07/01/2018 - 17:22

Ông Macron kỳ vọng gì ở chuyến thăm Trung Quốc? 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm nay 8-1 bắt đầu chuyến công du 3 ngày tới Trung Quốc.  Đây là chuyến thăm đầu tiên tới châu Á của nhà lãnh đạo xứ gà trống Gaulois kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 5 năm ngoái, và là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo chủ chốt châu Âu tới Trung Quốc kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình tái đắc cử Tổng Bí thư tháng 11-2017.

Tổng thống Pháp Macron (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp hồi tháng 7-2017. 
Ảnh: Reuters

Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết, lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận vấn đề thương mại và đầu tư. Được biết, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Pháp và lớn nhất ở châu Á, trong khi Pháp là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc tại Liên minh châu Âu. Kim ngạch thương mại song phương năm 2016 đạt khoảng 47 tỉ USD với cán cân nghiêng về Trung Quốc. Pháp đến nay đã đầu tư 15,7 tỉ USD vào Trung Quốc, chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng, ô tô, hàng không, viễn thông, nước và dược phẩm, trong khi đầu tư của Trung  Quốc vào Pháp chỉ khoảng 400 triệu USD. Dự kiến, một số thỏa thuận lớn sẽ được hai bên ký kết trong chuyến đi của Tổng thống Macron, gồm thỏa thuận thành lập quỹ đầu tư Pháp-Trung trị giá 1 tỉ euro.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hồng Công, trong chuyến công du này, ông Macron sẽ nỗ lực tìm kiếm cơ hội cho các công ty chuyên cung cấp công nghệ tiên tiến của Pháp, đặc biệt là trong các lĩnh vực như hạt nhân, năng lượng sạch, hàng không, trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục chương trình chuyển đổi kinh tế và cải tiến công nghiệp. Được biết, tháp tùng Tổng thống Marcon lần này là một phái đoàn gần 50 giám đốc điều hành của các công ty lớn, gồm đại diện của Tập đoàn năng lượng Pháp (EDF), Tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới AREVA, Hãng chế tạo máy bay Airbus, Tập đoàn khách sạn Accor cùng với đại diện của các nhà phân phối sữa, thịt heo và thịt bò Pháp.

Tổng thống Marcon cũng sẽ thuyết phục Trung Quốc rằng Pháp hiện là một điểm đến an toàn. Ước tính, khoảng 2,2 triệu lượt khách Trung Quốc đến Pháp trong năm 2015, nhưng con số này đã giảm mạnh sau một loạt vụ khủng bố đẫm máu tại Pháp cũng như nhiều vụ tấn công bạo lực đối với du khách Trung Quốc.

Ngoài ra, các chủ đề khác trong chương trình nghị sự của hai thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, tiến trình hòa bình Trung Đông và chống khủng bố. Lãnh đạo hai nước cũng sẽ thảo luận các vấn đề an ninh, chẳng hạn như tình hình trên Bán đảo Triều Tiên...

Wang Yiwei, chuyên gia nghiên cứu về châu Âu tại Đại học Nhân dân (Trung Quốc) nhận định rằng Chủ tịch Tập có khả năng sẽ tìm kiếm sự hậu thuẫn của Tổng thống Marcon đối với các vấn đề quan trọng của Bắc Kinh như kế hoạch quốc tế hóa Nhân dân tệ.

Với việc rút lui của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, cả Trung Quốc và Pháp đều đang tìm kiếm một vai trò lớn hơn trên vũ đài chính trị thế giới, theo tờ Bưu điện Hoa Nam
Buổi sáng.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết