16/09/2012 - 17:50

Nỗi lo của tân sinh viên!

Nhờ được ở ký túc xá, Nguyễn Văn Châu (người ngồi bên tay phải) cũng như các bạn sinh viên cùng phòng tiết kiệm được chi phí trong thời gian học đại học.

Cùng với tâm trạng háo hức được bước chân vào giảng đường đại học là bao nỗi lo âu cho cuộc sống xa nhà của hàng ngàn tân sinh viên. Nỗi lo lớn nhất của các tân sinh viên là có được chỗ ở ổn định, đảm bảo chi phí sinh hoạt và hòa nhịp được trong môi trường sống mới với bao điều khác biệt khi từ miền quê đến thành phố học tập.

Những ngày này, các tân sinh viên đã có những buổi sinh hoạt của khoa, lớp để chuẩn bị cho học kỳ đầu tiên của năm học mới. Thế nhưng còn không ít sinh viên vẫn đang cùng người nhà chạy tìm chỗ trọ. Chúng tôi gặp em Nguyễn Kim Thoa, tân sinh viên ngành chăn nuôi thú y, Trường Đại học Cần Thơ khi em tham gia buổi lao động đầu năm của khoa. Thoa cho biết, mấy ngày qua, em và mẹ em thăm hỏi nhiều nơi nhưng vẫn chưa tìm được chỗ trọ cho em. Em có nhà bà con nhưng ở phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, nhưng đi học xa trường, mấy chỗ gần trường thì giá đắt đỏ, có nơi lại không an toàn. Thoa và mẹ vẫn đang ở nhờ nhà người bà con ở Trà Nóc và tiếp tục tìm phòng trọ cho em.

Cùng cảnh ngộ với Thoa, Nguyễn Hoài Nhân, quê ở huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, tân sinh viên ngành Nông học (Trường Đại học Cần Thơ) vẫn đang ở tạm phòng trọ của người bạn cùng quê. "Em nhập học hôm 10-9 nhưng em và cha phải lên trước 1 tuần để tìm chỗ trọ. Em và cha được người quen hướng dẫn tìm phòng trọ ở khu vực gần trường, nhưng đến nơi thì được chủ nhà trọ thông báo hết phòng, những nơi còn phòng thì xa trường học, mà em lại đi xe đạp. Hiện tại, em và cha vẫn đang nhờ mấy anh chị khóa trước tìm giùm phòng trọ. Em không ngờ việc tìm chỗ ở lại khó đến thế…", Nhân bộc bạch.

Khi nhận được kết quả con mình đậu đại học, nhiều phụ huynh bên cạnh nỗi mừng vui, vẫn còn những lo toan chồng chất. Không chỉ vì các khoản học phí, chi phí sinh hoạt hàng tháng, mà tìm chỗ trọ an toàn, thuận tiện để con yên lòng tập trung học là nỗi lo thường trực của các phụ huynh. Trong điều kiện giá sinh hoạt ngày càng tăng, kéo theo giá phòng trọ cũng tăng vùn vụt. Với chi phí hiện nay, một sinh viên ở ngoại trú, bình quân mỗi tháng tiền thuê phòng từ 600.000-1.000.000 đồng, còn tiền điện, nước sinh hoạt, tiền ăn… nên cuộc sống xa nhà của không ít sinh viên càng khó khăn hơn.

Được vào ở ký túc xá là giải pháp lựa chọn của nhiều sinh viên, vì có thể tiết kiệm được nhiều khoản chi phí, an toàn, đi lại thuận tiện trong quá trình học tập, đặc biệt những em có hoàn cảnh khó khăn. Em Nguyễn Văn Châu, sinh viên ngành Sư phạm Toán khóa 38, Trường Đại học Cần Thơ, chia sẻ: "Khi nhìn thấy tên mình trên danh sách được trường xét cho vào ở ký túc xá, em mừng phát khóc. Em và bà ngoại dự tính nếu em không được vào ở ký túc xá, chắc em phải tạm gác ước mơ học đại học của mình, vì gia đình không đủ điều kiện để lo cho em. Sau khi ổn định việc học đầu năm, em sẽ tìm việc làm thêm". Mẹ của Châu bị bệnh tâm thần, em mồ côi cha từ lúc mới sinh. Châu được một tay bà ngoại nuôi dưỡng, chăm sóc và cho đi học. Bà Lê Thị Phiến, bà ngoại của Châu đã 62 tuổi, phấn khởi nói: "Hồi nào tới giờ tôi làm phụ hồ để có tiền lo cho cháu ăn học. Nó học giỏi, giờ đậu đại học, được ở ký túc xá, tôi mừng lắm, nhẹ lo được chi phí ở trọ của cháu. Tôi mong bản thân mình được mạnh khỏe để có thể tiếp tục đi làm lo cho nó trong 4 năm học tới". Còn chị Trần Thị Út ở huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang cho biết, mặc dù con gái chị nhập học ngày 9-9, nhưng ngày 27-8 là chị cùng con gái đã lên Trường Đại học Cần Thơ để làm thủ tục xin cho con gái được ở ký túc xá. Gia đình có sổ hộ nghèo nên con gái chị được vào ở ký túc xá. Chị Út nói: "Tôi rất yên tâm khi cháu được ở ký túc xá, vừa an toàn, vừa tiết kiệm được khoản tiền thuê phòng trọ. Nếu để cháu ở trọ bên ngoài chắc vợ chồng tôi không kham nổi…".

Tuy nhiên, chỗ ở nội trú số lượng có hạn, đặc biệt ưu tiên dành cho sinh viên là con em hộ nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn,… Được ở ký túc xá không chỉ là mơ ước của đông đảo sinh viên mà còn là niềm mong mỏi của nhiều phụ huynh có con học xa nhà. Tuy nhiên, bình quân mỗi năm học, Trường Đại học Cần Thơ tiếp nhận được khoảng 1.100-1.200 sinh viên vào ở nội trú, trong khi đầu năm học mới có hàng ngàn tân sinh viên nhập học. Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tường, Trưởng Phòng công tác sinh viên, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: "Đối với những trường hợp sinh viên thuộc diện có hoàn cảnh khó khăn, trường sẽ xét trực tiếp. Sau đó, trường tiếp tục xét những trường hợp nhu cầu ở nội trú. Hiện nay, các đơn vị thi công đang gấp rút hoàn thành công trình ký túc xá của trường, dự kiến đến đầu năm 2013 sẽ đưa vào sử dụng với 5.000 chỗ ở, tạo điều kiện thuận lợi hơn để sinh viên yên tâm học tốt".

Bài, ảnh: Thảo Mộc

Năm học 2012-2013, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức sinh hoạt Tuần lễ công dân cho các tân sinh viên. Từ ngày 9-9-2012, các khoa, chi hội sinh viên của các tỉnh cũng có những chương trình hỗ trợ cho tân sinh viên. Các tân sinh viên còn được tham gia các buổi sinh hoạt về kỹ năng sống, giúp các em tránh bỡ ngỡ trong môi trường sống mới. Theo Ban Quản lý KTX Trường ĐHCT, trong thời gian tới, khi các khu KTX mới như: KTX 8 block từ nguồn trái phiếu chính phủ, KTX của tỉnh Hậu Giang… được đưa vào sử dụng, sẽ nâng tổng số chỗ trọ trong KTX của trường lên hơn 9.700 chỗ cho sinh viên. Tuy nhiên, chỗ trọ trong KTX chỉ đáp ứng khoảng 30% so với nhu cầu của sinh viên toàn trường.


Chia sẻ bài viết