21/02/2011 - 20:43

SỬ DỤNG THIẾT BỊ PHÁT SÓNG VÔ TUYẾN ĐIỆN

Phạm luật vì... không biết

Đại diện Công ty TNHH Hồng Đức I trình bày nguyên nhân vi phạm Luật Tần số VTĐ.

Tần số vô tuyến điện (VTĐ) là nguồn tài nguyên của quốc gia, được Nhà nước quản lý và đưa vào khai thác, sử dụng chặt chẽ theo quy định trên phạm vi toàn quốc. Trên địa bàn TP Cần Thơ ngày càng có nhiều đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu trang bị và sử dụng các loại thiết bị phát sóng VTĐ (máy bộ đàm, điện thoại không dây kỹ thuật số cải tiến theo công nghệ DECT 6.0...) để phục vụ cho việc kinh doanh hoặc cung cấp dịch vụ của mình được thuận tiện hơn, nhưng một số không thực hiện đúng các quy định của Luật Tần số VTĐ (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2010) gây can nhiễu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của mạng viễn thông công cộng, an toàn, an ninh thông tin, liên lạc...

Giữa tháng 2-2011, Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) TP Cần Thơ tổ chức thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng tần số và thiết bị phát sóng VTĐ tại 2 doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn quận Ninh Kiều. Kết quả, Đoàn Thanh tra tạm giữ 11 thiết bị phát sóng VTĐ (ICOM V8, Kenwood-TK 2107) của các doanh nghiệp do không có giấy phép sử dụng tần số VTĐ đúng theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm đều cho rằng do mình không nắm rõ quy định của Nhà nước hoặc đổ lỗi cho công ty kinh doanh các thiết bị phát sóng VTĐ đã không hướng dẫn kỹ cho khách hàng. Ông Thái Văn An, Cửa hàng phó Công ty TNHH Hồng Đức I, trên đường Hùng Vương, phường Thới Bình, nói : “Chúng tôi mua 6 bộ thiết bị phát sóng VTĐ tại một công ty viễn thông ở đường Nguyễn Trãi và được công ty này cài đặt sẵn hai tần số 145 MHZ và 146 MHZ trên thiết bị để sử dụng. Các nhân viên của công ty không hướng dẫn, thông báo để chúng tôi biết là phải làm thủ tục đăng ký giấy phép trước khi đưa thiết bị này vào sử dụng. Nếu biết trước việc sử dụng thiết bị phát sóng VTĐ phải có giấy phép sử dụng thì chúng tôi đã đăng ký, đâu để vi phạm pháp luật...”. Tương tự, ông Lê Thanh Sơn, chủ Quán ăn gia đình Chiến trên đường Nguyễn Văn Linh, phường Hưng Lợi, cho biết đã mua 5 bộ thiết bị phát sóng VTĐ của một công ty viễn thông ở đường Trần Phú, phường Cái Khế, cũng không nghe nơi bán nói gì về việc phải đăng ký giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng VTĐ nên khi bị thanh tra, cơ sở của ông đã bị tạm giữ 5 bộ thiết bị khi đang sử dụng, phát trên tần số 161,825 MHZ (do nơi bán cài đặt sẵn khi mua). Ông Sơn đề nghị nên xử lý đối với những công ty kinh doanh các thiết bị phát sóng VTĐ vì hơn ai hết, các công ty này nắm rõ những quy định của pháp luật, chứ người dân đôi khi chưa am hiểu hết các quy định về các trang thiết bị mới.

Ông Nguyễn Việt Thanh, Chánh Thanh tra Sở TTTT TP Cần Thơ, cho biết: “Các quy định pháp luật về tần số VTĐ đã có từ lâu, hiện nay đã được nâng lên thành Luật và được phổ biến rộng rãi. Nhưng do các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu sử dụng thiết bị phát sóng VTĐ đã không quan tâm, tìm hiểu, quản lý kỹ, dẫn đến vi phạm về sử dụng tần số và thiết bị phát sóng VTĐ như: không có giấy phép sử dụng, sử dụng sai tần số, sử dụng thiết bị không hợp chuẩn, gây can nhiễu... Những trường hợp vi phạm này sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số142/2004/NĐ-CP ngày 8-7-2004 của Chính phủ; các thiết bị phát sóng VTĐ được sử dụng mà không có giấy phép hoặc không hợp chuẩn theo quy định, sẽ bị tịch thu. Còn một số doanh nghiệp kinh doanh thiết bị viễn thông vì sợ người mua có tâm lý ngại mất thời gian, công sức đi làm thủ tục đăng ký sử dụng và phần vì muốn bán cho được thiết bị, nên đã cố tình phớt lờ việc thông báo đầy đủ các quy định của pháp luật khi sử dụng loại thiết bị phát sóng VTĐ cho khách hàng biết. Đối với các doanh nghiệp này, chúng tôi sẽ có biện pháp nhắc nhở, xử lý trong thời gian tới”.

Ngoài ra, trong tháng 4 và tháng 7-2010, Thanh tra Sở TTTT TP Cần Thơ cũng đã thanh tra, xử lý 19 hộ kinh doanh, hộ gia đình trên địa bàn thành phố sử dụng thiết bị phát sóng VTĐ không có giấy phép (loại điện thoại không dây kỹ thuật số cải tiến theo công nghệ DECT 6.0). Các thiết bị này có tần số sử dụng thuộc đoạn băng tần 1920 MHZ - 1930 MHZ, gây can nhiễu cho mạng thông tin di động công cộng (mạng thông tin di động Mobifone sử dụng công nghệ 3G). Loại thiết bị này không phù hợp với tiêu chuẩn quy định của Việt Nam và không được phép mua, bán, sử dụng trong nước. Thanh tra Sở TTTT đã ra quyết định xử phạt đối với các đối tượng vi phạm và tịch thu tổng cộng 19 bộ thiết bị (gồm 19 máy mẹ và 35 máy con). Theo các hộ vi phạm thì thiết bị họ sử dụng do người thân và bạn bè đem từ nước ngoài về cho, theo dạng hàng xách tay, do không nắm rõ quy định pháp luật về tần số VTĐ nên mới sử dụng, vô tình vi phạm pháp luật, gây ra can nhiễu.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân, tuy có giấy phép sử dụng, nhưng do thiếu sự quan tâm trong quản lý tần số và sử dụng thiết bị phát sóng VTĐ nên cũng vi phạm pháp luật do sử dụng sai tần số được ấn định trong giấy phép. Giữa tháng 1- 2010, Thanh tra Sở TTTT đã thanh tra đột xuất Đội bảo vệ thuộc Công ty TNHH TMDV Bảo vệ Hoàng Long tại điểm bảo vệ Công ty Toyota, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, phát hiện có sử dụng thiết bị phát sóng VTĐ trên tần số 169,180 MHZ, không đúng với tần số được ấn định trong giấy phép. Công ty này đã bị phạt 1,2 triệu đồng. Tháng 2- 2010, Thanh tra Sở TTTT tiếp tục thanh tra đột xuất Công ty cổ phần Dịch vụ Bảo vệ Thắng Lợi có trang bị cho đội bảo vệ tại Công ty cổ phần Dược Hậu Giang 6 thiết bị phát sóng vô tuyến điện sử dụng không đúng với tần số được ấn định trong giấy phép. Công ty này cũng bị phạt 3,6 triệu đồng. Theo ghi nhận của Trung tâm Tần số VTĐ Khu vực IV thuộc Cục Tần số VTĐ, Công ty cổ phần Dịch vụ Bảo vệ Thắng Lợi liên tục vi phạm về tần số VTĐ trên địa bàn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo thông tin từ Sở TTTT TP Cần Thơ, trong 5 năm, từ 2006-2010, Sở đã thực hiện thanh tra, kiểm tra về tần số VTĐ được 27 cuộc tại 146 doanh nghiệp, tổ chức và hộ gia đình trên địa bàn thành phố. Qua đó, Sở đã phát hiện và ra quyết định xử phạt 93 đối tượng vi phạm với tổng số tiền phạt trên 131 triệu đồng, tịch thu 22 bộ thiết bị phát sóng VTĐ không hợp chuẩn.

Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần có biện pháp tuyên truyền sâu rộng hơn các quy định pháp luật về tần số VTĐ để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân biết, thực hiện, tránh những trường hợp vô tình vi phạm. Đồng thời, cần có biện pháp xử lý đối với những đơn vị, công ty kinh doanh thiết bị viễn thông khi bán hàng không cung cấp đầy đủ thông tin đến người mua, để khách hàng vô tình vi phạm như các trường hợp vừa qua.

Bài, ảnh: LÊ NGỌC

Chia sẻ bài viết