13/11/2008 - 21:52

Ông Đinh Viết Khanh- Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Tp Cần Thơ kiêm Phó ban tổ chức Ngày hội văn hóa - thể thao và du lịch vùng đồng bào Khmer Nam bộ:
Lễ hội sẽ làm nổi bật bản sắc văn hóa dân tộc Khmer Nam bộ

 

Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) vùng đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ IV là một lễ hội đặc biệt diễn ra vào đầu tháng 12 năm 2008, tại TP Cần Thơ. Không chỉ là một trong những sự kiện chính của Năm Du lịch quốc gia Mekong- Cần Thơ 2008, lễ hội này còn là một lễ hội quốc gia nhằm đẩy mạnh đoàn kết, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch của đồng bào Khmer Nam Bộ và các dân tộc anh em. Phóng viên báo Cần Thơ đã phỏng vấn ông Đinh Viết Khanh - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ kiêm Phó Trưởng Ban tổ chức (BTC) Ngày hội xung quanh việc chuẩn bị cho ngày hội này.

* Chỉ còn chưa đến một tháng nữa là khai mạc Ngày hội VH,TT&DL vùng đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ IV. Đến nay, công tác chuẩn bị đã tiến hành tới đâu, thưa ông?

- TP Cần Thơ là đơn vị được Bộ VH,TT&DL giao đăng cai tổ chức Ngày hội VH,TT&DL vùng đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ IV. Từ khi được giao nhiệm vụ, thành phố đã triển khai việc chuẩn bị cho Ngày hội từ khâu tổ chức đến cơ sở vật chất. Với sự chỉ đạo chặt chẽ và hỗ trợ kịp thời của Thành ủy, UBND thành phố và Bộ VH,TT&DL, sự tham gia đầy đủ của các Ban, ngành liên quan, công tác chuẩn bị càng tập trung và khẩn trương. Ban Tổ chức (BTC) đã họp triển khai kế hoạch đến các tiểu ban chuyên môn và phân công nhiệm vụ cụ thể, thường xuyên rà soát tiến độ. Từ ngày 15-11-2008, sẽ bắt đầu cao điểm tuyên truyền, quảng bá về Ngày hội.

Công trình Trung tâm Văn hóa quận Ô Môn- nơi diễn ra các hoạt động chính của Ngày hội- rộng 9,4 ha, được triển khai xây dựng từ đầu năm 2008, đến nay đã cơ bản hoàn thành, đủ điều kiện để phục vụ Ngày hội một cách tốt nhất. Các hạng mục công trình gồm nhà làm việc, nhà triển lãm, nhà chờ diễn, sân lễ... đã cơ bản hoàn thành. Với cơ sở vật chất hiện có, Ngày hội sẽ có những điều kiện tốt để hoạt động. Đơn cử như môn đua ghe ngo được tổ chức tại bờ kè sông Hậu, Khu Liên hợp Thể dục Thể thao TP Cần Thơ- nơi có đủ tiêu chuẩn tổ chức đua ghe trên sông nước.

Trung tâm Văn hóa quận Ô Môn đã sẵn sàng cho lễ hội. Ảnh: LeKa 

Các đoàn về tham dự Ngày hội khá đông, nhất là những đoàn đăng ký đua ghe ngo, nên chúng tôi đã vạch ra nhiều phương án phục vụ một cách chu đáo. BTC đã cho lập danh sách khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ trên địa bàn TP Cần Thơ và thông báo cho các tỉnh, thành có tham dự để các đoàn chủ động liên hệ, sắp xếp. BTC cũng bàn với các chùa, trường học trong vùng để tạo thêm chỗ ăn nghỉ cho các đoàn. Riêng tại điểm chính diễn ra Ngày hội ở quận Ô Môn, BTC đã có 12 phòng tại nhà chờ diễn, 12 phòng làm việc chưa sử dụng có thể phục vụ chỗ nghỉ cho mỗi địa phương từ 50 đến 60 người. Công ty Du lịch Cần Thơ phối hợp với công ty du lịch các tỉnh bạn tổ chức các gian hàng ẩm thực dân tộc theo quan điểm phục vụ là chính với giá cả hết sức hợp lý để các đoàn có thể đảm bảo ăn uống tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm.

* Đây là lần thứ tư Ngày hội VH, TT & DL vùng đồng bào Khmer Nam Bộ được tổ chức. Ngày hội lần này có gì mới, thưa ông?

- Rút kinh nghiệm từ các lần tổ chức trước, TP Cần Thơ xây dựng một chương trình khai mạc có chủ đề nhất quán từ đầu đến cuối. Dựa trên chủ đề “Đặc trưng văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ”, lễ hội sẽ dàn dựng các hình thức nghệ thuật, chương trình khai mạc tập trung vào thể hiện khái quát đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào Khmer Nam Bộ. Chương trình cố gắng tạo ra sự độc đáo, đa dạng, phong phú, giới thiệu một số nét tiêu biểu của các lễ hội cộng đồng, dân gian, dân tộc được minh họa bằng các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc trưng; nhằm nêu bật tình đoàn kết của đồng bào Khmer và các dân tộc anh, em trên vùng đất Nam Bộ: phấn đấu, nỗ lực chung tay, chung sức xây dựng quê hương đổi mới.

Đua ghe ngo- chương trình thể thao được xem là “đinh” của các lễ hội Khmer- lần này, đã được nâng lên thành Giải đua ghe ngo quốc gia do Bộ VH, TT & DL chủ trì, thoát ra tính khu vực như từ trước đến nay. BTC đã lấy địa điểm đua ghe tại bờ kè Sông Hậu, Khu Liên hợp Thể dục Thể thao TP Cần Thơ là địa điểm đua lý tưởng, phù hợp với bộ môn thể thao này.

Một ví dụ khác, ở các lễ hội trước đây, khu ẩm thực Khmer chỉ trưng bày các sản phẩm và phục vụ thực khách. Nhưng lần này, các gian hàng ẩm thực còn có biểu diễn cách nấu nướng bên cạnh phục vụ ăn uống tại chỗ cho khách. Ngoài khu triển lãm của các tỉnh thành trong khu vực, sẽ có một khu triển lãm chung do Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trưng bày, giới thiệu “Đặc trưng văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ trong văn hóa các dân tộc Việt Nam” với nhiều hình ảnh, hiện vật, trang phục, nhạc cụ dân tộc, các sản phẩm văn hóa tiêu biểu của đồng bào Khmer.

* Xin ông cho biết thêm những công việc nào cần tập trung trong thời gian tới để Ngày hội diễn ra suôn sẻ và thành công tốt đẹp?

- Chúng tôi đang tập trung đôn đốc hoàn thiện công trình Trung tâm Văn hóa quận Ô Môn, như: lắp đặt điện, nước, vệ sinh... Bên cạnh đó là việc hoàn chỉnh sân khấu, bố trí lắp đặt gian hàng triển lãm, ẩm thực để bàn giao mặt bằng cho các tỉnh thành tham gia Ngày hội trước ngày 30-11-2008. Bên ngoài là những động thái tập trung tuyên truyền cổ động trực quan cho Ngày hội, như treo pa-nô, băng-rôn... để vào đợt cao điểm từ ngày 28-11-2008. BTC và các tiểu ban chuyên môn tiếp tục đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch, đảm bảo tiến độ thực hiện song song với thông qua nội dung chương trình nghệ thuật của lễ khai mạc, nhắc các địa phương sớm đăng ký các nội dung để hoàn chỉnh lịch hoạt động và thi đấu...

* Theo đánh giá của ông, Ngày hội này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến phát triển đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Khmer Nam Bộ?

- Năm nay, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa của Bộ VH, TT & DL chỉ đạo các địa phương chú trọng và tập trung khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Ngày hội VH,TT&DL vùng đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ IV tại Cần Thơ là sân chơi bổ ích mang đậm bản sắc VH, TT & DL của đồng bào Khmer Nam Bộ và là dịp để đồng bào dân tộc Khmer thi thố tài năng, sở trường, sự hiểu biết, học hỏi và giao lưu giữa đồng bào dân tộc Khmer các tỉnh, thành với nhau; thúc đẩy các hoạt động văn hóa trong đồng bào Khmer phát triển và làm cho các dân tộc cộng cư trên vùng đất Nam Bộ xích lại gần nhau hơn. Ngày hội còn là ngày vui của đồng bào Khmer Nam Bộ với sự hưởng thụ các giá trị tinh thần sau những ngày tháng lao động cực nhọc, làm cho bà con thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đời sống tinh thần, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Khmer nói riêng và cũng để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 68/CT-TW ngày 18-4-1991 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa VI) về công tác đối với đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết V khóa VIII của Ban Chấp hành Trung ương về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội còn giới thiệu với đồng bào cả nước những nét đẹp của văn hóa truyền thống Khmer Nam Bộ, công tác bảo tồn phát triển văn hóa gắn với xây dựng đời sống văn hóa, góp phần phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng và an ninh trong vùng. Ngày hội VH, TT & DL vùng đồng bào Khmer Nam Bộ còn có ý nghĩa phát huy thắng lợi của Năm Du lịch Quốc gia Mekong- Cần Thơ 2008.

* Xin cảm ơn ông!

DUYÊN KHÁNH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết