06/02/2015 - 16:14

Nông nghiệp đô thị xanh

MINH HUYỀN

Theo phân vùng chuyển đổi đất nông nghiệp, TP Cần Thơ chia thành 4 tiểu vùng nông nghiệp sinh thái gồm Tiểu vùng nông nghiệp sinh thái cù lao trên các cồn Tân Lộc, cồn Sơn, cồn Ấu, Tiểu vùng nông nghiệp sinh thái đô thị mới ở Thốt Nốt, Ô Môn, Tiểu vùng nông nghiệp sinh thái đô thị khu trung tâm ở Bình Thủy, Ninh Kiều và Cái Răng, Tiểu vùng nông nghiệp sinh thái đô thị miệt vườn ở huyện Phong Điền và huyện Thới Lai. Đô thị Cần Thơ ngày một phát triển, ngành nông nghiệp thành phố cũng từng bước chuyển mình theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái…

Dáng dấp những nông dân đô thị

Ông Huỳnh Thanh Cần, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoa kiểng Phó Thọ-Bà Bộ, phường Long Tuyền vừa chăm sóc những chậu hoa cát tường, cúc đồng tiền, dâu tây chuẩn bị dịp Tết Ất Mùi vừa tâm sự về ngày đầu khởi nghiệp: “Cần Thơ được mệnh danh là thủ phủ Tây Đô, dân cư tập trung đông đúc, nhiều doanh nghiệp ra đời. Đô thị phát triển, nhu cầu thưởng thức cái đẹp của người dân cũng tăng lên. Nghĩ thế nên tôi quyết định về cải tạo vườn tạp thành vườn trồng hoa và ươm nuôi cây cấy mô để cung cấp giống hoa cho bà con vừa phục vụ nhu cầu trồng hoa của gia đình”. Cuối năm 2012, ông đầu tư xây dựng Vườn ươm nuôi cây cấy mô với diện tích 500m2 từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ TP Cần Thơ. Chỉ tính riêng năm 2014, ông cung cấp 85.000 cây hoa giống nuôi cấy mô ra thị trường và “bỏ túi” vài chục triệu đồng. Ông cũng giữ lại gần 5.000 cây giống để tiếp tục chăm sóc chờ bán vào dịp Tết. Đây mới là nguồn mang lại lợi nhuận nhiều nhất cho gia đình, vì theo tính toán, nguồn thu nhập sau mỗi vụ hoa Tết không dưới 200 triệu đồng.

  Ông Huỳnh Thanh Cần chăm sóc những giỏ hoa chuẩn bị bán trong dịp Tết Ất Mùi.

Nhắc về cái hồi còn chưa xa khi quận Bình Thủy vừa thành lập và chia tách năm 2004, bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Trưởng phòng Kinh tế quận Bình Thủy, chia sẻ: “Khi trở thành 1 trong 3 quận trung tâm của TP Cần Thơ, dáng dấp nông thôn của Bình Thủy vẫn còn đậm nét lắm! Bà con nông dân mình trồng lúa là chính chứ chưa vô hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất lúa, canh tác rau màu, cây ăn trái, hoa kiểng như bây giờ. Nay nông dân quận Bình Thủy rất tiến bộ, nhiệt tình tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chú trọng chọn những giống cải tiến và canh tác theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường. Cùng với sự phát triển của đô thị, không ít nông dân đã năng động chuyển sang những mô hình canh tác phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Tuyến đường Nguyễn Văn Cừ nối dài rộng đẹp rút ngắn khoảng cách từ đô thị trung tâm Ninh Kiều đến Tỉnh lộ 923 ven dòng kênh xáng Xà No vào thị trấn Phong Điền. Theo quy hoạch của thành phố, Phong Điền thuộc Tiểu vùng nông nghiệp sinh thái đô thị miệt vườn. Những vườn cây ăn trái đặc sản, chuyên canh, trĩu trịt những mùa trái ngọt là niềm tự hào riêng có của người dân địa phương. Nhờ tập trung phát triển vườn cây ăn trái đặc sản, chuyên canh nên thu nhập của nhà vườn trên địa bàn huyện trung bình từ 150-200 triệu đồng/năm, cá biệt có những hộ thu nhập từ 300-400 triệu đồng/năm. Đối với những nhà vườn khai thác, phát triển mô hình du lịch sinh thái, mức thu nhập có thể tăng thêm so với vườn chuyên canh từ 1,5- 2 lần.

Đến vườn du lịch sinh thái Vàm Xáng tại thị trấn Phong Điền, chúng tôi gặp chú Năm Liền, một lão nông chuyên sống bằng nghề làm vườn trên 20 năm. Từ tháng 4-2013, chú Năm đã mạnh dạn chuyển sang làm du lịch sinh thái vườn để phục vụ du khách trong và ngoài nước. Mức độ “chịu chơi” của người nông dân này là đầu tư tiền tỉ để cải tạo 2,5ha vườn thành khu du lịch sinh thái và bỏ ra gần trăm triệu đồng sắm 30 chiếc xe đạp loại tốt phục vụ khách nước ngoài khi họ đến tham quan vườn nhà cùng các điểm vườn khác và các điểm vệ tinh lân cận là các hộ chuyên làm nghề mộc, thợ rèn, bầu cải… Vào các đợt cao điểm lễ tết hay mùa cây cho trái tập trung, vườn của chú có thể tiếp đón khoảng 1.000 lượt khách tham quan/tháng. Nói về việc chuyển đổi mô hình này, chú Năm Liền chia sẻ: Theo chủ trương chung của huyện và TP Cần Thơ về chuyển đổi mô hình kinh tế sang nông nghiệp đô thị, UBND huyện kết hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố đến khảo sát vườn cây ăn trái của gia đình đã vận động, hỗ trợ phát triển thành vườn du lịch sinh thái Vàm Xáng. Mặc dù chi phí đầu tư phát triển vườn du lịch khá lớn, song nhờ tiếp đón lượng khách du lịch ổn định nên đầu ra nông sản không còn bấp bênh như trước. Khi du khách đến tham quan vườn và các điểm vệ tinh lân cận cũng góp phần tạo việc làm cho các hộ nông nhàn, tăng thêm thu nhập cho các điểm vệ tinh. Đây cũng là điều kiện để người dân Phong Điền có thể giao lưu văn hóa với du khách đến từ nhiều vùng miền trong và ngoài nước…

Vì nền nông nghiệp xanh

Đối với TP Cần Thơ, nông nghiệp đô thị được áp dụng cho vùng ven với tốc độ đô thị hóa cao, đất nông nghiệp giảm mạnh, lao động nông nghiệp vẫn còn cao. Việc phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị tiêu biểu phải đảm bảo phù hợp với điều kiện vốn, đất đai, kỹ thuật, thị trường… của nông hộ với các mô hình như trồng hoa cảnh, nuôi cá cảnh, động vật đặc sản, nuôi cấy mô giống cây các loại, trồng nấm cao cấp… Theo đó, nông dân sản xuất các nông sản hàng hóa dựa vào các vùng đất và mặt nước nằm xen kẽ, rải rác trong các khu đô thị và trong các vùng ngoại ô của đô thị. Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, nông nghiệp đô thị sinh thái có thể được hiểu là sự kết hợp hài hòa giữa nông nghiệp đô thị và nông nghiệp sinh thái. Trong quá trình canh tác, nông dân ở các vùng phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố ngày càng chú trọng giảm sử dụng các hóa chất, tăng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và công nghệ sinh học nhằm nâng cao năng suất, độ an toàn của sản phẩm và vì sự bền vững về môi trường sinh thái. Đây cũng là định hướng phát triển lâu dài phù hợp với yêu cầu chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp của thành phố.

Nông dân TP Cần Thơ ngày càng năng động, sáng tạo khi biết kết nối với thị trường để tìm đầu ra cho nông sản. Hiện nhiều sản phẩm nông sản của TP Cần Thơ đã vào được các siêu thị, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối như nấm bào ngư, rau an toàn, trái cây các loại… Trong đó có một số sản phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể như dâu Hạ châu Phong Điền; nấm Bào ngư phường Thới An Đông, quận Bình Thủy; Rau an toàn phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, rau muống của HTX Rau an toàn Hòa Phát, quận Ô Môn… Một số sản phẩm nông sản khác cũng đang trong quá trình đăng ký nhãn hiệu tập thể để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, chia sẻ đầy tâm huyết: “Thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh liên kết các nhà vườn để tạo ra những sản phẩm du lịch có tính hỗ trợ nhau làm tăng giá trị sản phẩm và tổ chức phong phú các loại hình dịch vụ du lịch. Đồng thời khuyến khích các nhà vườn có vốn và kinh nghiệm trồng các loại cây ăn trái đặc sản, thiết kế cảnh quan vườn sạch đẹp để vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa tạo điều kiện phát triển du lịch, góp phần đưa Phong Điền xứng tầm huyện đô thị sinh thái của TP Cần Thơ”.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng chia sẻ: “Về lâu dài, thành phố sẽ tập trung tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nòng cốt là phát triển các hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp và hộ gia đình có quy mô sản xuất phù hợp với nền nông nghiệp đô thị. Theo đó, việc ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch để nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành nông sản hàng hóa sẽ giúp nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ, ổn định đầu ra. Thành phố cũng đang tập trung nguồn lực để xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đặc biệt là tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách phù hợp với xu hướng hội nhập và yêu cầu phát triển nền nông nghiệp đô thị sinh thái”.

Chia sẻ bài viết