền lại cái “thần” của người được vẽ”- thợ vẽ Phan Há nói.

Cũng theo ông, người vẽ truyền thần đòi hỏi có tính kiên trì, dụng công, tập trung cao độ và gởi tâm vào từng nét cọ. Một câu chuyện được ông kể lại: Có một học trò của ông vẽ chân dung mà con ngươi lớn quá, nhìn vào như người mù vì đồng tử bị che hết. Ông lấy đầu nhọn cây compa chấm vô con ngươi vít lên một cái, đôi mắt bỗng có thần ngay. Hay như khi vẽ tóc mai, ông có bí quyết riêng là lấy cọ chấm nước cơm sôi, khi vẽ tạo nên những sợi tóc uyển chuyển, bồng bềnh như thật. Những bí quyết ấy là nghề dạy nghề, ông Phan Há đã góp nhặt từ những tháng, những ngày theo đuổi đam mê.

* * *

Tính thợ vẽ Phan Há vui vẻ, xởi lởi lắm nhưng nói về tương lai của cái nghiệp đeo mang, ông buồn hiu. Ông nói rằng, hồi đó Cần Thơ còn có 5- 7 đồng nghiệp, giờ họ đã bỏ nghề hoặc chuyển “từ cọ sang chuột” (làm photoshop). Người trẻ thì ai lại đi học cái nghề lắm công ít của này. Nhiều lúc ông bỗng thấy đơn độc với nét cọ của mình. Bây giờ, để nuôi sống gia đình, ngoài vẽ truyền thần, ông còn vẽ bảng quảng cáo, cắt chữ mốp, hình cô dâu chú rể…

Người ta vẫn nói: “Thợ rèn không có dao ăn trầu”, ngẫm lại trường hợp thợ vẽ Phan Há quả không sai. Muôn mặt đời người ông đã vẽ nên. Vợ con ông, ông đã họa tặng. Nhưng người thợ vẽ tuổi nghề hơn nửa thế kỷ không có bức vẽ cho mình. Nét hằn tháng năm, đời nghề xin vẽ lại…

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết