10/04/2015 - 14:19

TUỔI TRẺ TP CẦN THƠ

Phấn đấu học tập, rèn luyện để tự tin hội nhập quốc tế

Trong quá trình hội nhập quốc tế của đất nước, bên cạnh những thuận lợi, tuổi trẻ TP Cần Thơ đã và đang gặp nhiều thách thức lớn, từ trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp đến kiến thức văn hóa, ngoại ngữ… Vì vậy, nhiều năm qua, các cấp bộ Đoàn - Hội đã triển khai thực hiện các dự án hợp tác quốc tế, tổ chức nhiều hoạt động, diễn đàn giao lưu văn hóa trong và ngoài nước nhằm giúp các bạn trẻ trau dồi kiến thức, văn hóa và rèn luyện kỹ năng để thanh niên tự tin hội nhập các nước trên thế giới.

Để thanh niên hội nhập tốt

Từ 5 năm trước, Trung ương Đoàn và Hội Sinh viên Việt Nam đã phát động phong trào "Sinh viên 5 tốt" nhằm tạo môi trường cho các bạn trẻ rèn luyện, phấn đấu, tự tin hội nhập quốc tế với các tiêu chí: Đạo đức tốt, học tập tốt, thể lực tốt, tình nguyện tốt và hội nhập tốt. Đây là những tiêu chí giúp sinh viên tự tin hội nhập thông qua việc nỗ lực rèn luyện, tự khẳng định bản thân. Anh Lâm Văn Tân, Chánh Văn phòng Hội Sinh viên TP Cần Thơ, trong 5 tiêu chí của phong trào "Sinh viên 5 tốt", thì tiêu chí "hội nhập tốt" có yêu cầu cao hơn bởi sinh viên phải tự trang bị vốn ngoại ngữ đủ để giao tiếp, kỹ năng thực hành xã hội. Từ mục tiêu đặt ra như vậy, thời gian qua, cùng với Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên thành phố chú trọng hợp tác với một số tổ chức phi chính phủ tăng cường giáo dục kỹ năng, cử đoàn viên tham gia các hoạt động giao lưu quốc tế, đồng thời tạo môi trường giúp sinh viên học tập, trau dồi ngoại ngữ thông qua các cuộc thi Olympic tiếng Anh hoặc giao lưu với sinh viên người nước ngoài.

Sinh viên TP Cần Thơ trong một buổi học thuộc Dự án "Giáo dục tài chính cho sinh viên" do tổ chức Save the Children và Thành đoàn Cần Thơ phối hợp thực hiện.

Tiêu biểu là dự án "Giáo dục tài chính cho sinh viên" do Tổ chức Save the Children và Thành đoàn Cần Thơ phối hợp thực hiện, với sự tài trợ của Quỹ Citi. Dự án được triển khai thực hiện từ tháng 10-2013 đến nay, dự án trang bị cho hơn 1.200 cán bộ trẻ và sinh viên về kỹ năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng hiện đại, quản lý tài chính hiệu quả, cách thức lập bảng chi tiêu cá nhân hợp lý, kỹ năng phân biệt giữa nhu cầu và mong muốn. Thông qua các lớp tập huấn, những báo cáo viên dự án còn học hỏi được phong cách làm việc chuyên nghiệp, khoa học và hiệu quả của các chuyên gia đến từ tổ chức Save the Children, từ đó ứng dụng khá thành công vào thực tiễn công việc tại đơn vị.

Anh Lê Văn Đức, chuyên viên Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP Cần Thơ, báo cáo viên Dự án "Giáo dục tài chính cho sinh viên" (giai đoạn 2), tâm sự rằng: "Làm việc với các chuyên gia, cán bộ quản lý dự án, tôi học được nhiều điều bổ ích, từ cách thu thập số liệu, cách đánh giá vấn đề khoa học, khách quan đến phương pháp tiếp cận từng đối tượng thanh thiếu niên và kỹ năng thuyết trình, giao tiếp". Không thể phủ nhận những trải nghiệm từ quá trình tham gia dự án giúp Đức rèn nhiều kỹ năng hơn trong quá trình công tác tại đơn vị. Đức là cán bộ thực hiện Dự án "Mô hình tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cho phụ nữ bán dâm tại TP Cần Thơ" do Tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố phối hợp triển khai thực hiện. Bản thân Đức được lãnh đạo giao nhiệm vụ hỗ trợ chủ nhiệm các câu lạc bộ "Chúng tôi là phụ nữ" về công tác truyền thông, hỗ trợ sinh kế - việc làm và sức khỏe cho phụ nữ bán dâm. Nhờ chịu khó học hỏi, Đức dần tự tin, khéo léo hơn trong giao tiếp và năng động hơn trong thực hiện nhiệm vụ. Đức chia sẻ: "Để đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, tôi nghĩ rằng người trẻ tự trau dồi kỹ năng, như: tinh thần kỷ luật, khoa học trong công việc và phát huy khả năng sáng tạo, thích ứng tốt với các tình huống trong công việc".

Gần 2 năm qua, Đoàn Trường Đại học Cần Thơ cũng đã đưa nhiều sinh viên tham gia các diễn đàn, chương trình giao lưu văn hóa do mạng lưới các trường đại học thuộc Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (ASEAN university network) tổ chức định kỳ mỗi năm 2 lần. Theo anh Lê Thanh Sơn, Bí thư Đoàn Trường Đại học Cần Thơ, mỗi năm Đoàn trường cử khoảng 6 sinh viên tham gia giao lưu học tập, trao đổi văn hóa, tìm hiểu về kinh tế - xã hội các nước thuộc khu vực Đông Nam Á hoặc chia sẻ về những vấn đề mang tính toàn cầu mà giới trẻ quan tâm. Qua mỗi chuyến đi, sinh viên vừa tích lũy kiến thức về cộng đồng các nước ASEAN, vừa có cơ hội rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ. Còn với Ngô Thị Kim Ngân, sinh viên ngành sư phạm tiếng Anh từng tham gia Diễn đàn văn hóa thanh niên ASEAN tại Malaysia vào cuối năm 2013, thì cho rằng các diễn đàn giao lưu thanh niên các nước là cơ hội để người trẻ giới thiệu về bản sắc văn hóa của dân tộc đến bạn bè thế giới. Với mục đích đó, Ngân cùng với các thành viên trong đoàn đã giới thiệu môn nghệ thuật đờn ca tài tử đến với các bạn trẻ trong khu vực. Theo anh Sơn, một số liên chi hội sinh viên của trường còn năng động tổ chức cho sinh viên giao lưu với cán bộ, sinh viên nước ngoài đang học tập và công tác tại trường. Những hoạt động trên góp phần giúp sinh viên trau dồi ngoại ngữ, hiểu thêm về văn hóa các nước và trang bị kỹ năng tốt hơn để hội nhập quốc tế.

Giúp người trẻ vươn khơi…

Theo một số cán bộ Đoàn, hiện nay khả năng ngoại ngữ, kỹ năng của nhiều thanh niên còn hạn chế, đó thực sự là rào cản trong tiến trình hội nhập của thanh niên hiện nay. Muốn hội nhập tốt, người trẻ cần phải tự trang bị cho mình kiến thức trên 3 phương diện: Ngoại ngữ; kiến thức lịch sử, văn hóa, xã hội và môi trường rèn luyện. Anh Nguyễn Thanh Trạng, Phó Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Cần Thơ cho rằng, sinh viên còn rụt rè so với bạn quốc tế, một phần do kỹ năng giao tiếp hạn chế. Vì vậy, Đoàn trường thường xuyên vận động sinh viên tham gia Câu lạc bộ (CLB) tiếng Anh (do Đoàn Khoa ngoại ngữ quản lý) để rèn luyện, nâng cao kỹ năng tiếng Anh. Theo chị Phòng Ngọc Đoan, Chủ nhiệm CLB tiếng Anh, hiện nay CLB có hơn 700 sinh viên tham gia, điều đó cho thấy nhu cầu có một sân chơi rèn luyện kỹ năng sử dụng tiếng Anh của sinh viên là rất cao. Ngoài các buổi họp mặt, giao lưu, các sinh viên còn được thầy cô hướng dẫn đi thực tế trực tiếp trò chuyện, phỏng vấn khách du lịch để rèn kỹ năng giao tiếp. Đoàn trường cũng cử đoàn viên, sinh viên làm tình nguyện viên cho các sự kiện văn hóa, thể dục thể thao quốc tế được tổ chức tại Cần Thơ.

Trong xu thế hội nhập của đất nước, nhiều bạn trẻ còn nỗ lực tự học nâng cao kiến thức, nhất là ngoại ngữ. Trần Công Hậu – sinh viên năm thứ 3 ngành Việt Nam học chăm chỉ học ngoại ngữ, thường xuyên tham gia CLB tiếng Anh. Hậu còn cộng tác với các công ty du lịch dẫn tour cho khách nước ngoài. Theo Hậu, mỗi tháng cậu hướng dẫn khoảng 2-3 đoàn khách du lịch (trong đó thường có 1 đoàn du khách Mỹ) đến tham quan các di tích, địa danh nổi tiếng ở Cần Thơ. Bản thân là sinh viên ngành Việt Nam học, Hậu có điều kiện tìm hiểu lịch sử, văn hóa của đất nước nói chung, của vùng đất ĐBSCL nói riêng. Hậu muốn trở thành hướng dẫn viên du lịch để giới thiệu văn hóa, con người Việt Nam với bạn bè thế giới. Hậu bộc bạch: "Đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, tôi nghĩ sinh viên cần nỗ lực học tập – nhất là việc học ngoại ngữ. Bởi khi ngoại ngữ tốt, chúng ta sẽ có điều kiện mở rộng kiến thức xã hội, tìm hiểu ở các nước tiên tiến trên thế giới, đồng thời giới thiệu nét đẹp của đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè năm châu".

Nhiều cán bộ trẻ cũng là lực lượng đi đầu trong học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tích cực tham gia các lớp tập huấn ở nước ngoài. Kỹ sư Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng Khoa Động lực (Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ) cho rằng, cũng nhờ tham gia lớp tập huấn về đào tạo kỹ năng nghề theo tiêu chuẩn khu vực ASEAN tại Malaysia từ cuối năm 2012 đến tháng 4-2013, anh được các chuyên gia nước ngoài tập huấn phương pháp giảng dạy tích hợp giữa lý thuyết và thực hành; tham quan các doanh nghiệp, tiếp cận các trang thiết bị mới, kỹ thuật mới, từ đó áp dụng vào công tác giảng dạy tại trường, nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Theo anh Tuấn, khi cộng đồng ASEAN chính thức thành lập, sẽ thúc đẩy quá trình di chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động có tay nghề. Đối với sinh viên trường nghề sau khi tốt nghiệp sẽ gặp áp lực cạnh tranh rất lớn, đòi hỏi nhà trường phải nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Theo anh Đào Chí Nghĩa, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Cần Thơ, từ năm 2012 đến nay, Ban Thường vụ Thành đoàn đã cử nhiều cán bộ tham gia các lớp tập huấn, chương trình giao lưu với thanh niên các nước, như: Nhật Bản, Trung Quốc và Campuchia. Lãnh đạo nhiều trường đại học, cao đẳng cũng đã tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, chia sẻ kinh nghiệm học tập với thanh niên các nước trong khu vực. Thông qua các hoạt động nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ gắn bó, đoàn kết, hữu nghị, đồng thời nâng cao bản lĩnh hội nhập của thanh niên thành phố.

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết