24/06/2017 - 17:21

Nữ quyền trên màn ảnh

2017 được xem là năm trỗi dậy mạnh mẽ của làn sóng nữ quyền trên màn ảnh. Các thông điệp, đề tài về nữ giới được xây dựng như những người tiên phong, đấu tranh cho các vấn đề chính trị, xã hội... được công chúng đón nhận.

Cú đột phá của "Wonder Woman"

"Wonder Woman"- phim siêu anh hùng đầu tiên về một nữ nhân vật, do đạo diễn nữ chỉ đạo, bất ngờ thành công vang dội và ghi nhiều kỷ lục trong lịch sử điện ảnh. Ra mắt vào đầu tháng 6-2017, "Wonder Woman" mang về trên 100 triệu USD tại thị trường Bắc Mỹ trong tuần đầu tiên, giúp phim tạo kỷ lục có doanh thu mở màn cao nhất do một đạo diễn nữ chỉ đạo (thành tích trước đây thuộc về phim tâm lý tình cảm "Fifty Shades of Grey" (2015) với 85,2 triệu USD). Có kinh phí đầu tư khoảng 149 triệu USD, "Wonder Woman" hiện đang mang về đến 583 triệu USD, trở thành phim có doanh thu cao thứ sáu năm 2017.

 

Giới chuyên môn đánh giá phim khá cao. Trang IMDb cho điểm số 8.3, còn Rotten Tomatoes có đến 93% điểm tích cực, đưa "Wonder Woman" trở thành phim siêu anh hùng có đánh giá chuyên môn cao nhất từ trước đến nay (vượt qua "Batman Begins (2005), "The Dark Knight" (2008), "The Dark Knight Rises" (2012) của đạo diễn lừng danh Christopher Nolan). Đề tài và tài năng của đội ngũ là yếu tố chính giúp "Wonder Woman" thành công. Phim khắc họa sắc nét những hình mẫu phụ nữ mạnh mẽ và độc lập. Đó là Diana- nàng công chúa từ biệt quê nhà yên bình để dấn thân vào cuộc chiến vì niềm tin; nữ hoàng Hippolyta, mẹ của Diana, yêu thương con bằng sự cứng rắn của nữ vương và sự nuông chiều thầm lặng của người mẹ; nữ tướng Antiope đánh đổi sinh mệnh để Diana trưởng thành.

Sự kết hợp của đạo diễn Patty Jenkins và ngôi sao Gal Gadot mang đến cái nhìn khác về nữ giới trong công nghiệp điện ảnh. Paul Dergarabedian- phân tích viên cấp cao tại ComScore, nói: "Thành công của "Wonder Woman" tạo bước ngoặt lớn, đánh dấu thành tựu lớn của những nhà làm phim nữ, phá vỡ quan niệm phụ nữ không phù hợp với phim siêu anh hùng và cần đầu tư ngân sách lớn". Cả Gal Gadot- nữ diễn viên đảm nhận vai chính Diana và đạo diễn Patty Jenkins đều không được ủng hộ ngay từ khi dự án khởi động. Nhưng Gal Gadot bằng sự kiên trì và bản lĩnh đã hóa thân công chúa Diana- chiến binh mạnh mẽ, thông minh. Còn Patty Jenkins chứng minh rằng góc nhìn và tài năng của bà không thua kém nam đạo diễn. "Wonder Woman" cho thấy một ê-kíp với những người phụ nữ có thể làm nên phim bom tấn, mở đường cho nữ giới tiến vào sân chơi vốn chỉ dành cho các nhà làm phim nam. Cathy Schulman- Chủ tịch Hiệp hội Phụ nữ trong điện ảnh (Woman in Film- WIF), nhấn mạnh: "Đây là bước tiến lớn. 7 năm trước, khi thành Chủ tịch của WIF tôi không thấy bài báo nào khai thác vấn đề giới tính ở các ấn phẩm Hollywood. Vậy mà giờ, "Wonder Woman" như tấm gương phi thường của một phong trào đang lớn mạnh".

Nữ quyền tràn ngập màn ảnh

Hollywood có nhiều tác phẩm khai thác đề tài nữ giới, tạo nên xu hướng và đưa 2017 trở thành năm có nhiều đột phá trong đấu tranh nữ quyền. Đơn cử là thành công của "The Crown"- loạt phim truyền hình của Netflix, xoay quanh cuộc đời của Nữ hoàng Elizabeth II từ thời điểm bà chính thức lên xe hoa vào năm 1947. "The Crown" được đầu tư kinh phí 130 triệu USD cho 10 tập phim mùa đầu, là phim truyền hình đầu tư đắt đỏ nhất trong lịch sử, dù đề tài về nữ giới khó ăn khách. Ted Sarandos- Giám đốc nội dung của hãng Netflix, nói: "Ai cũng biết về nữ hoàng, song không phải ai cũng rõ về cuộc đời của bà. Chúng tôi muốn làm điều gì đó chân thật và "The Crown" đánh trúng tâm lý khán giả, tìm thấy đồng cảm". Phim làm hài lòng người xem từ kịch bản, phục trang, bối cảnh cho tới diễn xuất; chiến thắng Phim truyền hình xuất sắc nhất tại Quả cầu vàng 2017. Mùa thứ hai của "The Crown" đang được khán giả trông đợi khi lên sóng vào tháng 11 tới.

"The Beguiled" của nữ đạo diễn Sofia Coppola cũng được chú ý tại LHP Cannes 2017. Lấy đề tài về nữ giới trong thời chiến, "The Beguiled" mang về cho Sofia Coppola chiến thắng Đạo diễn xuất sắc nhất, trở thành nữ đạo diễn thứ hai trong lịch sử được nhận giải thưởng này (sau nữ đạo diễn Yuliya Solnsteva). Cannes năm nay cũng ghi nhận nhiều thay đổi khi có đến 12 phim của nữ đạo diễn tranh giải và trình chiếu, tăng 3 phim so với năm 2016. Trong đó, có 3 nữ đạo diễn có tác phẩm đề cử Cành cọ vàng: "The Beguiled" của nữ đạo diễn Mỹ Sofia Coppola, "You Were Never Really Here" của nữ đạo diễn Ireland Lynne Ramsay và "Hiraki" của nữ đạo diễn Nhật Naomi Kawase. Ngoài Sofia Coppola có giải, Lynne Ramsay cũng mang về chiến thắng Kịch bản xuất sắc nhất.

Tại Cannes 2017 còn ghi nhận nhiều gương mặt nữ nổi bật: Léonor Serraille- nữ đạo diễn đoạt giải Camera vàng cho phim đầu tay; Nicole Kidman trở thành diễn viên đầu tiên được nhận Cành cọ vàng đặc biệt. Cùng với Nicole Kidman, người đẹp Isabelle Huppert, Julia Roberts, Emma Watson đều là những gương mặt nổi bật với tuyên ngôn về nữ quyền qua các dự án phim, những sự kiện điện ảnh. Đến với Cannes 2017, Isabelle Huppert góp mặt trong hai tác phẩm "Claire’s Camera" và "Happy End" và phát biểu: "Thông điệp của nữ giới được lắng nghe, nhưng các bất cập vẫn còn. Phụ nữ cần được tạo điều kiện để làm những bộ phim hay, bom tấn". Chưa dừng lại ở đó, nhiều tác phẩm thu hút khán giả hiện nay, như: "Stranger Things", "Westworld", "Game of Thrones", "The Mummy", "Beauty and the Beast"… đều có những nhân vật nữ nổi bật, cá tính.

Trong ngành công nghiệp điện ảnh, nữ giới có vị trí nhất định, chỉ cần được trao cơ hội, họ sẽ làm nên những câu chuyện với những cung bậc cảm xúc, phong vị riêng.

BẢO LAM
(Tổng hợp từ Nytimes, Business Insider, The Wrap)

Chia sẻ bài viết