22/11/2016 - 20:36

Đồng bằng sông Cửu Long

Nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang gây nhiều tác động tiêu cực cho sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL. Để bảo vệ và phát triển sản xuất nông nghiệp trong tình hình hiện nay, đòi hỏi các địa phương vùng ĐBSCL cần quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp để ứng phó hiệu quả, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp…

Nhiều tác động xấu đến sản xuất

Thời gian qua, nông dân tại nhiều quận, huyện ở TP Cần Thơ đã nâng cao được hiệu quả sản xuất trong điều kiện nắng hạn nhờ luân canh sản xuất 2 lúa – 1 mè (vụ xuân hè hay còn gọi hè thu sớm). Trong ảnh: Thu hoạch mè trồng trên nền đất lúa ở xã
Trường Thành, huyện Thới Lai. 

Theo Viện nghiên cứu BĐKH, Đại học Cần Thơ, vùng ĐBSCL nằm ở cuối dòng chảy của sông Mekong trước khi đổ ra Biển Đông và một phần nhỏ ra Vịnh Thái Lan. Đây là một vùng đất thấp và bằng phẳng, cao độ trung bình phổ biến ở nhiều nơi từ 1-2m so với mực nước biển, được bồi tụ bởi phù sa của sông Mekong. Qua các phân tích và phỏng đoán các tác động của nước biển dâng, Ủy ban Liên Chính phủ về BĐKH (IPCC) xác định đây là 1 trong 3 vùng đồng bằng được xếp trong nhóm cực kỳ nguy cơ do BĐKH và nước biển dâng. Rủi ro ở ĐBSCL bao gồm cả hạn hán và lũ lụt sẽ tăng với các trận mưa cường độ cao và các ngày hạn kéo dài. Bình quân vào mùa mưa, lưu lượng lũ cao nhất khoảng 139.000 m3/giây gây ngập từ 1,2-1,9 triệu ha đất. BĐKH cũng làm thay đổi điều kiện sinh sống các loại sinh vật, dẫn đến tình trạng biến mất của một số loài và ngược lại xuất hiện nguy cơ gia tăng các loài thiên địch. Hiện nay, nông dân trong vùng vừa chịu tác động của lũ thượng nguồn vào mùa mưa, vừa chịu tác động của sự xâm nhập mặn vào mùa khô và các tác động do diễn biến thời tiết cực đoan và sâu bệnh gia tăng.

ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất lúa đóng góp rất lớn cho an ninh lương thực thế giới và trong nước. Cùng với sự phát triển của hệ thống thủy nông sử dụng nước ngọt tưới trong mùa khô, các giống lúa cao sản đã được đưa vào sản xuất làm cho canh tác lúa trở lên thuận lợi và năng suất, sản lượng lúa cũng được tăng cao nhờ thâm canh, sản xuất nhiều vụ lúa trong năm. Tuy nhiên, sự suy giảm năng suất và sản lượng của lúa đã bắt đầu xảy ra trong những thập kỷ qua do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có BĐKH. Đặc biệt, nước biển dâng và dòng chảy từ sông Mekong bị suy giảm mạnh vào mùa khô (do tác động của BĐKH, các đập thủy điện và hoạt động của con người ở thượng nguồn) đã làm mặn xâm nhập sâu vào nội địa. Trước đây, thường diện tích bị nhiễm mặn trong mùa khô khoảng hơn 300 ngàn ha, nhưng những năm gần đây có năm tăng lên gấp đôi (tức khoảng gần 20% diện tích đồng bằng). Do đó, các vùng trồng lúa bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là năng suất và sản lượng bị giảm do cây lúa nhạy cảm với độ mặn trong đất và nước.

Ứng phó ra sao?

Nông dân ĐBSCL đã tìm ra nhiều phương pháp khác nhau để sống thích nghi với lũ, bảo vệ được mùa màng, tài sản và cũng khai thác được các nguồn lợi mang lại từ lũ. Quan điểm "sống chung với lũ" đã trở nên khá quen thuộc đối với người dân tại nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Hiện nay, nông dân tại nhiều địa phương cũng đang tìm cách "sống chung với hạn mặn" và chuyển dần qua cách sống và sản xuất nông nghiệp phù hợp với hoàn cảnh mới dưới điều kiện khí hậu ngày một thay đổi nhanh hơn. Đồng thời, các cấp chính quyền ở địa phương và Trung ương cũng đang tích cực hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất cho phù hợp với tình hình mới cũng như nghiên cứu, phát triển các giống lúa, cây trồng vật nuôi và mô hình sản xuất có khả năng chống chịu cao với hạn mặn và các yếu tố thời tiết bất lợi.

Theo giáo sư, tiến sĩ Lê Quang Trí, nông dân tại ĐBSCL đã chủ động chuyển từ sản xuất 3 vụ lúa sang 2 lúa-1 màu hay 1 lúa -2 màu hoặc từ 2 lúa ở các vùng ven biển sang 1 lúa-1 thủy sản để giảm tác động xấu của tình trạng hạn mặn thiếu nước sản xuất trong mùa khô. Người dân tại nhiều địa phương cũng chủ động xây dựng các tuyến đê biển ngăn mặn (như ở Cà Mau) hay tăng cường tích trữ nước mưa như ở Bến Tre… Bằng cách này hay cách khác, người dân tại các địa phương vùng ĐBSCL đã có sự thay đổi để thích ứng với BĐKH. Tuy nhiên, cách làm còn mang tính riêng lẻ, chưa đồng bộ giữa các địa phương và các hộ dân. Do vậy, đòi hỏi Nhà nước cần xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ và khuyến khích thực hiện, cũng như tiếp tục nâng cao nhận thức và hành động của tất cả các bên liên quan để có giải pháp ứng phó BĐKH và sự suy giảm nguồn nước từ sông Mekong một cách đồng bộ, với sự gắn kết chặt giữa các địa phương vùng ĐBSCL. Chú ý cân nhắc, lựa chọn cả các giải pháp công trình và phi công trình để tối ưu nhất hiệu quả.

Vùng ĐBSCL có diện tích gần 4 triệu ha, trong đó có trên 2,4 triệu ha đất canh tác nông nghiệp và gần 700 ngàn ha đất nuôi trồng thủy sản. ĐBSCL cũng là vùng sản xuất nông nghiệp chủ lực của cả nước, đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và cung cấp nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu. Hằng năm, nơi đây cung cấp hơn  50% sản lượng gạo và đóng góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước, đồng thời cung cấp hơn 60% lượng thủy sản và hơn 70% lượng trái cây của cả nước. Tuy nhiên, ĐBSCL được đánh giá là 1 trong những vùng đồng bằng dễ bị tổn thương nhất bởi BĐKH và nước biển dâng do có địa hình trũng thấp và có nhiều diện tích tiếp giáp biển.

Ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên Chuyên trách, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, cũng cho rằng: Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp ở ĐBSCL thích ứng BĐKH và tăng cường liên kết vùng để chủ động hội nhập quốc tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vấn đề này cần được nhận thức đúng trên cơ sở nghiên cứu thấu đáo về lý luận, đối chiếu với thực tiễn, định hướng chính sách để tổ chức quán triệt, chỉ đạo triển khai một cách đồng bộ, thiết thực và hiệu quả hơn, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và trù phú cho vùng ĐBSCL.

Nhiều doanh nghiệp tại ĐBSCL cũng đã chủ động liên kết với các nhà khoa học và nông dân để nghiên cứu, đưa vào ứng dụng nhiều giống cây trồng vật nuôi mới gắn phát triển các mô hình liên kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đáng chú ý là mô hình "cánh đồng lớn" trong sản xuất lúa và các liên kết trong sản xuất cây ăn trái và chăn nuôi mà Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời và nhiều doanh nghiệp đã thực hiện thời gian qua. Cách làm này đã phát huy hiệu quả rất tích cực cần được tiếp tục nhân rộng, phát triển trong thời gian tới để nền nông nghiệp nước ta có thể thích ứng tốt với BĐKH và chủ động hội nhập quốc tế.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết