29/04/2014 - 08:33

Ông Dư mong có điều kiện trị bệnh

Trước hiên nhà cũ kỹ, xuống cấp ở khu vực Thạnh Phú, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, ông Hồ Văn Dư ngồi một mình thẫn thờ nhìn ra khoảng đường vắng, gương mặt buồn bã, mệt mỏi, chất chứa nhiều ưu tư, lo lắng. Chốc chốc, ông Dư cúi nhìn cái chân giả vô tri và trách mình bất lực, không thể tự làm việc nuôi thân, nay phải nương nhờ vợ chồng người cháu, sống đắp đổi qua ngày. Hiện nay, ông Dư còn mắc bệnh tim, cao huyết áp khá nặng, sức khỏe suy kiệt dần…

Giọng buồn bã, ông Dư nói: "Số tôi cơ cực từ nhỏ đến tận bây giờ". Cơ cực từ nhỏ, bởi ông Dư là anh cả trong gia đình (ở quận Ninh Kiều) có 6 anh em nên phải sớm bươn chải, phụ giúp cha mẹ kiếm tiền trang trải chi tiêu gia đình. Năm 18 tuổi, ông Dư bị bắt quân dịch và 2 năm sau bị thương phải cưa chân trái. Sau nhiều biến cố, gia đình ông Dư chuyển về quê ngoại sinh sống và dựng tạm nhà ờ trên mảnh đất nhỏ của người bà con. Mỗi người trong gia đình tự tìm việc làm kiếm sống tạm bợ qua ngày. Khi các em lần lượt lập gia đình, ra riêng, tản mạn khắp nơi làm mướn kiếm sống, còn ông Dư sống với cha mẹ. Mẹ con ông Dư mỗi người mỗi nghề mưu sinh, sớm tối có nhau. Thời gian này, ông Dư được Hội Chữ thập đỏ giới thiệu lắp miễn phí chân giả để thuận tiện sinh hoạt, đi lại. Hằng ngày, khi mẹ tranh thủ dệt chiếu mướn, ông Dư đi bán vé số dạo, kiếm tiền mua gạo, con cá, mớ rau. Do tàn tật đi lại khó khăn, ông Dư chuyển nghề vá, sửa xe đạp trước cửa nhà, kiếm được khoảng 20.000 – 30.000 đồng/ngày.

Ông Dư mong có điều kiện trị bệnh đến nơi đến chốn.

Cách đây 2 năm, mẹ ông Dư qua đời do quá lao lực mưu sinh, còn thêm bệnh loét dạ dày và viêm gan. Ông Dư sống một mình thui thủi, thi thoảng, các em ông mới về thăm nhà. Cảm thương tình cảnh ông Dư, vợ chồng cháu trai (gọi ông Dư bằng cậu) dọn về sống chung để có thể chăm sóc ông Dư nhưng không giúp được tiền khám chữa bệnh, vì gia cảnh vợ chồng cháu rất khó khăn, có con nhỏ mới hơn 1 tuổi trong khi việc làm bấp bênh. Do mải lo lao động kiếm sống, ông Dư không chú ý sức khỏe bản thân, không quan tâm những cơn choáng, đau đầu thoáng qua. Một lần, khi ông đang sửa xe cho khách, bỗng mắt tối sầm, tay chân bủn rủn, tê cứng. Bà con trong xóm góp tiền, đưa ông đến bệnh viện (ông Dư có thẻ bảo hiểm y tế diện bảo trợ xã hội). Bác sĩ chẩn đoán ông Dư bệnh nhồi máu cơ tim cấp, tăng huyết áp và viêm dạ dày, khuyên ông nên nhập viện để điều trị. Tuy nhiên, ông Dư nằm viện vài ngày đã xin về vì không lo nổi viện phí. Bà Huỳnh Thị Ngọc, hàng xóm ông Dư cho biết: "Ông Dư nhập viện mấy lần rồi nhưng do điều trị không đến nơi đến chốn nên bệnh cũ tái phát và ngày càng thêm nặng. Mấy tháng nay, do không người chăm sóc, ăn uống kham khổ, sức khỏe ông suy giảm hẳn. Ổng không làm được việc nặng, ngồi lâu cũng thấy mệt. Tội nghiệp, cháu ổng xoay xở khoản tiền viện phí lâu nay, giờ chắc hết khả năng rồi. Sắp tới, không biết tính sao đây". Theo bà Ngọc, mỗi lần ông Dư nhập viện, bà con trong xóm cũng vận động đóng góp nhưng chỉ trong khả năng kinh tế gia đình, không thể chu đáo được.

Bà Thạch Thị Tuyết Hồng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, nói: "Hoàn cảnh anh Dư rất khó khăn, chính quyền đoàn thể khu vực kịp thời xét đưa vào diện bảo trợ xã hội để được hưởng trợ cấp hằng tháng và bảo hiểm y tế, giảm chi phí khám chữa bệnh. Mỗi dịp lễ, Tết trong năm, khu vực luôn ưu tiên dành cho ông Dư phần quà, gạo… của các tổ chức, nhà hảo tâm, giúp giảm phần nào chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, khả năng địa phương khó thể hỗ trợ ông Dư tiền trị bệnh, chỉ biết kêu gọi và vận động sự quan tâm của các mạnh thường quân, giúp ông Dư được khám và điều trị bệnh đến nơi đến chốn".

Bài, ảnh: KỲ PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết