21/06/2018 - 16:45

Ông Trump đảo ngược chính sách nhập cư 

Hôm 20-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh) đã ký sắc lệnh cho phép thành viên gia đình nhập cư bất hợp pháp được ở cùng nhau thay vì chia tách phụ huynh với con cái sau khi họ bị bắt tại biên giới.

 Ảnh: Getty Images

Theo sắc lệnh mới, Bộ Tư pháp vẫn duy trì các thủ tục tố tụng hình sự đối với người vượt biên trái phép vào Mỹ, nhưng Bộ An ninh Nội địa sẽ chịu trách nhiệm về tình trạng của họ trong lúc chờ phán quyết của tòa xem được ở lại Mỹ hay không. Điều này đồng nghĩa trẻ em sẽ không bị tách ra khi người lớn đi cùng bị giam và chờ xét xử. “Những gì chúng tôi làm hôm nay là không để các gia đình lâm vào cảnh ly tán, đồng thời đảm bảo an ninh biên giới vững mạnh” – Tổng thống Trump nói sau khi ký sắc lệnh.

Theo giới quan sát, động thái này đảo ngược chính sách quan trọng nhất của ông Trump kể từ khi nhậm chức vào tháng 1-2017.  Quyết định được đưa ra khi các báo cáo trước đó cho biết 2.342 trẻ em đã bị tách khỏi cha mẹ và chuyển đến các cơ sở tị nạn tính từ ngày 5-5 đến 9-6, sau khi chính quyền Trump áp dụng chính sách “không khoan nhượng” truy tố hình sự người nhập cư bất hợp pháp bị bắt tại biên giới. Chỉ vài ngày trước, ông Trump khẳng định chỉ thực thi chính sách di trú của chính quyền tiền nhiệm và rằng chỉ Quốc hội Mỹ mới có thể giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, hình ảnh cùng nhiều đoạn clip cho thấy trẻ em bị tạm giữ trong những khu vực có rào chắn và tiếng các em bé khóc đã dấy lên bức xúc từ cả hai phe Dân chủ, Cộng hòa cũng như sự phẫn nộ trong cộng đồng quốc tế chỉ trích Mỹ lạm dụng nhân quyền. Hàng loạt lãnh đạo các quốc gia và tôn giáo bao gồm Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Hội đồng châu Âu và Đức Giáo hoàng Francis đều lên tiếng chỉ trích chính sách của Washington.

Sắc lệnh mới tuy giúp chính quyền Trump thoát sức ép từ việc thực thi chính sách “không khoan nhượng” nhưng nó tiếp tục đặt ra hàng loạt thách thức mới về cơ sở giam giữ cũng như phương án giải quyết số phận của hơn 2.300 trẻ em bị chia tách trước đó. Đặc biệt, Nhà Trắng có thể đối mặt trận chiến pháp lý mới khi sắc lệnh ông Trump vừa ký mâu thuẫn đạo luật mang tên Thỏa thuận Flores 1997, yêu cầu Chính phủ Mỹ thả trẻ em vượt biên bị bắt sau 20 ngày giam giữ. Quan chức cấp cao Bộ Tư pháp Gene Hamilton cho biết cơ quan này đang tìm cách sửa đổi Thỏa thuận Flores. Nhưng bất kỳ nỗ lực nào của chính phủ sẽ phải đối mặt với trở ngại từ tòa án.

Tỉ phú Bloomberg chi tiền ủng hộ phe Dân chủ

Reuters đưa tin, cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg quyết định rót 80 triệu USD để ủng hộ cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ với phần lớn nguồn tiền tài trợ cho các ứng viên đảng Dân chủ trong chiến dịch giành lại quyền kiểm soát Hạ viện trong năm nay. Hiện đảng Dân chủ cần thêm 23 ghế nếu muốn giành thế đa số.

“Liên minh” giữa tỉ phú Bloomberg và phe Dân chủ đánh dấu giai đoạn mới trong tiến trình chính trị của cựu thị trưởng. Được biết, ông từng tham gia đảng Dân chủ trước khi chuyển sang ủng hộ đảng Cộng hòa giai đoạn 2001-2004 để rồi trở thành chính trị gia độc lập 3 năm sau đó. Theo giới quan sát, cựu Thị trưởng New York bắt đầu liên kết chặt chẽ hơn với đảng Dân chủ sau khi ông Trump được đề cử làm tổng thống. Vị tỉ phú 76 tuổi từng nhiều lần chỉ trích ông chủ Nhà Trắng, đặc biệt lên án quyết định cắt giảm thuế là một “sai lầm nghìn tỉ”.  Ông còn tài trợ 4,5 triệu USD cho Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và hiện là phái viên của Liên Hiệp Quốc về vấn đề này sau khi chính quyền Trump công bố kế hoạch rút khỏi hiệp ước trên.

 

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết