19/08/2011 - 10:21

Nỗi lo từ hệ thống ngân hàng châu Âu

Một chi nhánh của ngân hàng Barclays ở Luân Đôn, Anh. Ảnh: Getty Images

Cổ phiếu của các ngân hàng châu Âu sụt giảm, dẫn đầu là Deutsche Boerse AG của Đức và Barclays của Anh, sau khi các nhà lãnh đạo của Đức và Pháp đề nghị áp thuế lên mọi giao dịch tài chính.

Cổ phiếu Deutsche Boerse giảm 5% xuống còn 41,10 euro/cổ phiếu trong phiên giao dịch hôm qua tại Frankfurt, trong khi ngân hàng lớn thứ hai của Anh về tài sản Barclays giảm 4,2% ở Luân Đôn. Chỉ số các dịch vụ tài chính và ngân hàng Bloomberg giảm 1,1%.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã thông báo họ sẽ tái đề nghị thuế giao dịch tài chính, vốn đã bị Liên minh châu Âu (EU) bác bỏ hồi năm 2010. Theo các chuyên gia, việc áp thuế giao dịch tài chính là biện pháp khả dĩ nhất đối với các chính khách trong nỗ lực khôi phục niềm tin ở Khu vực đồng euro (Eurozone) khi khủng hoảng nợ đang đe dọa lan tới Ý và Tây Ban Nha, bởi vì nó có thể tạo ra nguồn thu mà không tác động đến cá nhân người đóng thuế hoặc nền kinh tế, cũng như giảm nguy cơ thao túng thị trường. Thế nhưng, Lex van Dam, nhà quản lý quỹ đầu tư Hampstead Capital ở Luân Đôn, cho rằng việc áp thuế như vậy “có thể tác động tiêu cực tới các ngân hàng và hệ thống hối đoái vì khối lượng giao dịch giảm mạnh”.

Khó khăn của hệ thống ngân hàng châu Âu còn là vấn đề lớn của Mỹ và thế giới, một phần vì các quỹ đầu tư thị trường mà trong đó có tiền tiết kiệm của hàng triệu gia đình ở Mỹ, đã đầu tư mạnh vào nợ ngân hàng của châu Âu. Vì vậy, khi các quỹ này gặp khó sẽ phá vỡ các thị trường cho vay ngắn hạn, mà các công ty Mỹ phụ thuộc vào đó để thanh toán cho các nhà cung cấp và trả lương nhân viên.

Trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy sự lo ngại gia tăng về khủng hoảng nợ ở châu Âu có thể tác động tới hệ thống ngân hàng Mỹ, các nhà quản lý cấp bang và liên bang ở Mỹ đang tăng cường giám sát các chi nhánh của các ngân hàng lớn nhất châu Âu tại Mỹ. Ngân hàng Dự trữ Liên bang khu vực New York, vốn giám sát hoạt động của Mỹ ở các ngân hàng lớn của châu Âu, đã tổ chức nhiều cuộc thảo luận với các ngân hàng nhằm ngăn ngừa nguy cơ bất ổn leo thang thành sức ép tài chính.

Các nhà quản lý tài chính đang tìm cách tránh lặp lại khủng hoảng 2008, thời điểm hệ thống ngân hàng toàn cầu bắt đầu suy sụp sau khi Lehman Brothers phá sản. Lần này, mối quan ngại là khủng hoảng nợ ở Eurozone có thể cản trở khả năng của các ngân hàng trong việc tiếp cận quỹ cho vay thị trường và đáp ứng các nghĩa vụ tài chính ở Mỹ. Một số ngân hàng hàng đầu châu Âu, trong đó có Société Générale của Pháp, Deutsche của Đức và UniCredit SpA của Ý, hoạt động lớn ở Mỹ và phụ thuộc mạnh vào các quỹ cho vay. Trong vài tuần qua, dự trữ tiền mặt tại các chi nhánh của các ngân hàng nước ngoài ở Mỹ đã giảm mạnh. Tổng dự trữ tiền mặt của các ngân hàng nước ngoài ở Mỹ giảm còn 758 tỉ USD vào ngày 3-8, theo số liệu mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Con số này giảm 16% so với 3 tuần trước, mặc dù tăng từ đầu năm nay. Theo ngân hàng Morgan Stanley, các ngân hàng châu Âu cần tăng quỹ tổng cộng 115 tỉ USD vào cuối năm nay.

THÁI BÌNH
(Theo WSJ, Bloomberg)

Chia sẻ bài viết