12/08/2017 - 15:18

Nước Mỹ trong cơn khủng hoảng nghiện thuốc giảm đau 

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố cuộc khủng hoảng nghiện thuốc giảm đau hiện nay tại nước này là tình trạng khẩn cấp quốc gia, qua đó tạo cơ sở để các  bang và cơ quan liên bang tăng cường nguồn lực và quyền hành để “dập dịch”. 

Tổng thống Trump phát biểu trước báo giới về tình trạng khẩn cấp y tế quốc gia hôm 10-8. Ảnh: Nytimes

Tổng thống Trump phát biểu trước báo giới về tình trạng khẩn cấp y tế quốc gia hôm 10-8. Ảnh: Nytimes

Trong thông cáo chiều 10-8, Nhà Trắng cho biết theo kiến nghị của Ủy ban chống nghiện thuốc và khủng hoảng thuốc giảm đau, Tổng thống Trump đã chỉ thị cho bộ máy chính quyền sử dụng mọi biện pháp thích hợp và các quyền lực khác để giải quyết cuộc khủng hoảng gây ra bởi dịch nghiện thuốc giảm đau.

Hiện 6 bang Alaska, Arizona, Florida, Maryland, Massachusetts và Virginia đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về nghiện thuốc giảm đau.

Vấn đề nghiêm trọng chưa từng thấy

Trước đó, phát biểu trước báo giới tại câu lạc bộ golf  riêng ở thị trấn Bedminster, bang New Jersey sáng 10-8, Tổng thống Mỹ khẳng định: “Cuộc khủng hoảng nghiện thuốc giảm đau là tình trạng khẩn cấp và tôi chính thức nói rằng hiện đúng là tình trạng khẩn cấp quốc gia. Chúng ta sẽ tốn nhiều thời gian, nhiều nỗ lực và tiền của cho cuộc khủng hoảng nghiện thuốc giảm đau. Đây là một vấn đề nghiêm trọng mà chúng ta chưa từng đối mặt”.

Hồi tuần trước, Ủy ban chống nghiện thuốc và khủng hoảng thuốc giảm đau, do Thống đốc bang New Jersey Chris Christie đứng đầu, đã kiến nghị với Tổng thống Trump rằng việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế quốc gia sẽ hỗ trợ kịp thời cho nỗ lực chống khủng hoảng nghiện thuốc giảm đau đang diễn ra.

“Công dân của chúng ta đang chết. Chúng ta phải hành động dũng cảm để ngăn chặn nó. Kiến nghị đầu tiên và khẩn cấp nhất của ủy ban (đối với Tổng thống) là hãy tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm kiểm soát dịch một cách trực tiếp và toàn diện” – ông Chrisrie nhấn mạnh trong báo cáo.

Báo cáo cũng nhấn mạnh: “Dịch nghiện thuốc giảm đau mà chúng ta đang đối mặt là chưa từng có. Mọi công dân Mỹ đều có thể bị sốc khi biết việc dùng thuốc quá liều hiện nay giết chết nhiều người hơn so với các vụ xả súng và tai nạn xe hơi gộp lại”. Năm 2016, theo thống kê của tờ New York Times, nước Mỹ có khoảng 60.000 trường hợp tử vong vì sử dụng quá liều thuốc giảm đau có khả năng gây nghiện, tăng 19% so với năm 2015.

Cuộc khủng hoảng giết người thầm lặng

Tình trạng nghiện thuốc nói chung tại Mỹ đã diễn ra từ nhiều thập niên qua. Cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau bắt đầu từ những năm 1990, khi các tập đoàn dược phẩm thị trường hóa phương thức kê đơn mới và khiến nước Mỹ trở thành nơi tiêu thụ “sát thủ giảm đau” lớn nhất thế giới.

Dù chỉ chiếm 5% dân số thế giới, nước Mỹ lại tiêu thụ đến 80% thuốc giảm đau gây nghiện toàn cầu. Thuốc giảm đau khá phổ biến, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp, tại Mỹ. Theo Cơ quan bài trừ ma túy Mỹ, heroin trên đường phố ở nước này được tìm thấy có chất fentanyl bất hợp pháp. Đây là loại thuốc giảm đau tổng hợp cực mạnh có giá thành sản xuất rẻ hơn heroin.

Theo Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ, số người Mỹ thiệt mạng vì sử dụng thuốc giảm đau quá liều tăng lên gấp 4 lần kể từ năm 1999. Giai đoạn 2000-2015, hơn 500.000 người Mỹ tử vong vì sử dụng thuốc quá liều, trong đó phần lớn là thuốc giảm đau.

Trong số 54.404 người chết vì sử dụng thuốc quá liều năm 2015, có hơn 33.000 trường hợp do lạm dụng thuốc giảm đau. Ước tính hiện có khoảng 2-3 triệu người đang được kê đơn sử dụng heroin hoặc thuốc giảm đau có khả năng gây nghiện tại Mỹ.

Trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2016, ông Trump cam kết sẽ chống lại vấn nạn lạm dụng thuốc giảm đau và giúp người dân Mỹ thoát khỏi tình trạng nghiện thuốc nghiêm trọng. 

Bộ Tư pháp Mỹ mới đây cũng đã truy tố hơn 400 người, bao gồm các bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau có chứa chất gây nghiện. Bộ trưởng Jeff  Sessions hôm 6-8 cảnh báo thêm, nếu một bác sĩ kê thuốc giảm đau gây nghiện để kiếm lời hay một dược sĩ gian lận để thuốc gây nghiện lọt ra ngoài thì họ sẽ bị truy tố. 

Theo Đạo luật chữa bệnh thế kỷ 21 được Quốc hội Mỹ thông qua hồi năm ngoái, chính quyền liên bang Mỹ đang chi 1 tỉ USD giúp các bang điều trị và ngăn ngừa nghiện thuốc giảm đau trong 2 năm. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây là số tiền quá nhỏ, bởi riêng bang Ohio đã chi gần 1 tỉ USD để giải quyết dịch nghiện thuốc giảm đau năm 2016.

ĐỨC TRUNG (Theo WP, CNN, Nytimes)

Chia sẻ bài viết