12/07/2008 - 21:47

Bài học quy hoạch sử dụng đất ở Long An

Phải có tầm nhìn xa !

Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một trong những nội dung quan trọng nhất để thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với đất đai theo ranh giới hành chính tại mỗi địa phương. Thông qua công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bảo đảm tính thống nhất quản lý về đất đai, nhà nước có cơ sở thực hiện việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất... góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội… Ở tỉnh Long An, công tác này tuy đã được chủ động thực hiện nhưng vẫn gặp phải nhiều vướng mắc, khó khăn.

Ngay từ năm 1998 Long An đã hoàn thành quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đến năm 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến năm 2004, Long An đã hoàn thành quy hoạch sử dụng đất cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Theo quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1998, một số chỉ tiêu chính đến năm 2010 như sau: diện tích đất nông lâm nghiệp 367.559 ha, chiếm 83,88% tổng diện tích tự nhiên; diện tích đất phi nông nghiệp 69.026 ha, chiếm 15,75% (Trong đó: đất khu, cụm công nghiệp diện tích 6.177 ha, chiếm 1,4 %; đất ở diện tích 22.350 ha, chiếm 5,1%).

Nhưng xu thế phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Long An nói riêng, có vị trí thuận lợi nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vừa tiếp giáp vừa là cửa ngõ từ thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nên có nhiều biến động. Quy hoạch sử dụng đất tỉnh Long An đến 2010 được phê duyệt đã sớm bộc lộ một số tồn tại, chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời thực tiễn cuộc sống. Để đáp ứng tình hình, tỉnh đã phải tiến hành thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tỉnh Long An đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2006 - 2010) và được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 08/2007/NQ-CP ngày 07/02/2007 với một số chỉ tiêu chính đến năm 2010 như sau: đất nông nghiệp diện tích 361.559 ha, chiếm 80,48%; đất phi nông nghiệp có diện tích 86.196 ha, chiếm 19,19%. Trong đó: đất khu, cụm công nghiệp có diện tích 10.532 ha, chiếm 2,34%; đất ở có diện tích 17.406 ha, chiếm 3,87%.

Tuy nhiên, cùng với quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu của cả nước, đặc biệt khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tỉnh đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, công tác xúc tiến đầu tư có hiệu quả, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Long An, dẫn đến một số chỉ tiêu đất đai trong quy hoạch sử dụng đất của tỉnh đến năm 2010 vừa được Chính phủ phê duyệt đã không đáp ứng được nhu cầu để tiếp nhận các dự án đầu tư mới. Trước tình hình trên, để tiếp nhận các dự án đầu tư của một số doanh nghiệp có nhu cầu bức xúc, tỉnh tiếp tục trình và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại Công văn số 1214/TTg-NN ngày 29/8/2007, trong đó bổ sung quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 là 6.356 ha cho các mục đích sử dụng. Bao gồm: đất xây dựng mới khu, cụm công nghiệp là 3.871 ha; đất xây dựng các khu đô thị sinh thái là 2.215 ha; đất xây dựng trường học - khu đô thị là 270 ha.

 Một góc thị xã Tân An hôm nay (Long An). Ảnh: AN THUẬN

Thông qua việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cơ cấu sử dụng đất được chuyển đổi phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng đẩy nhanh việc xây dựng các khu, cụm công nghiệp; đồng thời giải quyết được nhiều vấn đề mang tính tổng thể khác như: bố trí xây mới nhiều khu đô thị, dịch vụ, mở rộng các trường học, các trạm y tế, bệnh viện, công trình thể thao, công trình văn hóa, công trình giao thông, thủy lợi, cấp điện, cấp nước, vệ sinh môi trường,... góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; đảm bảo phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường bền vững, phát triển công nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp nhằm đảm bảo an ninh lương thực và ổn định cuộc sống cho người dân.

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong thời gian qua cũng còn một số điểm hạn chế như chất lượng các dự án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa theo kịp với tốc độ phát tiển kinh tế - xã hội, tính ổn định chưa cao, từ đó thường xuyên phải điều chỉnh, bổ sung. Nguyên nhân chính do quá trình thực hiện công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa có những cuộc điều tra đầy đủ, chi tiết, công tác dự báo phát triển chưa tốt, chưa có tầm nhìn chiến lược trong khi Long An lại có vị trí địa lý thuận lợi thuộc vùng kinh tế năng động nhất trong cả nước. Bên cạnh, các địa phương còn lúng túng trong việc gắn kết giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn, quy hoạch chi tiết các khu, cụm công nghiệp và quy hoạch của các ngành trên địa bàn. Hệ thống quy hoạch sử dụng đất còn thiên về sắp xếp các loại đất theo mục tiêu quản lý hành chính, chưa tính toán đầy đủ về hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường nhằm bảo đảm phát triển bền vững trong sử dụng đất, chưa phát huy cao nhất tiềm năng đất đai.

Đặc biệt trong thời gian qua việc quy hoạch sử dụng đất mới chú trọng đến bố trí quỹ đất cho các khu, cụm công nghiệp, các khu đô thị mà chưa quan tâm đến hệ thống hạ tầng và các khu tái định cư, dẫn đến việc triển khai gặp nhiều khó khăn; việc quản lý thực hiện quy hoạch sử dụng đất chưa được các địa phương chú trọng, phân cấp trách nhiệm quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa rõ ràng. Việc quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa trở thành ý thức trong các cơ quan quản lý cũng như người sử dụng đất.

Trong thời gian tới, các cấp chính quyền và các ngành chức năng tỉnh Long An sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả cũng như khắc phục các hạn chế còn tồn tại trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Hy vọng với những nỗ lực này, sớm đưa Long An đạt mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển vào năm 2020.

Nguyễn Văn Thiệp (GĐ Sở TN&MT Long An)

Chia sẻ bài viết