11/12/2017 - 21:49

Nông thôn TP Cần Thơ qua số liệu Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016
Kỳ 2: Nâng cao chất lượng cuộc sống nông thôn 

Kết quả Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 TP Cần Thơ (Tổng điều tra), giai đoạn 2011-2016, hệ thống chợ, nước sạch vệ sinh môi trường, mạng lưới khuyến nông, khuyến ngư và chế độ chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Nhờ đó, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống khu vực nông thôn của thành phố.

Chợ nông thôn có vai trò quan trọng trong phát triển nền kinh tế hàng hóa, nơi trao đổi sản phẩm giữa các vùng và trong nội bộ người dân trên địa bàn. Hiệu quả hoạt động của hệ thống chợ góp phần đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Qua số liệu Tổng điều tra, thành phố có 24/36 xã có chợ, với 45 chợ đang hoạt động nằm trên địa bàn 46 ấp; trong đó có 29 chợ được xây dựng kiên cố, bán kiên cố. Thành phố có 325 điểm/cửa hàng kinh doanh của người dân ở vùng nông thôn cung cấp giống, vật tư, nguyên liệu cho sản xuất nông thủy sản trên địa bàn của 32 xã (năm 2011 là 280 điểm/cửa hàng của 23 xã); có 26/36 xã với 281 điểm/cửa hàng thu mua sản phẩm nông nghiệp, thủy sản của nông dân (năm 2011 là 23/36 xã, 256 cơ sở). Sự phát triển số lượng các điểm, cửa hàng kinh doanh và thu mua sản phẩm giúp tiêu thụ nông sản được nhanh, tiện lợi, không phải vận chuyển đến các chợ đầu mối ở xa, hoặc lệ thuộc nhiều vào thu mua của thương lái.

Nông dân TP Cần Thơ thu, gom, tập kết bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật trong khuôn khổ Chiến dịch “Môi trường sạch - Cuộc sống xanh”. Ảnh: QUANG ĐĂNG

Nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn luôn là vấn đề bức xúc của người dân. Vì vậy, thời gian qua, vấn đề này được sự quan tâm của các ngành hữu quan thành phố. Kết quả Tổng điều tra, toàn thành phố có 35/36 xã có công trình cấp nước tập trung, phân bố trên địa bàn của 148/291 ấp với 194 công trình (đang hoạt động là 181 công trình). Hệ thống này đảm bảo nước sạch cho hơn 63.710 hộ sử dụng, chiếm 64,22% tổng số hộ nông thôn.

Những năm gần đây, các hoạt động nông nghiệp cùng với những hoạt động dịch vụ, sinh hoạt dẫn đến tình trạng môi trường nước bị ô nhiễm. Nguyên nhân gây ra từ nhiều nguồn khác nhau, như: trong sản xuất nông nghiệp, do lượng dư thừa các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hòa tan vào các nguồn nước ở sông, hồ, kênh, mương; việc sử dụng nhiều và không đúng cách trong nuôi trồng thủy sản khiến thức ăn thừa lắng xuống đáy ao, mương, lòng sông làm cho môi trường nước bị ô nhiễm các chất hữu cơ; nước thải và chất thải từ các cơ sở hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; rác thải, chất thải chưa xử lý của người dân vứt vào môi trường…Trước tình hình ô nhiễm môi trường nông thôn, chú trọng bảo vệ môi trường, xanh, sạch, đẹp được chính quyền các cấp quan tâm, nhiều thông tin được tuyên truyền trên phương tiện thông tin về tác hại của sự ô nhiễm môi trường cùng các biện pháp ngăn ngừa phổ biến sâu rộng đến người dân. Nhờ đó, thành phố đã có 20/36 xã xây hệ thống nước thải chung; 23 ấp có hệ thống thoát nước thải chung. Thành phố có 30/36 xã có tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt ở 117 ấp, với hình thức chủ yếu là chuyển đến nơi khác để xử lý chiếm trên 60% (năm 2011 có 13/36 xã có xây hệ thống nước thải chung; 51 ấp ở 19 xã đã có tổ chức/thuê thu gom rác thải sinh hoạt từ các hộ, hình thức xử lý chủ yếu là chuyển đến nơi tập trung để xử lý chiếm 61%). Có 18/36 xã có điểm để thu gom chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật và 83,33% được xử lý bằng hình thức đốt hoặc chuyển đến nơi khác xử lý (15/18 xã). Với các hình thức xử lý trên đã góp phần cải thiện và giảm thiểu phần nào sự ô nhiễm môi trường nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nhiều hơn.

Trợ lực cho nông dân, 100% xã của thành phố có cán bộ khuyến nông, khuyến ngư. Đây là lực lượng có trình độ chuyên môn, kỹ thuật được đào tạo qua trường lớp; phổ biến, hướng dẫn các tiến bộ khoa học- kỹ thuật cho nông dân để áp dụng vào trong quá trình canh tác. Đồng thời, tập huấn, đào tạo nông dân về kiến thức, kỹ năng và các hoạt động cung ứng dịch vụ, hỗ trợ nông dân sản xuất đạt hiệu quả cao. Đây cũng chính là lực lượng đồng hành với nông dân bám sát đồng ruộng, theo dõi dịch bệnh, xử lý kịp thời ngăn chặn không để bùng phát thành dịch gây thiệt hại trên diện rộng, hạn chế thấp nhất những rủi ro, tổn thất đến thành quả sản xuất. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn.

QUANG ĐĂNG

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết