23/10/2017 - 14:57

Nỗi đau con - Ai khóc, ai cười? 

Khi mà các chương trình truyền hình thực tế (THTT) dành cho trẻ em nở rộ thì cuộc cạnh tranh giữa những nhà sản xuất càng khốc liệt. Để câu khách, họ đem đời tư của trẻ em phơi bày, đem nỗi đau tuổi thơ để gây dư luận. Sự bất nhẫn đó khiến kẻ khóc, người cười.

Nếu không có phần phóng sự về gia cảnh, phần thi của anh em Gia Quý- Gia Bảo trong “Gia đình song ca” vẫn rất hay. Ảnh: VnMedia

Mới đây, trong chương trình “Gia đình song ca”, sự xuất hiện của hai cậu bé là anh em ruột với giọng ca truyền cảm chiếm được tình cảm của khán giả. Hai bé hát được nhiều dòng nhạc, trình diễn phong cách, tự tin. Cảm xúc đó bị trôi tuột khi mà phóng sự về gia cảnh cậu bé được phát, rằng hai anh em phải ở với cha vì mẹ bỏ đi từ nhỏ; hai anh em khao khát gặp mẹ... Rồi cả lời bình phóng sự, lời người cha và lời người dẫn chương trình mập mờ trách cứ người mẹ ấy sao nhẫn tâm bỏ con. Câu chuyện ấy ai xác minh được? Và liệu có liên quan gì đến tài năng của hai cậu bé? Nhìn hai em sướt mướt trên sân khấu vì chuyện nhớ mẹ, càng thương hai em càng giận người lớn.

Hay chuyện về một Quán quân nhí quê Cần Thơ, gia cảnh khó khăn, phải sống với ông bà nội vì mẹ bỏ từ lúc mới lọt lòng. Dư luận xầm xì, kẻ bàn, người trách người mẹ ấy, hiện vẫn sống ở Cần Thơ. Sự bao dung là điều cần dạy những đứa trẻ, nhen nhóm làm gì ý niệm không hay của người lớn? Để rồi bây giờ khi cậu bé ấy đã nổi tiếng, con đường mẹ con sum hiệp lại xa vời hơn.

“Chơi dao có ngày đứt tay”, nhiều khi nhà sản xuất cũng “hố” khi mải mê khai thác đời tư của trẻ. Câu chuyện người cha nuôi những đứa con thiểu năng, bị mẹ bỏ rơi trong chương trình “Hát mãi ước mơ” là điển hình. Người mẹ ấy đã phản ứng. Không bàn chuyện ai đúng ai sai, nhưng ai đã xem chương trình, thấy những gương mặt ngơ ngác của những đứa trẻ ấy trên truyền hình, sao nghe đau trong lòng. Bệnh tật chưa đủ bất hạnh cho các em hay sao?

Hầu hết các chương trình THTT dành cho thiếu nhi đều khai thác triệt để gia cảnh của thí sinh. Trước mỗi phần thi đều có một clip nói rõ về gia cảnh của họ, về những bất hạnh, đau khổ: cha chết, mẹ bỏ, đau bệnh… Cùng với đó là giám khảo, MC, khán giả tại trường quay khóc nức nở, thương xót… Dĩ nhiên, các bé cũng sẽ khóc nghẹn ngào trong vòng tay chia sẻ cũng nhiều người. Khi chương trình được đăng tải, hàng ngàn bình luận, chia sẻ: thương có, mắng có… Miệng đời mà! Điều đó liệu có tốt không khi mà gia cảnh của bé sẽ được dùng để truyền thông? Trẻ em rồi sẽ thành người lớn, các em sẽ đối diện thế nào với tương lai của mình khi mà luôn bị người khác xem là bất hạnh, là yếu thế trong xã hội.

Ở phương diện pháp lý, các chương trình THTT dành cho trẻ em cho thấy kẽ hở về bảo vệ quyền trẻ em. Ai sẽ đảm bảo hình ảnh và thông tin cá nhân trẻ em không bị lạm dụng? Ai đảm bảo về thời gian làm việc, tập luyện của trẻ em khi tham gia THTT? Đã có sự tham gia cố vấn và giám sát của các chuyên gia hoặc cơ quan hữu quan về vấn đề bảo vệ quyền trẻ em hay chưa? Những câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ trong khi các phiên bản nhí cứ “như nấm sau mưa”. Thiết nghĩ, vai trò giám sát và kiểm duyệt nội dung của các cơ quan thực thi quyền bảo vệ trẻ em cần đậm nét hơn với các chương trình THTT dành cho trẻ em, từ quy trình tổ chức, sản xuất và phát sóng.

Trẻ khóc vì chuyện thắng thua, vì áp lực thi cử, tập luyện chưa đủ sao còn phải bắt trẻ khóc vì đời tư của mình và vay mượn thêm nước mắt của người khác. Bất nhẫn quá!

ĐĂNG HUỲNH 

Chia sẻ bài viết