22/03/2018 - 22:04

Nông dân lại lo giá phân bón tăng cao 

Sau khi thu hoạch vụ lúa đông xuân 2017-2018  “trúng mùa, trúng giá”, nông dân TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ĐBSCL lại bước vào vụ sản xuất hè thu 2018 với kỳ vọng tiếp tục có vụ mùa bội  thu khi  giá lúa đầu ra đang rất tốt. Tuy nhiên, điệp khúc “phân bón” tăng giá cùng sự tăng và đứng giá ở mức cao của nhiều loại vật tư khiến nông dân không khỏi lo lắng...

Mua bán phân bón tại Cửa hàng vật tư nông nghiệp Mỹ Ngọc ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ.

Ông Trần Văn Công ngụ phường Long Hưng, quận Ô Môn, cho biết: “Sau thu hoạch vụ đông xuân tôi đã làm đất, xuống giống gieo sạ vụ hè thu.Tuy nhiên, hiện giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhiều loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất như: lúa giống, xăng dầu, chi phí thuê máy móc và nhân công… có xu hướng tăng hoặc đứng ở mức cao, tôi không khỏi lo lắng cho hiệu quả vụ sản xuất này. Vụ đông xuân vừa qua, 5 công lúa sạ giống IR 50404 của tôi thu hoạch đạt năng suất trên 1,2 tấn/công, bán lúa tươi được giá 5.000 đồng/kg, tính ra lời hơn 3 triệu đồng/công, vụ hè thu này khó thu lời được vậy”. Theo bà Trần Thị Thanh Hà, ngụ khu vực Tân Lợi 1, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, hè thu là vụ sản xuất gặp nhiều bất lợi, thời tiết nắng nóng bón phân dễ bốc hơi và sâu bệnh thường diễn biến phức tạp, nông dân phải tăng lượng bón phân và tốn nhiều chi phí phòng trừ sâu bệnh, bơm nước tưới cho ruộng lúa. Gia đình bà cũng khá lo khi giá nhiều loại phân bón đang tăng mạnh, với mức tăng đến cả 100.000 đồng/bao, nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ vài nghìn đến một vài chục nghìn đồng/chai hoặc bịch.

Trên thực tế, giá bán lẻ nhiều loại phân bón trên thị trường như: Urê, DAP, NPK… hiện tăng từ  50.000- 140.000 đồng/bao so với  vụ hè thu 2017 và tăng khoảng 10.000-20.000 đồng/bao so với cách nay hơn 1 tháng. Năm trước, giá Urê Phú Mỹ, phân Urê Cà Mau (Đạm Cà Mau), Urê Ninh Bình và nhiều loại Urê nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia và Nga chỉ từ 290.000-330.000 đồng/bao nhưng nay đã tăng lên 370.000 - 380.000 đồng/bao, thậm chí giá có nơi lên đến 390.000-400.000 đồng/bao, với trường hợp nông dân mua chịu đến cuối vụ mới trả tiền. Giá DAP (Trung Quốc, loại xanh Hồng Hà) từ ở mức khoảng 540.000 đồng/bao, hiện tăng lên ở mức 670.000-680.000 đồng/bao. Vụ hè thu trước, giá NPK 20-20-15 Bình Điền và NPK 20-20-15 Cò Bay chỉ ở mức 520.000-530.000 đồng/bao, còn nay cũng tăng lên ở mức trên dưới 630.000 đồng/bao. Giá nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 10-15% so với trước và nhiều khả năng sẽ còn tăng. Nguyên nhân do ảnh hưởng giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trên thế giới tăng, nhất là giá các loại phân bón và hóa chất được nhập khẩu từ Trung Quốc tăng, nguồn cung hạn chế so với trước. Ngoài ra, giá nhiều loại phân bón nhập khẩu tăng do ảnh hưởng của việc áp thuế tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP nhập khẩu.

Ông Huỳnh Ngọc Anh, Chủ Cửa hàng vật tư nông nghiệp Mỹ Ngọc ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ, cho biết “Áp dụng thuế tự vệ là cần thiết nhằm bảo vệ nền sản xuất phân bón trong nước. Song, Nhà nước cũng cần thực hiện song hành nhiều biện pháp và cơ chế chính sách nhằm ổn định và giảm giá các loại phân bón sản xuất trong nước. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người tiêu dùng tin tưởng chất lượng và sử dụng các loại phân bón trong nước, nhất là phân DAP. Giá các loại phân DAP nhập khẩu đang tăng khá mạnh so với trước do nước ta áp dụng thuế tự vệ, nhiều loại phân bón NPK sản xuất trong nước cũng nhích giá lên do sử dụng nguyên liệu nhập khẩu bị đánh thuế”. Theo ông Nguyễn Mạnh Vân, Chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Nguyễn Vân ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, giá phân bón trong nước chịu tác động rất lớn từ các loại phân bón nhập khẩu, nhất là phân bón nhập khẩu từ thị  trường Trung Quốc. Năm nào, phân bón giá rẻ từ Trung Quốc nhập về nhiều, giá phân bón trong nước cũng đồng loạt giảm giá theo. Tuy nhiên,  phân bón nhập khẩu về ít, dù nguồn cung vẫn đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu, nhưng vì lợi nhuận, nhiều đầu mối cung cấp phân bón có xu hướng muốn đẩy giá lên.

Hiện nay, đa phần các nhà bán lẻ phân bón không được lấy hàng trực tiếp từ các nhà sản xuất và nhập khẩu, cũng không được bán hàng theo mức giá được ấn định sẵn để được hưởng hoa hồng trên số lượng sản phẩm bán ra, mà  phải mua  phân bón theo kiểu “mua đứt, bán đoạn”. Các cửa hàng bán lẻ mua phân bón đầu vào giá rẻ thì có thể bán lại cho nông dân với giá rẻ, mua giá cao buộc phải bán giá cao. Nông dân là người chịu thiệt nhất do phải mua phân bón qua nhiều trung gian. Có nhiều cửa hàng bán lẻ vật tư nông nghiệp đã chủ động chuẩn bị nguồn hàng với mức giá thấp ngay từ khi chuẩn bị bước vào các vụ sản xuất. Nhờ có nguồn hàng bán với mức giá bán cạnh tranh trong suốt vụ sản xuất để phục vụ cho bà con, cũng như giúp “giữ chân” khách hàng...

Theo nhiều doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ vật tư nông nghiệp tại TP Cần Thơ, muốn ổn định giá cả phân bón và các loại thuốc bảo vệ thực vật, các nhà sản xuất và nhập khẩu phân bón cần phải thay đổi phương thức kinh doanh, gắn kết chặt chẽ hơn với các nhà bán lẻ và người tiêu dùng. Đặc biệt, Nhà nước cần tăng cường kiểm tra, quản lý thị trường và có các cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng được mua sản phẩm trực tiếp từ các nhà sản xuất phân bón trong nước với mức giá phù hợp nhất.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết