09/05/2018 - 10:51

Ông Macron thắng đối ngoại, thua đối nội 

Chỉ trong một năm với tư cách Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron đã nổi lên như là một nhân vật quan trọng trên vũ đài chính trị thế giới. Tuy nhiên, ông dường như lại thất bại trên “sân nhà” của mình.

Tổng thống Macron (trái) và người đồng cấp Mỹ Trump. Ảnh: AP

Sau khi nhậm chức, vị tổng thống 39 tuổi này đã giúp ngăn chặn làn sóng chủ nghĩa dân túy toàn cầu và nâng cao hình ảnh nước Pháp trên trường quốc tế. Ông Macron đã nổi lên như người phát ngôn hàng đầu của châu Âu, trở thành nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên được Tổng thống Mỹ Donald Trump mời dự quốc yến hồi tháng rồi. Không những vậy, trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ, Tổng thống Macron đã phác thảo một định hướng vững chắc về vai trò lãnh đạo toàn cầu, hướng đến việc tạo ra một hệ thống quốc tế về quyền tự do, thị trường tự do và quản trị dân chủ dựa trên luật lệ mà các quốc gia phương Tây theo đuổi kể từ Thế chiến thứ hai. “Chúng ta có thể lựa chọn chủ nghĩa biệt lập, rút lui hay chủ nghĩa dân tộc. Song, việc đóng lại cánh cửa của đất nước đối với thế giới sẽ không ngăn cản được sự phát triển của thế giới” - ông Macron tuyên bố.

Hồi cuối tháng trước, Tổng thống Macron đã thể hiện khả năng đưa ra những quyết định quân sự cứng rắn khi cùng Mỹ và Anh không kích các cơ sở vũ khí hóa học tại Syria. Ông cũng giành được sự ủng hộ của người dân khắp thế giới bằng lời kêu gọi “hãy làm hành tinh của chúng ta vĩ đại trở lại” nhằm đáp trả quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu của Tổng thống Trump. Ông cũng đã có các cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Nga Vladimir Putin...

Tuy nhiên, tại quê nhà, mọi thứ dường như ngược lại. Theo tờ Bưu điện Washington, nhiều cuộc đình công và biểu tình xung quanh các cải cách kinh tế của ông Macron đã nổ ra trong những tuần gần đây. Nhiều người lo ngại rằng ông đang dẫn dắt xứ gà trống Gaulois theo hướng chủ yếu tập trung vào lợi nhuận. Đáp lại, ông Macron nói rằng những cải cách kinh tế của ông là nhằm để thu hút thêm nhà đầu tư Pháp cũng như nước ngoài, và nhằm để toàn cầu hóa nền kinh tế nước Pháp sau nhiều năm đình trệ.

Trong khi đó, những người phản đối xem ông là chính trị gia độc đoán, hay một “tổng thống của người giàu” sau khi quyết định cắt giảm thuế cho tầng lớp thượng lưu. Mới đây, chính quyền Tổng thống Macron cũng bắt đầu thực thi kế hoạch đánh thêm thuế đối với những người về hưu, áp dụng hệ thống giáo dục đại học mới và áp đặt luật lệ nghiêm ngặt hơn đối với vấn đề nhập cư vốn đều khiến bùng nổ các cuộc biểu tình phản đối. Tờ Bưu điện Washington cho biết, mức tín nhiệm của Tổng thống Macron đã giảm sút một cách nhanh chóng sau khi ông công bố kế hoạch cắt giảm ngân sách cũng như đưa ra các cải cách về lao động hồi năm ngoái.

Tuy nhiên, nước Pháp dưới thời Tổng thống Macron đã có sự thay đổi so với lúc ông đắc cử ngày 7-5-2017. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp của Pháp đã giảm từ 10% xuống 8,9%. Trong khi đó, mức tăng trưởng năm 2018 dự kiến sẽ đạt 2%, cao nhất trong vòng 7 năm qua, còn tỷ lệ lạm phát ở dưới mức giới hạn 3% của Liên minh châu Âu, lần đầu tiên trong vòng một thập kỷ qua.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết