27/05/2012 - 20:59

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBMTTQ VN TP Cần Thơ, Phó Trưởng Ban Thường trực Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Cần Thơ:
Cuộc vận động dùng hàng Việt được các tầng lớp nhân dân ủng hộ tích cực

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động từ tháng 8-2009 trên phạm vi cả nước và đến nay đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo nhân dân. Cùng với nhiều địa phương trên cả nước, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam (UBMTTQ VN) TP Cần Thơ tích cực triển khai phát động cuộc vận động trên địa bàn thành phố. Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ về kết quả đạt được sau 3 năm triển khai vận động, ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBMTTQ VN TP Cần Thơ, Phó Trưởng ban Thường trực Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cho biết:

-Trên cơ sở quán triệt sâu sắc chủ trương của Bộ Chính trị về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ngày 14-9-2009, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ ban hành Đảng văn số 766-CV/TU, UBND TP Cần Thơ ban hành Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 8-10-2009 về việc triển khai thực hiện, quán triệt trong hệ thống chính trị; hướng dẫn các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình hành động, kêu gọi các tầng lớp nhân dân, toàn xã hội tham gia. Cuộc vận động đã được cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong thành phố đồng tình ủng hộ với tinh thần trách nhiệm cao. Ban Chỉ đạo thành phố không ngừng nỗ lực tổ chức nhiều hình thức hoạt động tuyên truyền, đa dạng, phong phú, sát hợp với thực tiễn của mỗi địa phương, đơn vị.

* Ông có thể nói rõ hơn về những mặt tích cực và hạn chế cần khắc phục sau 3 năm triển khai cuộc vận động?

-Sau 3 năm triển khai thực hiện trên địa bàn TP Cần Thơ đã nhận được sự quan tâm sâu sắc, đồng thuận cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các doanh nghiệp và đông đảo các tầng lớp nhân dân. Thành phố đề ra những giải pháp kịp thời, phù hợp, thu hút được sự tham gia của các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp. Cuộc vận động thu hút hàng triệu lượt người tham dự. Ban Chỉ đạo thành phố đã phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức gần 200 chuyến hàng Việt về vùng ngoại thành, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo chất lượng hàng hóa, sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần thực hiện tốt giải pháp kích cầu, phát triển thị trường nội địa, đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, thách thức.

Theo kết quả điều tra xã hội học trên địa bàn TP Cần Thơ của Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ vừa qua, việc tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam chiếm 53%; khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen nên mua hàng Việt Nam chiếm 48%; trước đây có thói quen thường mua hàng có nguồn gốc xuất xứ ở nước ngoài nay đã dừng mua hoặc ít mua hơn thay bằng mua hàng Việt Nam chiếm 31%... Trong đó, các mặt hàng sản xuất tại Việt Nam đã được người Việt Nam mua sắm nhiều như: Sản phẩm dệt may, quần áo, giày dép (69%); thực phẩm, rau quả (51%); các sản phẩm đồ gia dụng (44%); vật liệu xây dựng, đồ nội thất (29%); thuốc điều trị bệnh, dược phẩm, dụng cụ y tế và văn phòng phẩm (28%); đồ chơi, dụng cụ học tập dành cho trẻ em (26%); các sản phẩm điện tử, điện lạnh (21%); ôtô, xe máy (11%); hóa mỹ phẩm (10%)...

Tuy nhiên, Cuộc vận động còn tồn tại một số hạn chế, một số địa phương, đơn vị còn hình thức, chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc mục đích, ý nghĩa, nội dung Cuộc vận động; công tác tuyên truyền, vận động trong thời gian qua chưa trở thành công việc thường xuyên và liên tục của hệ thống chính trị. Việc đưa hàng Việt về vùng ngoại thành chưa thường xuyên, liên tục; số lượng công ty, doanh nghiệp tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn còn quá ít, mẫu mã hàng hóa chưa phong phú nên chưa đáp ứng được nhu cầu mua sắm và tiêu dùng trong nhân dân. Một số hoạt động thương mại chưa đúng với mục tiêu của Cuộc vận động; hệ thống phân phối bán lẻ chưa phủ rộng; chất lượng sản phẩm hàng hóa của một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa đảm bảo chất lượng, giá cả chưa hợp lý; tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng nhập lậu còn nhiều làm ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp trong nước, sụt giảm niềm tin đối với người tiêu dùng; tâm lý sính hàng ngoại vẫn còn tồn tại...

Người dân ngày càng tin tưởng và sử dụng các sản phẩm thương hiệu Việt. Trong ảnh:
Khách mua hàng tại cửa hàng giày dép Biti’s.

* Theo ông, khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện Cuộc vận động này đối với doanh nghiệp là gì?

- Để phục vụ cho công tác sơ kết của Bộ Chính trị sau 3 năm triển khai Cuộc vận động, vừa qua Ban Chỉ đạo cuộc vận động TP Cần Thơ đã tổ chức đợt kiểm tra tại các quận, huyện và một số doanh nghiệp trên địa bàn để nắm rõ tình hình thực hiện cũng như những khó khăn trong quá trình triển khai. Sau khi kiểm tra tại một số doanh nghiệp bên cạnh những mặt tích cực, chúng tôi còn nhận thấy những khó khăn ở các doanh nghiệp hiện nay như: ngoài phải chịu sự ảnh hưởng của tình hình kinh tế khó khăn chung, năng lực cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa của từng doanh nghiệp còn thấp, trình độ quản lý công nghệ của một số doanh nghiệp còn lạc hậu, tính liên kết giữa các doanh nghiệp thiếu chặt chẽ, chất lượng, giá cả, mẫu mã một số hàng hóa chưa hấp dẫn người tiêu dùng... Vì vậy, đã hạn chế sức cạnh tranh của hàng Việt trên thị trường, dẫn đến tình trạng hàng hóa tồn kho nhiều, khó khăn trong việc tái đầu tư sản xuất, cải tiến kỹ thuật công nghệ.

* Ban Chỉ đạo cuộc vận động thành phố có kế hoạch gì để gỡ khó và triển khai tốt cuộc vận động trong những năm tiếp theo, thưa ông?

-Trước thực tế trên, chúng tôi đề xuất một số vấn đề như: Các ngành, các cấp cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động bằng nhiều hình thức thích hợp. Công tác tuyên truyền phải được thực hiện lâu dài, bền bỉ, sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, tạo được sự đồng bộ trong lĩnh vực truyền thông, nhằm tác động mạnh vào tâm lý, hành vi người tiêu dùng. Tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh và uy tín sản phẩm; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận trong thương mại đồng thời xử lý nghiêm khắc các hành vi làm hàng nhái, hàng giả, sử dụng thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là hiện tượng hàng nhập khẩu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ mang nhãn mác hàng Việt Nam. Tăng cường các biện pháp kiểm tra tính an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng của các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; áp dụng thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước ngoài.

Về phía doanh nghiệp cần phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến công nghệ, mẫu mã; xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá, có số liệu phân tích cụ thể và có giải pháp khắc phục tồn tại, yếu kém đối với từng ngành hàng; cung cấp thông tin để khách hàng phân biệt được hàng chính hãng với hàng nhái, hàng giả. Phát triển hệ thống phân phối sản phẩm tiện lợi cho người tiêu dùng, coi trọng các chương trình khuyến mãi; thường xuyên đưa hàng Việt về các vùng ngoại thành nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng, phong phú của người tiêu dùng...

Về phía người tiêu dùng, trước tiên là cơ quan Nhà nước, cần gương mẫu trong mua sắm công như: Máy móc, trang thiết bị văn phòng, văn phòng phẩm...; thủ trưởng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên phải tự giác, gương mẫu trong việc mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam khi tiêu dùng cá nhân, xem đó là thể hiện lòng yêu nước, là nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng. Lựa chọn hàng Việt Nam là biểu hiện của tinh thần yêu nước.

Ban chỉ đạo Cuộc vận động thành phố sẽ tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra thực hiện ở các cấp trên địa bàn để kịp thời phát hiện những vướng mắc khó khăn trong sản xuất, phân phối lưu thông hàng hóa của các doanh nghiệp, nhưng không làm thay hoặc can thiệp vào hoạt động tự chủ của doanh nghiệp.

* Xin cảm ơn ông!

Khánh Nam (thực hiện)

Người dân ngày càng tin tưởng và sử dụng các sản phẩm thương hiệu Việt. Trong ảnh: Khách mua hàng tại cửa hàng gi

Chia sẻ bài viết