21/01/2010 - 20:55

Nỗi lo rác thải

Rác thải sinh hoạt gia đình được người dân vứt bừa bãi trên tuyến quốc lộ 91B.

Không phải là điểm thu gom rác của ngành vệ sinh môi trường, nhưng những bãi rác tự phát với đủ các loại rác thải sinh hoạt gia đình được đổ một cách vô tội vạ trên một số tuyến đường. Thời gian qua, có rất nhiều tuyến đường, khu phố và các khu chung cư trên địa bàn TP Cần Thơ có khẩu hiệu với nội dung vận động, khuyến khích người dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị, trong đó có việc đổ rác đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi, nhưng không phải ai cũng nghiêm túc chấp hành...

* Những bãi rác tự phát

Chưa đầy 1 km trên tuyến đường quốc lộ 91B (đoạn từ cầu Bà Bộ đến qua cầu Rạch Súc, thuộc phường Long Tuyền và phường Long Hòa, quận Bình Thủy) đã có 3 bãi rác ngự trị 2 bên đường. Các bãi rác này nằm cách nhau chừng vài chục mét chứa đầy các loại rác thải sinh hoạt gia đình bốc mùi hôi thúi. Cô Ngọc Anh, một người dân ở đây, cho biết: “Các bãi rác này là do những hộ dân ở nơi khác đến đổ chứ không phải người dân địa phương. Lúc đầu chỉ có vài bịch rác nhỏ, nhưng ngày càng nhiều và thành đống rác to. Gia đình tôi và bà con xung quanh khu vực này phải thường xuyên hít mùi hôi thúi từ những bãi rác này”.

Trong ba bãi rác có một bãi rác vừa mới được người ta đốt cháy thành tro đen ngòm, nhiều chai lọ thủy tinh không cháy được nằm trơ bên đường. Một số người dân nơi đây cho biết: Những người dân nơi khác cứ mang rác đến đây vứt. Có người còn dùng xe ba gác chở đầy rác đến đổ. Bà con ở đây và khu vực đã nhiều lần dọn sạch bãi rác, nhưng chẳng được bao lâu, bãi rác lại xuất hiện trở lại. Lợi dụng lúc đêm khuya, trời tối không có đèn đường, họ mang rác lại đổ ở đây. Khi địa phương cử lực lượng dân phòng theo dõi và bắt quả tang, họ còn quay lại chửi và đánh lực lượng rồi bỏ chạy.

Đường Nguyễn Văn Cừ nối dài nằm trên địa bàn quận Ninh Kiều là một con đường khá đẹp, được trồng hàng cây xanh ở giữa và là con đường có nhiều trụ sở cơ quan đang trong quá trình xây dựng. Thế nhưng, con đường vẫn không thoát khỏi tình trạng rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi. Một bãi rác tự phát nằm trên lề đường đoạn gần dưới chân cầu Rạch Ngỗng 2 thuộc phường An Khánh, quận Ninh Kiều. Chị Trang bán tạp hóa, nhà đối diện với bãi rác tự phát này, cho biết: “Bãi rác này xuất hiện gần nửa năm nay, do những hộ dân ở nơi khác đem đến vứt ở đây, có lúc rác tràn xuống lòng đường. Chúng tôi dù đang ở trong nhà, vẫn phải mang khẩu trang vì không chịu nổi mùi hôi bốc lên từ đống rác”. Chú Dũng, nhà cạnh bãi rác, bức xúc, nói: Họ đem rác đến đây đổ vào lúc 4-5 giờ sáng hoặc đêm khuya. Lâu ngày, không khí gần bãi rác đã nồng nặc mùi hôi thúi và ngột ngạt khó chịu”.

Một số điểm trên các tuyến đường trong nội ô quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ cũng trở thành những điểm tập kết rác thải sinh hoạt: Đoạn đường gần trạm điện trên đường Trần Phú, hẻm cơ khí ô tô (đối diện Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ), giao lộ giữa đường Trần Văn Khải và đường Lương Định Của, góc đường Nguyễn Bỉnh Khiêm... Đa số những người dân đem rác đến các điểm trên để đổ rác là những hộ dân không đóng phí thu gom rác tại gia đình cho lực lượng vệ sinh môi trường. Một cán bộ Xí nghiệp Môi trường thuộc Công ty Công trình đô thị TP Cần Thơ cho biết: “Những hộ dân này cho rằng lực lượng quét rác trên đường có nhiệm vụ phải thu gom luôn rác thải mà họ đổ ra đường. Trong khi thực tế thì lực lượng này chỉ có nhiệm vụ quét rác trên đường phố chứ không gom rác thải sinh hoạt gia đình”.

* Giữ vệ sinh môi trường: Việc không của riêng ai

Những bãi rác, đống rác tự phát trên vỉa hè đường phố ở quận Ninh Kiều và Bình Thủy, phần lớn là rác thải sinh hoạt gia đình. Chúng tồn tại do sự vô ý thức của những người dân thích “sạch nhà” nhưng “bẩn ngõ”. Hiện nay, phường An Khánh, quận Ninh Kiều là một trong những địa phương đang có nhiều công trình, nhiều khu dân cư đang trong quá trình xây dựng. Tại một số khu chung cư mới, một số hộ đến ở, thay vì thuê lực lượng vệ sinh đến thu gom rác thải sinh hoạt hàng ngày của gia đình thì họ lại mang rác ở nhà vứt đại ra đường hay trước mặt tiền của các công trình đang được xây dựng, vì những nơi này chưa có chủ đến ở, ít người, lại không phải tốn tiền vệ sinh phí. Ông Mai Tiến Chu, cán bộ Quản lý đô thị phường An Khánh, cho biết: “Trên 70% diện tích của phường nằm trong diện quy hoạch. Nhà trọ và khu dân cư tự phát mọc lên ngày càng nhiều. Đối với những bãi rác tự phát, địa phương cũng đã nhiều lần thuê lực lượng đến thu gom, làm sạch. Tại những khu dân cư, hẻm có ít hộ dân, chúng tôi đã vận động, khuyến khích người dân tập trung rác thải sinh hoạt gia đình ở một điểm hoặc đầu hẻm để lực lượng vệ sinh môi trường đến thu gom, chi phí sẽ do người dân đóng góp. Thời gian qua, địa phương đã có nhiều biện pháp vận động người dân đổ rác đúng nơi quy định, vì đây cũng là một chỉ tiêu xét gia đình văn hóa. Đồng thời, địa phương cũng đã xử phạt những trường hợp vứt rác bừa bãi. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân chưa ý thức được việc đổ rác bữa bãi, gây ô nhiễm môi trường”.

Bà Trần Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch UBND phường Long Hòa, quận Bình Thủy, cho biết: “Ngay sau khi nhận được phản ánh của bà con về bãi rác trên tuyến quốc lộ 91B nằm trên địa phận của phường, chúng tôi đã chỉ đạo cho khu vực tại đó cùng với người dân thu dọn bãi rác. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân chưa ý thức được nên tiếp tục vứt rác bừa bãi. Hiện tại, bên cạnh việc thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền cho người dân về vệ sinh môi trường, không vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi, chúng tôi cũng đang làm đề nghị lên quận để xe thu gom rác có thể đến để thu gom rác”.

Ông Nguyễn Thế Khương, Phó Giám đốc Xí nghiệp Môi trường thuộc Công ty Công trình đô thị TP Cần Thơ, cho biết: “Về việc thu gom rác thải sinh hoạt hàng ngày của hộ dân, việc lấy rác từ nhà người dân đến điểm trung chuyển rác thì kinh phí do người dân chi trả (tiền người dân trả hàng tháng cho nhân viên thu gom rác), còn từ điểm trung chuyển rác đến bãi rác là kinh phí do ngân sách của thành phố chi trả. Có trường hợp địa phương hợp đồng lực lượng đến lấy rác, nhưng khi nhân viên đến lấy rác và thu tiền thì người dân không chịu đóng. Riêng một số tuyến đường đang được xây dựng như tuyến quốc lộ 91B, chúng tôi phải dùng xe có công suất lớn đến thu gom rác, nhưng địa phương lại không hỗ trợ kinh phí nên chúng tôi không thể điều động lực lượng đến thu gom rác”.

Giữ vệ sinh môi trường là trách nhiệm của cộng đồng. Mỗi người dân phải nâng cao ý thức và nhận thức về trách nhiệm bảo vệ môi trường. Chính quyền địa phương ngoài những biện pháp thiết thực như vận động, nhắc nhở người dân, cần kiên quyết xử phạt đối với những hộ dân cố tình vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi. Đồng thời, nhân rộng những điển hình, mô hình tích cực giữ vệ sinh môi trường ở địa phương, để mọi người nâng cao ý thức và thực hiện giữ gìn vệ sinh chung.

Bài, ảnh: THẢO MỘC

Chia sẻ bài viết