19/06/2018 - 07:08

Nữ sinh Ấn Độ đứng lên chống nạn tảo hôn 

Rajni Devi rất thích đi học và ấp ủ nhiều hoài bão. Em không muốn giống như những bé gái khác ở Ấn Độ: trở thành cô dâu trẻ em. Không chỉ đấu tranh bảo vệ bản thân, cô gái sống ở làng Fateh Nager (bang Uttar Pradesh) còn giúp nhiều bé gái khác thoát khỏi nạn tảo hôn và truyền cảm hứng cho cộng đồng.

Rajni Devi (giữa) bên cha mẹ. Ảnh: CNN
Rajni Devi (giữa) bên cha mẹ. Ảnh: CNN

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), Ấn Độ có lượng cô dâu trẻ em tuổi từ 10-19 cao nhất thế giới, với khoảng 17 triệu người dù nạn tảo hôn ở Ấn Độ chính thức bị cấm hồi năm 2006. Trong một nỗ lực bảo vệ các cô dâu trẻ, Tòa án Tối cao Ấn Độ hồi đầu năm nay tuyên bố rằng quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên được xem là hành vi hiếp dâm. Dù vậy, tình trạng nghèo đói, mối lo ngại về an ninh... đã khiến nhiều gia đình và các cộng đồng ở Ấn Độ tiếp tục đẩy nhiều bé gái vào tình trạng tảo hôn. Song, Rajni đã chiến đấu hết mình nhằm chống lại vấn nạn này. Em đã bỏ ra nhiều tuần để tranh luận và thuyết phục cha mẹ, thậm chí tuyên bố “thà chết còn hơn kết hôn”. Em đã khéo léo nhắc lại nỗi đau mà mẹ phải chịu đựng lúc bà kết hôn và mang thai khi còn rất trẻ. Cuối cùng, cha mẹ của Rajni cũng phải “chịu thua” em.

 Rajni quyết tâm thay đổi mọi thứ, không chỉ cho bản thân mà còn cho nhiều cô gái khác nữa. Trong những tháng sau đó, Rajni đã chặn đứng 5 cuộc tảo hôn khác trong cộng đồng của mình. Em đã hướng dẫn các cô gái khác tại ngôi làng nhỏ của mình cách trò chuyện và thuyết phục cha mẹ họ. 

 Rajni nói rằng sở dĩ gia đình em muốn em kết hôn sớm vì họ quá nghèo. “Tình hình tài chính của gia đình em rất tệ. Nếu em học càng cao, em càng lớn thì của hồi môn càng nhiều” – Rajni buồn bã nói. Đến nay, Ấn Độ vẫn còn tồn tại tục trao của hồi môn. Theo đó, gia đình cô dâu phải trao cho gia đình chú rể một số tiền nhất định. Tục này hiện vẫn phổ biến rộng rãi dù đã bị cấm.

Một lý do nữa khiến các cô gái buộc phải lấy chồng khi còn rất nhỏ là vấn đề về danh dự. Khi một cô gái càng lớn tuổi thì càng nhiều người trong làng lo lắng rằng cô sẽ khiến cho gia đình bị bẽ mặt hoặc xấu hổ.

Đến nay, khi đã 18 tuổi, Rajni đã giúp hầu hết các bé gái trong làng tiếp tục đến trường và tránh được nạn tảo hôn. Em đang là trưởng nhóm chống nạn tảo hôn với sự tham gia của hơn 20 cô gái trong làng và đã giành được nhiều giải thưởng cho những nỗ lực của mình. Đơn cử, Rajni gần đây được trao Học bổng Girl Icon, một phần thưởng của tổ chức phi lợi nhuận Milaan Foundation dành tặng những cô gái tuổi teen có nỗ lực làm thay đổi cộng đồng.

Không chỉ tại Ấn Độ, nhiều nơi khác trên thế giới cũng đang xảy ra tình trạng tảo hôn. “Hơn một nửa số cô gái ở những gia đình nghèo nhất tại các nước đang phát triển buộc phải kết hôn từ rất sớm. Ở những nơi đói nghèo, gia đình và đôi khi các cô gái tin rằng chỉ hôn nhân mới là giải pháp để đảm bảo tương lai của họ. Việc gả con gái sớm sẽ giúp các bậc phụ huynh giảm bớt gánh nặng gia đình khi mà giảm một miệng ăn, giảm chi phí dành cho việc học hành của con cái” - Shipra Jha, giám đốc chi nhánh châu Á của tổ chức Girls Not Brides (Anh), giải thích.

Theo Dhuwarakha Sriram, chuyên gia bảo vệ trẻ em của UNICEF, tác động của tảo hôn có thể ảnh hưởng đến mọi khía cạnh đời sống của một cô gái, từ quyền lợi kinh tế đến sức khỏe, khả năng sinh sản, thành tích học tập cũng như khả năng lao động. Bà Sriram cho rằng việc sinh con trên cơ thể chưa phát triển đầy đủ có thể gây nguy hiểm cho cả người mẹ và em bé. Một thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, tỷ lệ tử vong ở những trẻ do các bà mẹ thiếu niên sinh ra lên tới trên 50% và các biến chứng liên quan đến thai kỳ là nguyên nhân gây tử vong thứ hai cho các phụ nữ từ 15-19 tuổi.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết