19/09/2015 - 16:07

Nông dân làm du lịch thời hội nhập

Du lịch ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng thu hút du khách bởi nét bình dị, nên thơ của sông nước miền Tây gắn với đời sống dân dã của nông dân. Loại hình du lịch miệt vườn ngày càng phát triển, nhiều nông dân ở TP Cần Thơ đã nhạy bén, tham gia vào dịch vụ du lịch, tạo thêm dấu ấn đặc sắc trên bản đồ du lịch địa phương và mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình, xã hội. Sự giúp sức của các ngành chức năng cũng góp phần tạo điều kiện để họ quảng bá tốt hơn vẻ đẹp mới của đất và người Cần Thơ.

* Thu hút bằng nét dân dã

Một buổi sáng đầu tháng 9, chúng tôi cùng đoàn khách du lịch tham quan điểm du lịch Vườn trái cây Vàm Xáng của lão nông Trần Văn Liền (tức Năm Liền), ở thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền. Du khách thích thú khi được trải nghiệm không gian miệt vườn với nhiều loại cây trái, nổi bật là những gốc dâu Hạ châu trĩu quả. Chỉ với 40 ngàn đồng/ khách, du khách có thể tham quan vườn, hái bao nhiêu tùy thích và được đem về. Trong vườn còn có những mương nhỏ nuôi cá với dịch vụ giở "chà mùng" (dụ cá vào một mùng lưới khu biệt để bắt). Những vị khách thành thị hăm hở giở chà bắt cá, nướng trui, rồi nhâm nhi dưới tán cây vườn. Anh Nguyễn Văn Việt, du khách đến từ Hà Nội, bộc bạch: "Đây là lần đầu tôi khám phá du lịch kiểu nhà vườn. Chuyến thăm Cần Thơ lần này mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm rất thú vị".

Còn tại điểm du lịch Ba Cống ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, du khách sau khi tham quan vườn sẽ được đãi những loại trái cây theo kiểu "mùa nào thức ấy". Chủ vườn Đặng Văn Công (tự Ba Cống) kể, chuyện làm du lịch đến với ông như một cơ duyên. Khoảng năm 2000, do nhà ông là vựa trái cây nên làm bến đỗ bằng bê tông dưới kênh. Tàu du lịch thường ghé nhờ và khách du lịch thấy nhà ông trái cây đầy ắp thì ghé xem. Ông làm du lịch kể từ đó, với sự trợ giúp của các công ty lữ hành. Ông Ba Cống phân tích: "Làm du lịch kiểu gia đình tôi chủ yếu là bán… cái dân dã, mọi thứ cứ để diễn ra như cuộc sống hằng ngày, chỉ cần vệ sinh vườn tược sạch đẹp, nhà cửa gọn gàng…".

 Du khách tham quan điểm du lịch vườn của ông Ba Cống ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy.

Điểm du lịch khá thú vị khác của nông dân là homestay Mỹ Thuận (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền). Ở đây, du khách nghỉ qua đêm, trải nghiệm cuộc sống bình dân của người miệt vườn. Khách có thể xuống bếp, cùng chủ nhà làm bánh xèo, chiên chả giò, tối về nghe đờn ca tài tử, vọng cổ… Những căn phòng tươm tất, sạch sẽ nhưng vẫn giữ nét chân quê với vách mê bồ, vạc tre… Những món ăn dân dã như canh chua, cá kho tộ, tép chiên bột, mắm chưng… do khách tự tay làm cùng gia đình là điểm nhấn thú vị, khiến bữa ăn thêm ngon miệng và trở thành kỷ niệm khó quên.

Ông Nguyễn Hoàng Ơn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Du lịch TP Cần Thơ, cho biết, toàn thành phố hiện có 18 hộ nông dân làm du lịch, và hơn 15 hộ tham gia mô hình nông dân liên kết làm du lịch ở Cồn Sơn (quận Bình Thủy). Hai địa phương nở rộ loại hình này là Phong Điền và Bình Thủy. Theo ông Ơn, loại hình du lịch nông dân thu hút khoảng 30%- 40% lượng khách du lịch của TP Cần Thơ và chiếm từ 20%- 25% doanh thu ngành du lịch thành phố. Cụ thể, năm 2014, có 1.370.000 lượt khách du lịch đến Cần Thơ; trong đó, lượng khách của loại hình du lịch nông dân khoảng 480.000 lượt. Tương tự, số lượng khách của du lịch nông dân 6 tháng đầu năm 2015 là 350.000 lượt trong tổng số 1 triệu lượt du khách của Cần Thơ; doanh thu khoảng 223 tỉ đồng trong số 970 tỉ đồng của ngành du lịch.

* Chủ động hội nhập

Bắt tay vào làm du lịch, những nông dân quanh năm chân lấm tay bùn trở nên nhạy bén trong tư duy làm ăn, sản xuất, hội nhập. Khách đến vườn ca cao của ông Mười Cương ở xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, hẳn sẽ ngạc nhiên với vốn ngoại ngữ của "lão nông tri điền" này. Ông có thể điều chế nhiều sản phẩm từ trái ca cao và tự giới thiệu sản phẩm cho khách nước ngoài. Lão nông Mười Cương cũng tự tin, rành rẽ sử dụng internet, facebook để kết nối với khách hàng. Qua đó, ông quen biết thêm nhiều nhà khoa học nước ngoài, làm ăn với một số công ty trong nước, đặc biệt là với Cargill- tập đoàn mua bán nông sản lớn nhất thế giới. Hay ông Năm Liền, dù ngoại ngữ không dồi dào nhưng lại rất rành kiến thức về văn hóa, lịch sử, thơ phú. "Tôi đọc sách báo hằng ngày để mở mang kiến thức, chia sẻ với du khách" – ông Năm Liền nói.

Cũng nhờ du lịch, những lão nông ở Cần Thơ có thêm nhiều mối quan hệ và bạn bè mới. Ông Ba Cống kể, có lần đoàn khách Pháp đến vườn nhà ông và nhận ra ông có một chút gốc gác của người Pháp. Ông Ba Cống chia sẻ với họ ông nội của ông là người Pháp nhưng đã thất lạc từ lâu. Du khách ấy đã hết lòng tìm giúp thân tộc cho ông Ba Cống. Dù không thành nhưng đó là kỷ niệm đáng nhớ trong đời làm du lịch của ông. Ông Năm Liền thì chia sẻ, một đoàn giáo sư người Úc sau khi thăm vườn và nghe ông nói về dự định làm du lịch homestay đã đề nghị hỗ trợ. Hiện ông Năm Liền đang xúc tiến hồ sơ theo yêu cầu của đối tác.

Ở Bình Thủy gần đây xuất hiện mô hình nông dân liên kết làm du lịch khá độc đáo: mỗi nhà một đặc sản, liên kết phục vụ khách rất hiệu quả. Còn ở Hợp tác xã Du lịch nông dân ấp Mỹ Long, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, các hộ tham gia hợp tác với các điểm du lịch được trang bị kiến thức, kỹ năng làm du lịch và hỗ trợ vốn. Vừa qua, 5 thành viên của hợp tác xã được hỗ trợ vay vốn phát triển du lịch, 20 triệu đồng/hộ.

Tuy nhiên, những người thông thạo như ông Năm Liền, Mười Cương không phải là đa số. Không ít điểm du lịch nông dân còn gặp khó trong hướng dẫn, giao tiếp với khách. Để khắc phục, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, đã mở lớp học ngoại ngữ cho đội ngũ đoàn viên phụ trách hướng dẫn du lịch ở Cồn Sơn. Ở Phong Điền, việc hợp đồng với sinh viên Đại học Cần Thơ giỏi ngoại ngữ hướng dẫn khách ở một số điểm du lịch đang phát huy hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy cho biết, địa phương đang nâng chất hoạt động du lịch của tuyến phường Long Tuyền và hình thành du lịch nông dân ở Cồn Sơn, phường Bùi Hữu Nghĩa. Khó khăn của địa phương là cơ sở hạ tầng cho du lịch chưa hoàn thiện, bến bãi để khách lên xuống còn hạn chế, đường vào các điểm du lịch nhỏ hẹp… Để khắc phục, hằng năm địa phương dành kinh phí nạo vét kinh mương giúp ghe tàu du lịch đi lại dễ dàng, nâng cấp các tuyến đường chính phục vụ đi lại… Để nâng cao kỹ năng du lịch cho nông dân, các ngành chức năng cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn. Cuối tháng 8 vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ đã phối hợp với Ban Quản lý Dự án EU tổ chức 2 khóa tập huấn "Nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm cho cơ sở lưu trú" và "Xây dựng chính sách và Quy hoạch du lịch có trách nhiệm cho cán bộ quản lý ở địa phương" với sự tham gia của gần 30 hộ nông dân làm du lịch ở Bình Thủy. 6 tháng đầu năm 2015, Trung tâm Phát triển Du lịch TP Cần Thơ đã mở 4 lớp tập huấn du lịch, giúp người dân có kỹ năng giao tiếp, phục vụ du khách.

***

Ông Nguyễn Hoàng Ơn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Du lịch TP Cần Thơ, cho biết, đơn vị đang tham mưu cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất lãnh đạo thành phố và các quận, huyện ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch thành phố. Điểm nhấn là quy hoạch cụ thể nơi nào du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng… để có hướng đầu tư thích hợp. "Du lịch nông dân là loại hình kinh doanh đầu tư ít nhưng mang lại doanh thu không nhỏ. Nếu phát huy hết tiềm năng, du lịch nông dân không chỉ cải thiện đời sống người dân mà còn giúp diện mạo nông thôn ngày thêm khang trang, khởi sắc" – ông Ơn nói.

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết