14/05/2009 - 20:32

Nuôi tôm hùm ở biển Nam Du

Đến lúc này có thể khẳng định vùng biển quần đảo Nam Du (huyện Kiên Hải, Kiên Giang) thích hợp với nuôi tôm hùm khi tỷ lệ hao hụt ở mức thấp hơn. Con tôm hùm “bén duyên” với vùng biển Nam Du mở ra một nghề mới cho vùng biển vốn còn rất trong lành này…

* HƯỚNG MỞ MỚI CHO CƯ DÂN HẢI ĐẢO

Xem một chương trình trên truyền hình giới thiệu về vùng biển trong lành và nghề nuôi lồng bè trên quần đảo Nam Du, anh Bùi Trung Nguyên quyết định mục kích sở thị một chuyến đến vùng biển xa xôi này. Đến đây, anh rất thích thú trước một vùng biển mênh mông, rất hoang sơ, không bị ảnh hưởng bởi một nguồn ô nhiễm nào. Trước nay, vùng biển lý tưởng này chỉ nuôi một số loại cá bốp, mú sao, hải sâm... chứ chưa ai nghĩ đến nuôi một loại hải sản cao cấp như tôm hùm. Điều đó cũng dễ hiểu. Nghề nuôi tôm hùm phát triển ở vùng biển miền Trung, như: Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên... vì vùng biển này có nhiều tôm hùm tự nhiên. Còn vùng biển Nam Du chưa hề xuất hiện dấu vết nào của tôm hùm.

 Nuôi tôm hùm ở Hòn Ông (quần đảo Nam Du, Kiên Giang).

Tôm hùm khai thác tự nhiên ở vùng biển miền Trung được chuyển về “vèo” lại tại thị trấn Sông Cầu-Phú Yên. Đây là nơi phát triển mạnh nghề nuôi này và nguồn nước thích hợp để dưỡng tôm post dài khoảng 2cm. Khi tôm giống đạt trọng lượng khoảng 20g là thời điểm an toàn để vận chuyển đến vùng nuôi khác. Giá bán tôm hùm giống tại Sông Cầu khoảng 220.000 đồng/con, lúc khan hiếm giá lên đến 280.000 đồng/con. Vận chuyển đến quần đảo Nam Du, giá thành con giống hiện là 300.000 đồng/con. Tại đây, nguồn nước trong lành và rộng lớn là môi trường tốt cho tôm hùm phát triển. Nguồn cá mồi dồi dào, rất tươi được bán với giá bằng 1/3 giá bán tại miền Trung, làm giảm giá thành tôm nuôi. Một mùa nuôi tôm hùm kéo dài khoảng 16 tháng. Khi đó tôm đạt loại II, dưới 1kg/con. Nếu kéo dài thời gian nuôi lên 18-20 tháng, tôm vào loại I, từ 1-1,2kg/con. Giá bán khoảng 750.000-900.000 đồng/kg loại II, khoảng 1 triệu đồng/1kg loại I. Tôm hùm vượt trọng lượng 1,2kg/con bị rớt xuống loại II. Vì vậy, tôm thường được thu hoạch trước khi đạt trọng lượng 1kg/con. Loài hải sản này không sợ tồn hàng vì thị trường tiêu thụ rất mạnh tại TPHCM và miền Trung, phục vụ tại các nhà hàng lớn và xuất khẩu.

“Ở Sông Cầu (Phú Yên), nghề nuôi tôm hùm đã xuất hiện nhiều rủi ro như tôm sú ở miền Tây, cần thiết phải thay đổi vùng nuôi. Qua kinh nghiệm nhiều năm nuôi và quá trình thử nghiệm tại vùng biển này, tôi thấy Nam Du rất thích hợp để nuôi thêm con tôm hùm, tăng giá trị thủy sản tại đây”, anh Nguyên cho biết. Vùng nuôi tôm hùm ở Sông Cầu đang báo động về tình trạng ô nhiễm môi trường vùng nuôi. Tỷ lệ hao hụt cao, gây thất thoát trong sản xuất. Thời vàng son của nghề nuôi tôm hùm ở Sông Cầu đã qua đi. Người nuôi tìm đến một vùng nuôi mới. Cuộc “Nam tiến” đã bắt đầu. Bè tôm hùm hàng tỉ đồng nuôi thử nghiệm của anh Nguyên là một minh chứng, hứa hẹn một hướng mở mới cho nghề nuôi hải sản ở đây...

* TÔM SÔNG CẦU “BÉN” BIỂN NAM DU

Tại Hòn Ông thuộc quần đảo Nam Du, 90 lồng nuôi tôm hùm liền kề nhau tạo thành một bè lớn được đóng khá chắc chắn. Khung được đóng bằng cây dầu vuông, bắt bù-loong kỹ lưỡng, có thể chống chọi với điều kiện thất thường của thời tiết. Khu này cách xa những lồng bè nuôi cá của người dân địa phương khoảng 30 phút đi tàu, cách xa đảo có khu dân cư. Tôm hùm giống lớn hơn đầu đũa, sau gần một năm thả nuôi đã đạt trọng lượng hơn nửa kí-lô-gam. Tôm hùm được bảo vệ cẩn thận bằng lớp lưới dày bao quanh; bên trên được đậy bạt chìm dưới mặt nước để tạo không gian sống mát mẻ, không bị ánh nắng soi vào. Kéo thử một lồng lên, tôm hùm trông rất khỏe mạnh, búng nước phóng đi ào ào. Anh Bùi Trung Nguyên, người ở Vũng Tàu vào nuôi tôm hùm ở đây, cho biết: “Tôm hùm phát triển rất tốt. Trong vòng 14-16 tháng, tôm có thể đạt loại II, từ 700g đến dưới 1kg. Tỷ lệ hao hụt rất thấp. Nguồn thực phẩm dồi dào ở đây rất lý tưởng để nuôi loại hải sản khó tính này...”.

Nghề nuôi tôm hùm vừa được khai sinh tại vùng biển này lập tức tạo sự chú ý đối với người dân địa phương. Nhiều người tò mò đến tìm hiểu quy trình nuôi và đầu ra của con tôm hùm. Thấy tôm phát triển tốt, giá cả ổn định và rộng đầu ra, người nuôi hải sản Nam Du cũng ngắm nghé đến loại thủy sản này. Ông Huỳnh Minh Bửu, một hộ nuôi lồng bè ở đây rất nhạy bén với thị trường, cho biết: “Ban đầu, có người nghi ngờ hiệu quả nuôi tôm hùm nơi đây. Nhưng bây giờ đã khác rồi. Nhiều người muốn nuôi lắm. Vốn đầu tư ban đầu khoảng 1 tỉ đồng nằm trong khả năng tài chính của những người nuôi hải sản lâu năm ở Nam Du. Chờ lứa thu hoạch tôm hùm đầu tiên của anh Nguyên, tôi sẽ tính tới việc đầu tư một bè nuôi tại đây...”. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn lo ngại tính bền vững của tôm hùm nếu phát triển nghề nuôi ồ ạt, thiếu quy hoạch và đánh giá tác động môi trường.

Ông Trần Thanh Kiệt, Phó phòng Kinh tế huyện đảo Kiên Hải, cho biết: “Nghề nuôi tôm hùm được xem là hướng mở mới, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương. Tiềm năng về môi trường nuôi của vùng biển này rất lớn, có thể phát triển nghề nuôi trồng thủy sản với quy mô lớn. Điều đó, cần thiết phải có một quy hoạch tổng thể phù hợp với môi trường, vật nuôi đảm bảo tính bền vững. Đó là mục tiêu huyện đang hướng tới để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn này...”.

Bài, ảnh: THÀNH NGUYỄN

Chia sẻ bài viết