23/11/2009 - 20:34

TRƯỚC VỤ ĐÔNG XUÂN 2009-2010

Nỗi lo phân bón tăng giá

Nông dân mua phân bón tại Cửa hàng vật tư nông nghiệp Mỹ Ngọc ở quận Cái Răng,
TP Cần Thơ.

Thời điểm sản xuất lúa đông xuân 2009-2010 đã cận kề. Hiện nay, nhiều nông dân ở ĐBSCL đã tiến hành vệ sinh đồng ruộng và chuẩn bị xuống giống vào mùng 10 tháng 10 âm lịch tới đây. Trong lúc này, giá nhiều loại phân bón bắt đầu rục rịch tăng trở lại sau một thời gian giảm xuống ở mức thấp. Nhà nông lo ngại giá phân bón sẽ còn tăng nữa khi bước vào vụ sản xuất lúa đông xuân 2009-2010, nhu cầu phân bón tăng mạnh nhưng phần lớn nông dân đều không có khả năng mua phân bón để dự trữ...

GIÁ PHÂN BÓN TĂNG NHẸ

Sau một thời gian giá ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2009 đến nay, hiện giá bán lẻ nhiều loại phân bón như: Urê, DAP đã tăng nhẹ trở lại từ 10.000-15.000 đồng/bao/50kg so với ngày 16-11-2009. Giá phân urê Phú Mỹ (Việt Nam) và urê Trung Quốc tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ từ mức 280.000-290.000 đồng/bao, hiện đã tăng 295.000-320.000 đồng/bao; phân DAP Trung Quốc (loại hạt xanh) 408.000- 415.000 đồng/bao, tăng lên 425.000-435.000 đồng/bao; DAP Trung Quốc và DAP Mỹ (loại hạt đen) 380.000-395.000 đồng/bao, tăng lên 400.000-405.000 đồng/bao; phân Kali (Canada) 495.000-500.000, lên 510.000 đồng/bao. Riêng giá phân NPK 16-16-8 Việt Nhật đứng ở mức 380.000 đồng/bao; NPK 20-20-15 Đầu Trâu loại thường 515.000 đồng/bao, loại cao cấp 550.000 đồng/bao...

Song, giá phân bón hiện vẫn còn thấp hơn nhiều so với tháng 1-2009 (thời điểm mà giá phân bón cũng đã giảm xuống ở mức rất thấp sau những đợt tăng đột biến trong năm 2008). Vào thời điểm tháng 1-2009, giá phân urê (Phú Mỹ, Qatar, Trung Quốc) tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp trong thành phố ở mức 330.000-340.000 đồng/bao, DAP (Trung Quốc, Mỹ) loại hạt xanh: 645.000-665.000 đồng/bao; giá phân NPK 16-16-8 Việt Nhật: 450.000 đồng/bao; NPK 16-16-8 Philippines: 525.000 đồng/bao; NPK 20-20-15 Đầu Trâu: 595.000 đồng/bao, NPK 20-20-15 Đầu Trâu (loại cao cấp): 660.000 đồng/bao. Riêng giá phân lân Long Thành (dạng bột) ở mức 150.000 đồng/bao, Kali (Canada) 655.000 đồng/bao.

Theo chủ nhiều cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp tại TP Cần Thơ, nhu cầu nhập hàng từ các đại lý, cửa hàng bán lẻ để phục vụ cho vụ lúa đông xuân 2009-2010 đang tăng mạnh đã giúp cho giá phân bón phục hồi, tăng nhẹ trở lại. Thời gian gần đây, giá nhiều loại phân bón trên thế giới không giảm thêm nhưng do nguồn hàng trong nước dồi dào và sức tiêu thụ yếu, nhiều nhà cung cấp phân bón cần xoay vòng đồng vốn đã chủ động giảm giá để dễ bán hàng. Hiện nay, khi sức mua tăng trở lại thì xu hướng giảm giá nhằm kích cầu đã không còn nữa. Ông Nguyễn Mạnh Vân, chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Nguyễn Vân ở thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, cho rằng: “Hiện so với giá lúa đang tăng mạnh thì giá phân bón vẫn còn rẻ rất nhiều. Trước đây, giá 1 bao phân urê bằng khoảng 5 giạ lúa, hiện tại giá 1 bao urê chưa bằng giá 3 giạ lúa. Khoảng 2-3 tuần nữa, khi nông dân đã xuống giống lúa đông xuân được khoảng 1 tuần, nhu cầu mua phân bón sẽ tăng mạnh. Theo đó, nhiều khả năng giá các loại phân bón sẽ còn tăng”. Còn ông Nguyễn Ngọc Anh, chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Mỹ Ngọc ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ, cũng nhận định: “Giá các loại phân bón sẽ còn tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới. Nhưng nhiều khả năng sẽ chỉ tăng nhẹ chứ không có biến động tăng mạnh như năm 2008. Nguyên nhân do lượng phân bón còn tồn kho của các DN trong nước đang khá dồi dào, đảm bảo nguồn hàng phục vụ cho nhu cầu vụ đông xuân 2009-2010. Thêm vào đó, trên thị trường đang có sự cạnh tranh quyết liệt về giá giữa các loại phân trong nước và phân bón nhập ngoại. Bên cạnh các loại phân bón nhập khẩu từ các nước quen thuộc như: Trung Quốc, Nga, Mỹ, Canada, Qatar, Indonesia... trên thị trường còn có nhiều loại phân bón nhập khẩu từ các nước khác như: Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines...”.

NÔNG DÂN MỪNG NHƯNG CÒN LO!

Hiện nay, khi chuẩn bị bước vào sản xuất lúa đông xuân 2009-2010, nông dân rất phấn khởi do lúa không bị tình trạng khó tiêu thụ như trong năm 2008. Hầu hết đã tiêu thụ được lúa vụ hè thu và thu đông 2009 với giá cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Tuy giá bán lúa của nhiều nông dân chưa thật sự đạt được mức cao như mong muốn nhưng sự thuận lợi của đầu ra hạt lúa đã giúp cho nông dân có phần an tâm hơn khi bước vào vụ đông xuân 2009-2010. Mừng hơn là khi giá nhiều loại phân bón đang thấp hơn so với năm trước từ một đến vài trăm ngàn đồng/bao.

Tuy nhiên, gần đây giá phân bón có xu hướng tăng nhẹ trở lại đã làm nhiều nông dân không khỏi lo lắng. Tranh thủ giá phân bón đang rẻ, hiện một số nông dân ở TP Cần Thơ đã mua phân bón về dự trữ hoặc ký gởi các cửa hàng để chuẩn bị cho vụ đông xuân 2009-2010. Ông Lê Văn Trung ở ấp Thới Bình B, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, bộc bạch: “Nghe thông tin dự đoán giá phân bón có xu hướng tăng trở lại, nên tôi đã quyết định đầu tư hơn 6 triệu đồng để mua 16 bao phân các loại, đảm bảo cho việc sản xuất 16 công lúa trong suốt vụ đông xuân 2009-2010. Tôi dự kiến, mùng 10 tháng 10 âm lịch tới đây sẽ xuống giống. Mua phân bón với giá rẻ như hiện nay, theo tính toán của tôi sẽ giảm được chi phí sản xuất từ 100.000-200.000 đồng/công lúa”. Còn ông Nguyễn Văn Mừng ở khu vực Thạnh Huề, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, cho biết: “Thấy giá phân bón hiện xuống ở mức thấp trong nhiều tháng trở lại đây, gia đình ông đã mua 7-8 bao phân các loại và đang có kế hoạch mua thêm một vài bao nữa để tránh thời gian tới giá tăng, phải mua phân bón với mức giá cao”.

Nông dân ai cũng muốn mua được phân bón giá rẻ để giảm chi phí sản xuất. Song, trên thực tế phần đông nông dân không có sẵn vốn để chủ động mua được phân bón lúc giá rẻ. Ông Nguyễn Văn Thuận ở ấp Thới Phong B, xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: “Ở đây, đa số bà con thường mua phân bón tại các cửa hàng quen, có bao nhiêu tiền thì trả trước bấy nhiêu, phần còn lại nợ đến cuối vụ thu hoạch lúa mới trả dứt. Gia đình tôi cũng vậy. Tôi thường mua phân bón tới đâu sử dụng tới đó, chứ đâu có đủ tiền để mua phân bón dự trữ trước”. Theo nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ, hiện có khoảng 70-80 nông dân còn đến cửa hàng mua phân bón theo dạng thiếu nợ tiền hoặc còn thiếu nợ một phần tiền đến cuối vụ mới trả hết. Nông dân thường không dám chủ động đi mua phân bón lúc giá rẻ mà đợi đến lúc cần bón phân cho lúa mới đi mua. Điều này làm cho người nông dân phải chịu nhiều thiệt thòi. Lúc giá phân bón thấp thì không có điều kiện mua, trong khi đến lúc thu hoạch lúa gặp giá rẻ cũng phải bán ngay để trả nợ tiền phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Bên cạnh nỗi lo về giá, hiện nông dân còn lo lắng về chất lượng phân bón. Thời gian qua, thông tin trên thị trường đã xuất hiện một số loại phân bón giả, kém chất lượng khiến nông dân lo ngại. Nhà nông rất mong các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhằm tránh thiệt hại cho nhà nông. Đặc biệt, đối với vụ lúa đông xuân, vốn được nhiều nông dân xem là vụ sản xuất lúa chính trong năm.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Nông dân mua phân bón tại Cửa hàng vật tư nông nghiệp Mỹ Ngọc ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ.

Chia sẻ bài viết