10/09/2018 - 10:35

Ông lớn công nghệ Mỹ-Trung “đụng độ” ở châu Phi 

Trong bối cảnh Washington ra sức cạnh tranh toàn cầu với Bắc Kinh, các ông lớn công nghệ của Mỹ và Trung Quốc cũng đấu nhau, kể cả ở lục địa đen.

Trong thập kỷ qua, các công ty công nghệ Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến thị trường châu Phi. Dựa trên sự thành công của mình tại các thị trường mới nổi khác, các ông lớn công nghệ như Huawei, Tecno, ZTE, Tencent và hiện tại là Alibaba đang đẩy mạnh đầu tư vào các quốc gia từ Nigeria đến Kenya. Trước sự hiện diện ngày càng gia tăng của các hãng Trung Quốc ở châu Phi, giới phân tích cho rằng các doanh nghiệp Mỹ như Amazon sẽ cần phải linh hoạt hơn trong chiến lược thâm nhập thị trường cũng như phải tập trung vào việc mang đến các sản phẩm đa dạng, sáng tạo hơn.

Nhà sáng lập Alibaba Jack Ma trao giải cho những người giành chiến thắng giải thưởng African Ranger Award. Ảnh: AP

Chuyện các công ty công nghệ Mỹ-Trung cạnh tranh tại châu Phi không phải mới. Trong hơn 2 thập kỷ qua, các công ty Mỹ như IBM hay Microsoft đã đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của châu Phi. Sau đó, Huawei và ZTE nhảy vào, giúp tạo nên sự cạnh tranh mạnh mẽ tại châu lục. Những khoản đầu tư ban đầu này đã góp phần tạo nên sự bùng nổ ngành điện thoại di động và sự ra đời của thương mại điện tử ở các nước châu Phi. Ngày nay, Internet ngày càng phát triển, đặc biệt là tại các thị trường tiên tiến hơn như Nigeria và Nam Phi, người dùng di động đã đạt mức hơn 44%. Tập đoàn Trung Quốc Transsion Holdings nhờ đó cũng “thơm lây”, trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu châu Phi, bán được hơn 80 triệu chiếc mỗi năm.

Truy cập trực tuyến kết hợp với đô thị hóa ngày càng gia tăng đang tạo ra một môi trường chín muồi cho thương mại điện tử và các dịch vụ giải trí di động. Tại thị trường truyền hình trả tiền của châu Phi vốn dự kiến sẽ đạt doanh thu hơn 6 tỉ USD vào năm 2021, nhà cung cấp Trung Quốc StarTimes đang sở hữu trong tay hơn 10 triệu người theo dõi. Mới đây, công ty công nghệ này cũng đã công bố hợp đồng kéo dài 10 năm trị giá 7 triệu USD với hiệp hội bóng đá Uganda. Trong khi đó, hãng truyền hình Internet Netflix của Mỹ đang cung cấp dịch vụ cho tất cả 54 quốc gia lục địa đen.

Giới chuyên gia dự đoán, “trận chiến” lớn nhất chắc chắn sẽ bùng nổ tại châu Phi giữa các tập đoàn thương mại điện tử, trong đó đáng chú ý là cuộc “so găng” giữa Amazon và Alibaba với tổng vốn hóa thị trường gần 1,5 nghìn tỉ USD. Năm 2017, nhà sáng lập Alibaba Jack Ma đã cam kết tài trợ 10 triệu USD để thành lập Quỹ Doanh nhân trẻ châu Phi nhằm bắt đầu tìm hiểu thị trường và đánh giá các đối thủ tại địa phương. Alibaba sau đó bắt tay với Bolloré (Pháp) để đẩy mạnh ngành kho vận, dịch vụ điện toán đám mây, năng lượng sạch cũng như công nghệ kỹ thuật số mới. Alibaba đã đưa nền tảng thanh toán trực tuyến Alipay của mình đến Nam Phi và đang thâm nhập thị trường Đông Phi thông qua quan hệ đối tác với Ngân hàng Equity của Kenya.

Amazon tất nhiên không thể ngồi yên. Năm ngoái, hãng đã mua lại Souq.com, nhà bán lẻ có trụ sở tại Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất với sự hiện diện ở Bắc Phi. Ngoài ra, Amazon đang có kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng riêng để hỗ trợ cho dịch vụ đám mây AWS khi mà mới đây đã công bố các địa điểm mới ở hai thành phố Cape Town và Johannesburg của Nam Phi để mở rộng mạng lưới phân phối nội dung của mình.

TRÍ VĂN (Theo Financial Times)

Chia sẻ bài viết