20/01/2011 - 21:34

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Nỗi lo hạn, mặn

Năm nào cũng vậy, đến mùa khô người dân Hòn Mấu (xã Nam Du, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) lại phải vận chuyển nước từ đảo khác về sinh hoạt. Ảnh: T.NGUYỄN

Viện Khoa học thủy lợi miền Nam dự báo năm 2011, ở các tỉnh ĐBSCL độ mặn nền sẽ thấp hơn cùng kỳ năm 2010. Độ mặn cao nhất năm nay rơi vào khoảng tháng 3 đến giữa tháng 4- 2011. Hầu hết các sông chính vùng biển Đông, độ mặn 4g/l có thể xâm nhập sâu vào khoảng 30- 40 km tính từ cửa sông. Tuy nhiên, hiện một số địa phương đã chủ động đóng cống giữ ngọt, ngăn mặn… để đảm bảo nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất của người dân.

* Nguy cơ thiếu nước sinh hoạt

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ biến đổi theo triều, đến ngày 20-1 mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu cao nhất đạt 1,6m, trên sông Hậu tại Châu Đốc 1,6m, cao hơn mực nước trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 0,10- 0,25m. Song, trên thực tế tại nhiều tỉnh ven biển, những đợt triều cường đã đẩy nước mặn lan nhanh. Nguy cơ thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân ven biển đang đến gần.

Tại các xã cù lao của Tiền Giang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn nguồn nước sinh hoạt. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Phòng, hiện 5 ao chứa nước ngọt trong tỉnh đã được dự trữ khoảng 130.000m3 đủ cho nhu cầu nước sinh hoạt của người dân 5 xã cù lao (Phú Đông, Phú Tân, Tân Thới, Tân Phú, Tân Thạnh của huyện Tân Phú Đông) trong vòng 3 tháng. Ngoài ra, địa phương còn tổ chức 19 điểm cấp nước ngọt miễn phí, giúp giảm khó khăn về nước sinh hoạt cho người dân... Tuy nhiên, người dân phải chủ động dự trữ và tiết kiệm nguồn nước ngọt sinh hoạt. Hiện nay, điều đáng lo ngại toàn tỉnh có trên 2.000 hộ dân sống xa trạm cấp nước, không có cây nước, nên phải vất vả với mùa khô năm nay.

Còn huyện An Biên thuộc vùng U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang), người dân vừa trải qua cơn “lũ mặn” tràn vào khu dân cư tại các xã Đông Yên, Đông Thái, thị trấn Thứ Ba và khu vực ven biển hồi đầu tháng 1-2011. Hơn mười năm nay mới xảy ra “lũ mặn” như những ngày qua. Phó Chủ tịch UBND huyện An Biên Lê Văn Hai cho biết: “Đến nay, An Biên đã bị 5 đợt ngập mặn, mỗi đợt kéo dài 2-3 ngày. Toàn huyện có khoảng 70km đường bị ngập sâu từ 10-30cm, gây khó khăn cho đời sống người dân”. Hiện các ngành chức năng huyện đã cùng người dân đắp đập tạm ngăn “lũ mặn” tràn vào vườn cây ăn trái, đường đi, nhà cửa... Ngoài ra, các xã Nam Du, An Sơn (huyện Kiên Hải), xã Tiên Hải (thị xã Hà Tiên) và một số đảo ở Phú Quốc cũng khan hiếm nước ngọt. Bà Trần Thị Thanh, một người dân sống ở xã Nam Du, cho biết: “Đến thời điểm này, nước ngọt đang dần cạn kiệt trên đảo. Năm nay, chắc không thoát khỏi tình trạng thay nhau “mót” nước. Xã đảo này chẳng năm nào không thiếu nước”. Theo các hộ dân hiện nhiều giếng nước ngọt trên đảo đã bị nhiễm mặn.

* Chủ động giữ ngọt

Hiện nhiều tỉnh ven biển đã chủ động đóng cống giữ nguồn nước ngọt và ngăn triều cường từ biển. Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Đến thời điểm này, độ mặn cao nhất trên các sông thuộc khu vực phía Đông của tỉnh Tiền Giang dao động từ 0,6-12,3g/l. Trong đó, cống Vàm Giồng đã đóng với độ mặn 0,6g/l. Tuy nhiên, năm nay, lũ nhỏ nên mặn mùa khô sẽ rất gay gắt, nồng độ mặn cao và sẽ lấn sâu vào nội đồng hơn so với năm 2010”. Theo ông Pháp, để đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt đủ nước tưới cho 28.987ha lúa ở các huyện phía Đông trong tổng số 85.115ha lúa vụ đông xuân toàn tỉnh, trong trường hợp hạn, mặn kéo dài, cần thực hiện vận hành hệ thống cống đúng quy trình, tích cực trữ nước trên kênh, ruộng; ngăn mặn triệt để. Đồng thời, sửa chữa kịp thời những cống không đảm bảo ngăn mặn; giải phóng chướng ngại vật lòng kênh, nạo vét thủy lợi nội đồng, kiểm soát chặt chẽ những khu úng và có kế hoạch tiêu úng hợp lý khi trữ nước.

Về nguồn nước sinh hoạt cho người dân ven biển, ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, cho rằng, các trạm cấp nước ở vùng có nguy cơ hạn, mặn cao phải chủ động phân bổ nguồn nước để duy trì hoạt động, cung cấp ổn định cho người dân. Trong trường hợp thiếu nguồn cấp nước thì tiến hành đấu nối giữa các trạm có nguồn trong điều kiện cho phép. Ngoài ra, khi nước trữ trên các kênh, rạch ở dự án ngọt hóa Gò Công nếu không đảm bảo về chất lượng, số lượng thì sử dụng nguồn nước từ nhà máy nước Bình Đức, huyện Châu Thành chuyển tải xuống để cung cấp cho toàn bộ nhân dân ở các huyện khu vực phía Đông. Sẽ mở trên 40 vòi nước công cộng các trạm cấp nước cho nhân dân ở các khu vực ven biển, ven sông chưa có nước từ các trạm cấp nước tập trung.

Tỉnh Kiên Giang có diện tích trồng lúa lớn nhất ĐBSCL. Đến nay, toàn tỉnh đã xuống giống xong 284.000 ha. Rút kinh nghiệm từ những năm trước và dự báo tình hình mùa hạn năm 2011 sẽ phức tạp, ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động nhiều giải pháp ngay từ khi dứt mưa. Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Trần Quang Củi cho biết: “Tất cả các cống ở khu vực Ba Hòn, Kiên Lương, Hòn Đất... đã được đóng từ cuối năm 2010 để giữ nguồn nước phục vụ trồng lúa và nuôi tôm ở vùng Tứ giác Long Xuyên. Năm nay, các huyện tại vùng U Minh Thượng được tổ chức đắp đập tạm ngăn mặn, bảo vệ lúa”...

Hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên (tỉnh An Giang), khoảng 50.000ha lúa đối mặt với tình trạng thiếu nước tưới. Trước tình hình đó, ngành thủy lợi địa phương đã thực hiện đóng cống trong 2-3 giờ/ngày để giữ nước ngọt khi có triều cường. Riêng vùng đất trồng lúa ở huyện Thoại Sơn, địa phương đã cho đắp 7 đập tạm để ngăn mặn vào khu vực này và khu vực nội đồng vùng Tứ giác Long Xuyên. Ngành nông nghiệp tỉnh An Giang, cùng với địa phương đã đầu tư khoảng 114 tỉ đồng từ nhiều nguồn để xây dựng 193 công trình đa mục tiêu (cống đập, đê tạm) để chống hạn, ngăn mặn mùa khô 2011. Hiện nay, An Giang đang chuẩn bị nạo vét 182 kinh, mương bị bồi lắng để dẫn nước tưới tiêu, sinh hoạt. Sự chủ động tích cực của các địa phương vùng ĐBSCL trong ứng phó với hạn và chống mặn sẽ giải quyết phần nào khó khăn về nguồn nước đối với sản xuất, sinh hoạt của người dân trong mùa khô 2011.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Năm nào cũng vậy, đến mùa khô người dân Hòn Mấu (xã Nam Du, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) lại phải vận chuyển n

Chia sẻ bài viết