10/12/2017 - 15:29

Nông thôn TP Cần Thơ qua số liệu Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 

Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản (gọi tắt là Tổng điều tra nông nghiệp) nằm trong Chương trình điều tra quốc gia, tiến hành theo chu kỳ 5 năm/lần. Năm 2016, lần thứ 5, Tổng điều tra được tổ chức trên phạm vi cả nước. Phạm vi của Tổng điều tra bao gồm toàn bộ các hộ ở nông thôn và các hộ có tham gia hoạt động nông, lâm nghiệp và thủy sản ở thành thị, các trang trại, UBND các xã và điều tra chọn mẫu đối với các hộ ở nông thôn nhằm phục vụ nghiên cứu chuyên sâu. Kết quả Tổng điều tra năm 2016 ở TP Cần Thơ cho thấy: bức tranh toàn cảnh về nông thôn, nông nghiệp, nông dân của TP Cần Thơ đã có những thay đổi theo hướng tích cực và khá toàn diện.

Từ số báo hôm nay, Báo Cần Thơ khởi đăng những kết quả nổi bật của cuộc Tổng điều tra năm 2016 ở TP Cần Thơ.

Kỳ 1: Điện, đường, trường, trạm được quan tâm đầu tư

Kết quả Tổng điều tra năm 2016, cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn thành phố được đầu tư, phát triển. Việc đầu tư 4 yếu tố cơ bản như: điện, đường, trường, trạm trên địa bàn xã có nhiều thành tựu, tạo điều kiện thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Một góc đường giao thông nông thôn ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.

Theo Kết quả Tổng điều tra năm 2016, toàn thành phố có tất cả 291 ấp của 36 xã đã có điện lưới quốc gia. Nhờ đó, hỗ trợ người dân vùng nông thôn có điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, chế biến và ngành nghề dịch vụ nông thôn; cải thiện sinh hoạt đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần. Đồng thời, giúp người dân hưởng sự công bằng hơn so với khu vực thành thị về giá điện, chất lượng điện, chất lượng phục vụ; góp phần thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Đến nay, 36/36 xã của thành phố có đường xe ô tô từ trụ sở UBND huyện đến trụ sở UBND xã được nhựa hóa; 156 ấp có đường xe ô tô đi đến được trụ sở UBND xã. Số liệu tương ứng của năm 2011 là: 31 xã và 115 ấp. Hệ thống đường giao thông bộ nối liền xã - ấp, hoặc ấp - ấp cũng được các ngành hữu quan thành phố chú ý đầu tư nâng cấp bê tông hóa hoặc nhựa hóa,  tạo vẻ mỹ quan cho vùng nông thôn.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục của Chính phủ, hệ thống trường học các cấp ở nông thôn đạt được những kết quả đáng khích lệ về mức độ xây dựng và chất lượng, nhất là trong xây dựng trường chuẩn quốc gia theo hướng hiện đại hóa về cơ sở vật chất, về công tác quản lý, tổ chức dạy và học để đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện. Kết quả Tổng Điều tra năm 2016, tất cả 36 xã của thành phố có trường tiểu học; trong đó, 100% trường được xây dựng kiên cố, bán kiên cố, 26/81 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm 32,1% (các số liệu tương ứng năm 2011 là: 36/36; 100%; 7/79 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 08,86%). 26/36 xã có trường THCS, 100% trường được xây dựng kiên cố, có 5/28 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm 17,86% (năm 2011 là: 25 xã, 62,96%; 3/27 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 11,11%). 5/36 xã có trường THPT, 100% trường được xây dựng kiên cố, bán kiên cố; có 1 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm 20% (năm 2011 có 2 trường của 2 xã và được xây dựng kiên cố, bán kiên cố; chưa có trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia). 107/291 ấp của thành phố có trường, lớp mẫu giáo; trong đó, 3 ấp có lớp mẫu giáo do tư nhân xây dựng (năm 2011 là: 114 ấp và 3 ấp); 100% trường xây dựng kiên cố, bán kiên cố; 29/64 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm 45,3% (năm 2011 là: 92,85%; 6/56 trường đạt chuẩn quốc gia).

Tất cả các xã của thành phố đã có trạm y tế, 100% trạm được xây dựng kiên cố, bán kiên cố; 36/36 xã đã được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã (năm 2011 có 31 xã). 36 trạm y tế xã có phân loại rác thải y tế theo quy định của ngành và trên 75% áp dụng phương pháp xử lý đốt ở những lò chuyên dụng để đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường. Nguồn nhân lực y tế được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, tăng cường cho tuyến xã; 20 xã có phòng khám bệnh tư nhân với tổng số cơ sở  là 42 cơ sở (năm 2011 là 18 xã và 31 cơ sở); có 31 xã có cơ sở kinh doanh thuốc tây với tổng số 162 cơ sở, trong đó 32 cơ sở kinh doanh thuốc tây đạt tiêu chuẩn GPP (năm 2011 là: 29 xã, 129 cơ sở và 5 cơ sở).

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: Quang Đăng

Chia sẻ bài viết