25/10/2018 - 20:12

Nông nghiệp ĐBSCL chuyển mình với công nghệ 4.0
Bài cuối: Nông nghiệp 4.0 “thúc” tái cơ cấu nông nghiệp 

Trong bối cảnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại được xem là yêu cầu vô cùng cấp thiết. Xu hướng hình thành nền nông nghiệp 4.0 đã và đang nhận được sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Tuy nhiên, áp dụng nông nghiệp 4.0 vào thực tế sản xuất không hề đơn giản mà cần nhận diện đầy đủ những cơ hội và thách thức để vạch lộ trình đầu tư, tiếp cận công nghệ sao cho phù hợp.

Nhận diện cơ hội và thách thức

Trong 5 sản phẩm chủ lực quốc gia có đến 3 sản phẩm ở ĐBSCL gồm lúa, tôm và cá tra. Theo Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 16-11-2017 của Thủ tướng Chính phủ về “Kế hoạch tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020”, đối với nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, phải tiến hành rà soát quy hoạch, chiến lược, kế hoạch và xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, tổ chức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ tiên tiến. Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, các địa phương sẽ căn cứ vào lợi thế và nhu cầu thị trường, lựa chọn nhóm sản phẩm này để quy hoạch và đầu tư theo hướng như sản phẩm quốc gia với quy mô cấp địa phương... Do đó, cần xây dựng chiến lược phát triển phù hợp cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng ĐBSCL căn cứ vào những lợi thế sẵn có và nhu cầu thị trường gắn với ứng dụng khoa học công nghệ sao cho phù hợp.

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giới thiệu​ công nghệ máy bay không người lái phục vụ kiểm soát đồng ruộng, theo dõi mùa vụ. Ảnh: MINH HUYỀN

Hiện nay, chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của vùng ĐBSCL đang phát triển kém bền vững. Xu thế phát triển công nghệ 4.0 là cơ hội cũng đồng thời là thách thức cho sản phẩm chủ lực và sinh kế nông dân sản xuất nhỏ lẻ. Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp, phân tích: Các ứng dụng công nghệ cao, IoT (Internet of Things) sử dụng trong nông nghiệp các nước phát triển đã làm từ lâu, song muốn ứng dụng được vào thực tế sản xuất tại Việt Nam còn là câu chuyện dài. Xét tổng thể, sản xuất nông nghiệp nước ta chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún. Một người nông dân chỉ có trong tay 2-3 công đất thì làm sao mua nổi cái máy 400-500 triệu đồng. Do đó, nếu muốn làm thì phải có doanh nghiệp lớn, các hợp tác xã hay trang trại có quy mô, nguồn lực mạnh. Tuy nhiên, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cũng chưa thông thoáng và chưa thực sự hấp dẫn; việc tiếp cận các nguồn vay ưu đãi, cơ chế còn nhiều bất cập”.

Thực tế cho thấy, công nghệ 4.0 được nhắc đến ngày càng nhiều nhưng không phải ai cũng am hiểu tường tận về công nghệ này để xác định được nhu cầu đầu tư công nghệ sao cho phù hợp. Quá trình ứng dụng công nghệ này vào thực tế sản xuất cũng không hề đơn giản. Ông Cao Nhật Anh Tú, người sáng lập Trang trại Nuôi trồng rau sạch công nghệ cao Vifarm, cho biết: “Không giống với các hệ thống công nghệ cao thông thường, việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp đòi hỏi phải nghiên cứu rất sâu vào đặc tính của mỗi loại cây trồng và có sự cân nhắc cẩn thận. Từ đó, áp dụng công nghệ một cách phù hợp, theo đúng giai đoạn, chu trình mới mang lại hiệu quả tốt nhất”. Thói quen canh tác truyền thống, trình độ nông dân không đồng đều cũng là những cản ngại không nhỏ đối với ứng dụng công nghệ 4.0 vào nông nghiệp. Theo ông Lê Quốc Thanh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, hiện nay, doanh nghiệp chưa thực sự vào cuộc để duy trì, phổ biến các tiến bộ kỹ thuật vào trong sản xuất. Năng lực đội ngũ chuyển giao chưa được đào tạo bài bản nên còn thiếu chuyên nghiệp, còn hạn chế chuyên môn và trình độ ngoại ngữ để tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp 4.0 từ các nước tiên tiến.

Mô hình trồng rau thủy canh và kiểm soát dinh dưỡng, nhiệt độ, ẩm độ... bằng công nghệ IoT của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Minh Hòa, TP Cần Thơ. Ảnh: MINH HUYỀN

Theo Nhà giáo nhân dân, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Quang Thạch, Đại học Nguyễn Tất Thành, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, yếu tố quyết định sự thành công của nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là thời kỳ 4.0 là đầu ra sản phẩm. Hiện nay, đã có một số công nghệ được nghiên cứu hoàn thiện, cần nhanh chóng đưa vào ứng dụng...

Đầu tư sát sườn thực tiễn

Những giải pháp về công nghệ đã có, song bài toán đầu tư cho công nghệ cần được tính toán sao cho phù hợp và hiệu quả. Theo Tiến sĩ Lương Vinh Quốc Danh, Bộ môn Điện tử - Viễn thông, Khoa Công nghệ, Trường Đại học Cần Thơ, Nhà nước cần khuyến khích, tạo điều kiện (vốn đầu tư, ưu đãi thuế, tập huấn kỹ thuật…) cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại, hợp tác xã tiếp cận công nghệ IoT và các giải pháp ứng dụng năng lượng mặt trời. Đồng thời, tăng cường đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm đưa ra giải pháp, kỹ thuật mới phù hợp với thực tiễn trên cơ sở sử dụng công nghệ phù hợp, hạ giá thành đầu tư. Ông Nguyễn Đức Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Thành, chia sẻ: “Thực tế cho thấy, khi đầu tư cho một thiết bị nông nghiệp thông minh thường đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu rất cao nhưng sau đó sẽ mang lại hiệu quả lâu dài. Với công nghệ máy bay không người lái  (UAV), nông dân có thể tiết kiệm 90% nước và 30-40% thuốc bảo vệ thực vật. Không chỉ vậy, UAV còn tích hợp nhiều công năng khác như gieo hạt giống, bón phân, đo chỉ số bức xạ thực vật để phát hiện sâu bệnh”.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết,  Bộ KH&CN được giao làm đầu mối hỗ trợ các địa phương tiếp cận công nghệ 4.0 và về thực chất việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất ở ĐBSCL không chỉ thực hiện theo phong trào mà phải đi vào thực chất, phải phát huy được tính khả thi. Để hình thành chuỗi liên kết sản xuất các sản phẩm chủ lực của vùng, vai trò của các doanh nghiệp đầu đàn là rất quan trọng. Chuỗi giá trị của các sản phẩm chủ lực ở ĐBSCL cũng cần được định vị lại, gắn với định hướng quy hoạch vùng nguyên liệu, hình thành các mô hình tổ chức sản xuất để triển khai ứng dụng khoa học công nghệ đồng bộ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, không phải cứ đầu tư lớn là làm nông nghiệp công nghệ cao mà cốt yếu là xuất phát từ yêu cầu thực tiễn sản xuất với vai trò dẫn dắt từ phía doanh nghiệp. Ông Dương Văn Chín, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành, Tập đoàn Lộc Trời, chia sẻ: Nông dân không đủ nguồn lực đầu tư nông nghiệp công nghệ cao và bản thân họ cũng không biết sản phẩm sẽ đi về đâu, yêu cầu tiêu chuẩn thế nào. Do đó, doanh nghiệp phải tìm kiếm thị trường, nắm bắt yêu cầu từ khách hàng từ đó mang công nghệ, máy móc về để nông dân ứng dụng. Làm như vậy thì mới có thể ứng dụng công nghệ cao cho những hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ. Ngoài ra, để ứng dụng thành tựu nông nghiệp 4.0, vấn đề tín dụng rất quan trọng. Nhà nước cần ban hành bộ tiêu chí xác định mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh đối với hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ gia đình để được ưu đãi về lãi suất, mở rộng tài sản được thế chấp vay vốn…

Nhiều ý kiến cho rằng, để hỗ trợ việc ứng dụng nông nghiệp 4.0 vào sản xuất, rất cần sự phát triển đồng bộ của thương mại điện tử, thương mại không kho bãi (outlet) để giảm chi phí sản xuất… Về chính sách, Nhà nước cần có một chiến lược dài hạn, hình dung được bức tranh nông nghiệp Việt Nam năm 2030, 2050 và 2100 như thế nào để có quy hoạch và vạch lộ trình đầu tư cụ thể, rõ ràng để mang lại hiệu quả cao nhất. Để trả lời câu hỏi: Làm gì và làm như thế nào để Việt Nam chuẩn bị cho nông nghiệp 4.0?, Tiến sĩ Kum Dongwha, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc, khẳng định: “Việt Nam phải tăng cường khả năng hấp thụ các công nghệ chủ chốt và tăng tốc nỗ lực bắt kịp. Trong đó, tập trung vào các nội dung: Cải thiện chi phí lao động (xây dựng hệ sinh thái); Tập trung vào các sản phẩm hàng hóa; Nhắm đến thị trường trong nước và khu vực; Mở rộng sâu sát thỏa thuận thương mại trong khu vực”.

Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp 4.0, ông Lê Quý Kha, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Đề  án Phát triển nông nghiệp 4.0 của cả  nước và cho từng vùng sinh thái. Trong đó, nêu rõ bối cảnh thế giới và Việt Nam; thị trường tiềm năng; tiêu chí cần đạt; thuận lợi, khó khăn khi áp dụng nông nghiệp 4.0. Ngành nông nghiệp cũng cần hình thành nhóm chuyên gia về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0; Nhà nước nên dành nguồn kinh phí cho nghiên cứu, ứng dụng  thiết bị  thông minh, lập ngân hàng thông tin về dinh dưỡng đất. Mặt khác, nên điều chỉnh chính sách khuyến nông để có nguồn kinh phí đào tạo tập huấn, cập nhật công nghệ  -  thiết bị  thông minh cho cán bộ  quản lý đến thế hệ nông dân mới ứng dụng được các tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp 4.0.

MINH HUYỀN - MỸ THANH

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
công nghệ 4.0