02/11/2018 - 15:32

Ông Trump gặp trở ngại trong việc “bóp nghẹt” Iran 

Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi lãnh đạo các nước giảm mua dầu mỏ của Iran trước khi lệnh trừng phạt mới nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ và tài chính của nước này chính thức có hiệu lực từ ngày 5-11 tới. Tuy nhiên, nỗ lực phong tỏa kinh tế Tehran đang đối mặt với nhiều thách thức.

Iran tự tin kinh tế nước này sẽ đứng vững trước đòn trừng phạt mới của Mỹ. Ảnh: NY Times

Biện pháp trừng phạt sắp tới của Mỹ nhắm vào Ngân hàng Trung ương Iran, các giao dịch dầu thô và công ty vận tải biển của nước này. Mục tiêu mà Washington đặt ra cho chiến dịch trừng phạt là để Iran phải thực hiện hàng chục thay đổi cơ bản về chính sách đối nội lẫn đối ngoại, bao gồm ngừng hỗ trợ các tổ chức Hezbollah tại Lebanon, Hamas ở Gaza và phiếu quân Houthi tại Yemen. Trong nhiều tháng qua, giới chức xứ cờ hoa khẳng định họ muốn giảm lượng dầu xuất khẩu của Iran xuống bằng không và trừng phạt bất cứ quốc gia nào tiếp tục mua dầu sau ngày 4-11, bước đi nhằm “bóp nghẹt” kinh tế Tehran. Những đe dọa của chính quyền ông Trump cũng đã thuyết phục một số nhà nhập khẩu ở châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc ngừng mua dầu số lượng lớn từ Iran. Kết quả là hồi tháng 9, sản lượng dầu thô xuất khẩu của nước này giảm hơn 20%, xuống còn 1,8 triệu

thùng/ngày, so với 2,3 triệu thùng trước đó 4 tháng. Con số này tiếp tục giảm trong tháng rồi, theo công ty phân tích năng lượng IHS Markit.

Tuy nhiên, tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc cách đây 2 tháng, ngoại trưởng các nước Anh, Pháp, Đức và Liên minh châu Âu, Nga, Trung Quốc và Iran cam kết hợp tác để tạo ra “một phương tiện thanh toán đặc biệt” độc lập với đồng đôla Mỹ để duy trì các quan hệ thương mại. Phía Nhà Trắng đón nhận thông tin này bằng sự giận dữ, nhưng ra đòn trừng phạt đối với kênh tài chính mới sẽ làm xói mòn các quan hệ xuyên Đại Tây Dương vốn đã rất căng thẳng.

Thêm một thách thức cho Washington là mặc dù gần đây yêu cầu 2 công ty lớn gồm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung quốc Petroleum Corp và Sinopec ngừng mua dầu của Iran, nhưng Trung Quốc nhiều khả năng vẫn sẽ là quốc gia nhập khẩu dầu nhiều nhất từ đối tác này. Một số người dự đoán chính quyền Mỹ sẽ công bố các biện pháp trừng phạt nhắm vào một số thực thể của Trung Quốc vào đầu tuần tới để thể hiện sự cứng rắn đối với Bắc Kinh, song bước đi này có thể chỉ mang tính tượng trưng.

Xếp sau Trung Quốc về khoản nhập khẩu dầu từ Iran là Ấn Độ. Gần đây, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo việc quốc gia Nam Á vẫn còn mua dầu của Iran sẽ “chẳng ích lợi gì” và nhấn mạnh New Delhi sẽ nhận ra điều này nếu lệnh trừng phạt có hiệu lực. Có điều là áp đặt lệnh trừng phạt Ấn Độ sẽ ảnh hưởng đến nhiều ưu tiên của Mỹ, bao gồm nỗ lực bảo vệ Afghanistan, đối đầu Trung Quốc và Pakistan. Được biết, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể sẽ nối gót hai quốc gia châu Á tiếp tục giao dịch dầu thô với Iran.

Trở ngại thậm chí còn đến từ chính đồng minh chủ chốt của Mỹ trong nỗ lực chống Iran. Để chiến lược chặt đứt mọi hoạt động xuất khẩu dầu của Iran đạt hiệu quả, Nhà Trắng dựa vào quan hệ với Saudi Arabia để giữ giá dầu thế giới không tăng và cùng nhau hợp tác nhằm kiềm chế Iran. Thế nhưng, Saudi Arabia lại đang hứng chịu chỉ trích và cả những đe dọa trừng phạt từ Quốc hội Mỹ sau vụ sát hại ký giả Jamal Khashoggi. Cái khó ở đây là trừng phạt Riyadh có thể làm phá hủy nỗ lực bình ổn giá dầu trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu dầu của Tehran sụt giảm.

THANH BÌNH (Theo NY Times)

Chia sẻ bài viết