18/04/2012 - 21:36

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên:

Phải xây dựng gạo Việt Nam ngay trên thị trường Việt Nam, khu vực và trên thế giới

 

Năm 2012, mặt hàng gạo trên thị trường thế giới có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu do cung nhiều cầu ít. Để lúa gạo Việt Nam ngày càng có chỗ đứng trên thị trường thế giới, ngành lúa gạo cần phải có chiến lược lâu dài, xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam. Đánh giá tổng quan về tình hình sản xuất và tiêu thụ lúa gạo Việt Nam năm 2012, ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết:

- Nguồn cung gạo năm 2012 được dự báo tăng cao do lượng gạo gối đầu chuyển từ năm 2011 sang và dự báo vụ mùa bội thu tại nhiều nước sản xuất gạo. Tổ chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc (FAO) dự báo lượng gạo gối đầu này vào khoảng 151 triệu tấn – mức cao nhất kể từ năm 2000. Con số này quy đổi ra khoảng 32% sản lượng tiêu dùng gạo toàn cầu và tăng 30% so với năm 2011. Thêm vào đó, sản lượng gạo toàn cầu năm 2012 được dự báo tăng nhẹ do dự đoán sản xuất lúa được mùa tại nhiều nước xuất khẩu. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước đang có xu hướng chững lại. Rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008 và do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong mấy năm qua, các nước nhập khẩu đang thay đổi chiến lược, cách tiếp cận đối với vấn đề lương thực, đặc biệt là an ninh lương thực trong nước. Một số nước nhập khẩu (Philippines, Indonesia,...) đang thực thi chính sách đa dạng hóa nguồn nhập khẩu, gia tăng sản xuất, tăng sản lượng trong nước nhằm tự cường về lương thực, tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nhập khẩu.

Một dây chuyền sản xuất gạo tại Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ.

Ngoài ra, vụ đông xuân 2011-2012, Việt Nam đã gặp một số vấn đề trong việc tiêu thụ lúa gạo, nhất là đối với các giống lúa gạo cấp thấp. Theo ngành nông nghiệp các địa phương, việc lựa chọn giống lúa gieo trồng của bà con nông dân còn tự phát, không thể kiểm soát. Ngành chức năng chỉ có thể khuyến cáo bà con nông dân, không thể đưa ra những yêu cầu hay ràng buộc nông dân thực hiện. Bên cạnh đó, nông dân trồng giống lúa nào tùy thuộc vào đơn đặt hàng của thương lái và doanh nghiệp (DN). Do đó, vấn đề này vẫn chưa thật sự thuyết phục! Thêm vào đó, do thay đổi một số chính sách nhập khẩu của thị trường tiêu thụ tập trung cũng như sự cạnh tranh giữa các nguồn cung ứng khác, từ đó dẫn đến giá lúa có nhiều biến động không có lợi cho bà con nông dân. Giải quyết tình trạng này, Chính phủ đã đưa ra giải pháp mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa gạo, thời gian thực hiện từ ngày 15-3 đến 15-4-2012 thời hạn tạm trữ là 3 tháng với lãi suất 0%. Việc thực hiện thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo để kịp thời tiêu thụ lúa hàng hóa, đảm bảo giữ giá lúa gạo ổn định theo hướng có lợi cho người sản xuất. Tuy nhiên, thu mua lúa tạm trữ chỉ là giải pháp tạm thời nhằm giảm thiệt hại cho người nông dân, tránh tình trạng “được mùa rớt giá” lâu nay chúng ta vẫn gặp phải.

* Trước thực trạng trên, đảm bảo tiêu thụ lúa gạo có lợi cho người sản xuất theo hướng bền vững cần có những giải pháp nào, thưa ông?

- Hiện nay, Chính phủ có nhiều văn bản về vấn đề này, đặc biệt là Nghị định 109/2010/NĐ-CP ngày 4-11-2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo. Nghị định quy định cơ chế điều tiết giá cả lúa, gạo hàng hóa. Đồng thời, việc áp dụng giá sàn xuất khẩu cũng được thực hiện để hạn chế, khắc phục tình trạnh cạnh tranh bán giảm giá, gây thiệt hại cho sản xuất trong nước. Phải nhận thức rằng, vấn đề tiêu thụ lúa gạo cần được xem xét giải quyết từ gốc. Tức là ngay từ khâu sản xuất, bảo quản, tạm trữ, chế biến lúa gạo hàng hóa. Nghị định cũng quy định trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện quy hoạch sản xuất lúa hàng hóa; hướng dẫn sản xuất theo hướng chuyên canh các giống lúa có chất lượng, năng suất cao; áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất, chế biến lúa, gạo; nâng cao chất lượng, thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường; theo dõi tình hình sản xuất, nắm sản lượng lúa, gạo để cân đối nguồn lúa, gạo hàng hóa xuất khẩu.

Bên cạnh triển khai thực hiện Nghị định 109, cần tổ chức phối hợp lại giữa ngành nông nghiệp, DN và bà con nông dân, kiên quyết loại bỏ những giống lúa không thích hợp, nhất là trong việc cạnh tranh với các phân khúc thị trường mà Việt Nam đang chiếm lợi thế. Bài học trong năm 2011 khi thị trường xuất khẩu gạo phân khúc rẻ đang có sự thay đổi trong chính sách. Các nước cung ứng gạo giá rẻ như: Ấn Độ, Pakistan, Myanmar... đang cạnh tranh khá khốc liệt với Việt Nam và việc suy giảm các hợp đồng lượng hàng xuất khẩu trong khu vực chủ yếu trong phân khúc thị trường này. Trong khi các thị trường gạo chất lượng tốt, thị trường các nước lớn chúng ta lại không đáp ứng đủ.

Song song đó, cần có sự liên kết tốt giữa ngành nông nghiệp với ngành công thương, phối hợp tốt giữa cơ quan trung ương với các cơ quan địa phương, giữa DN với người nông dân. Trong đó, xây dựng được một chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ và xuất khẩu cần có sự liên kết hữu cơ cùng cơ hội phát triển bền vững. Phải xây dựng được thương hiệu gạo Việt Nam ngay trên thị trường Việt Nam, khu vực và trên thế giới.

* Trong các giải pháp nêu trên, ông đề cập đến xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Nhưng bắt đầu như thế nào, thưa ông?

- Muốn phát triển bền vững hạt gạo Việt Nam, muốn cho thương hiệu hạt gạo bền vững lâu dài thì bắt buộc thị trường gạo của chúng ta phải có những sản phẩm có thương hiệu như các nước đang xây dựng và thành công tạo được thương hiệu trong thị trường khu vực và trên thế giới.

Muốn như thế phải tập trung lựa chọn giống lúa gạo tốt có khả năng cạnh tranh với thị trường xuất khẩu. Trong đó, phải ưu tiên cho việc sàng lọc giống, không để cho cùng một lúc sản xuất quá nhiều loại lúa gạo, nhiều loại lúa gạo khác nhau trà trộn vào một lô hàng. Và nếu như thế khó có thể đảm bảo được chất lượng đồng đều của hạt gạo cũng như hương vị thơm ngon của hạt cơm khi đến tay người tiêu dùng. Vấn đề là phải làm thế nào để hạt gạo Việt Nam mang tính ổn định và chất lượng cao, đồng đều; thuyết phục được cả những thị trường khó tính, điều mà Thái Lan đã làm được. Lợi thế của Việt Nam là có những giống lúa tốt, những vùng chuyên canh có thể đảm bảo được sản lượng lúa gạo chất lượng cao.

Tuy nhiên, việc sản xuất này thời gian qua ít nhiều cũng gặp khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn, một số nông dân khi xuống giống lúa chất lượng cao đôi khi gặp khó khăn trong tiêu thụ. Vì vậy, đa số người nông dân và cả DN chưa chú tâm vào việc phát triển vùng chuyên canh lúa gạo chất lượng cao. Cho nên, thời gian tới, việc xây dựng thương hiệu phải gắn với sản xuất trong nước và tìm được đầu ra ổn định cho một số chủng loại gạo nhất định của Việt Nam. Thậm chí, thâm nhập vào những thị trường khó tính và nhập khẩu nhiều, như: Hồng Công, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Đó chính là những thị trường mà gạo Việt Nam có thể tổ chức các thương hiệu gạo tốt để thâm nhập lâu dài. Muốn được như thế, ngành công thương và nhất là các đơn vị chức năng hiện đang triển khai về xây dựng thương hiệu gạo quốc gia cần phối hợp tốt với ngành nông nghiệp, Hiệp hội Lương thực cũng như các tiểu thương và DN lựa chọn một số loại gạo có khả năng phát triển tốt trong thời gian tới và một số thị trường tiềm năng để xây dựng thương hiệu. Các DN, hiệp hội, ngành liên quan, nông dân phải chủ động trong việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam; cần làm rõ vai trò của các cơ quan, đầu mối, không để tình trạng mỗi một cơ quan mỗi một ngành làm một phân khúc và không ai chịu trách nhiệm chính khi xảy ra vấn đề!

* Xin cảm ơn ông!

NHUNG -TRINH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết