02/01/2008 - 22:19

Nỗi buồn ở “thung lũng chết”

Vùng đất nằm dưới chân núi Phú Cường, rừng Sóc Rè, xã An Cư, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang còn có biệt danh “Thung lũng chết” vì nơi đây từng xảy ra thảm cảnh quân diệt chủng Pôn Pốt tràn qua biên giới tàn phá nhiều làng mạc gây cảnh giết chóc dã man. Bây giờ, không chỉ vì muốn xem sự hồi sinh sau những năm tháng đau thương, giới ăn chơi đang đổ về “thung lũng chết” để thưởng thức những món ẩm thực độc chiêu mà họ tin là sẽ “giúp tăng lực”. Thực trạng này đã dấy lên hồi chuông cảnh báo nạn hủy diệt động vật hoang dã ở nơi đây.

Nhồng lên đời!

Món nhồng chiên giòn hấp dẫn nhiều thực khách.

“Nhờ ăn các loại cỏ, côn trùng như bọ cạp, mối chúa, bửa củi... được đồn đãi là những vị thuốc “tráng dương” nên thằng này có công năng tăng cường bản lĩnh cho anh em mình hiệu nghiệm lắm!”. Nghe mấy ông râm ran bàn tán như vậy rồi đổ về “thung lũng chết” để lai rai món ẩm thực “nhồng đất” danh bất hư truyền. Tôi quyết định đến Sóc Rè. Nghe tôi hỏi chuyện nhồng, ông Chín Thốt Nốt (thứ chín, nấu đường Thốt Nốt nên gọi là Chín Thốt Nốt), một cư dân cố cụ của vùng mách bảo một cách nhiệt tình: “Nhồng đất là giống thằn lằn đất ở núi này. Thân nó lớn bằng ngón cẳng cái, cỡ con kỳ nhông, da xam xám, làm tổ bằng cách trổ hang xuống nền cát núi... Thằng này mà nướng lửa hồng nhắm với rượu đào lên men thì bá chấy!”.

Ông Chín mau mắn giới thiệu Hải, một thợ săn nhồng đất hiện chuyển sang săn bò cạp núi. Hải bật mí: “Nhồng đất chỉ xuất hiện vào mùa mưa. Thời điểm đó, chuột bọ sinh sôi nhiều nên chúng mới chịu bò ra khỏi hang “ních” cho căng bụng. Mùa nắng hạn, chúng rút sâu vào hang, tối đến chỉ ló đầu ra khỏi hang liếm sâu bọ nên rất khó tóm được”.

Hải đưa tôi sang một quán ăn dã chiến ven đường. Quán tuy lụp xụp không phô trương bảng hiệu nhưng dân nhậu khá đông, toàn là xe mang biển số thành phố Hồ Chí Minh. Trong quán đã thấy có nhóm 3 người đàn ông đang hân hoan nhắm nhồng nướng mọi, nhồng xào lăn, nhồng băm nhuyễn nấu cháo, nhồng xé phay trộn rau răm. “Món nào cũng nhức nhối hết đó. Quất vô tự nhiên tay chân muốn động thủ liền” - một ông khách nâng ly nói, vẻ mặt ra chiều rất phấn khích.

Hải tiếp tục câu chuyện săn nhồng. Có nhiều cách như đặt thòng lọng trước miệng hang, dùng cuốc đào trực tiếp nhưng hai chiêu này không cho năng suất cao bởi lẽ hang nhồng thường ăn sâu vào vách núi, mà sức người thì có hạn. Cách đặt thòng lọng chỉ có thể bắt được những con nhồng nhỏ chứ với những con nhồng lớn, chúng rất tinh tường. “Do vậy, chỉ có một cách là dùng cần câu câu như thể người ta câu cá. Tìm được hang rồi thì mình trổ tài thợ câu. Mồi câu nhồng chủ yếu là cào cào, châu chấu”- Hải chép miệng.

Vào mùa, nhồng đất có giá từ 80.000-120.000 đồng/kg tùy lớn nhỏ. Ở thời điểm hút hàng, các chủ quán sẵn sàng trả gần gấp đôi nhưng cánh thợ săn cũng đành bó tay bởi số lượng nhồng có hạn. Hải nói: “Mấy năm trước, nhồng nhiều lắm, đâu có mấy người ăn nên giá rẻ rề hà. Lúc mới rộ, mỗi ngày tui vừa câu vừa đào đến 3-4 kg. Bây giờ phải vài ba ngày mới được 1kg. Oải quá nên tui chuyển sang săn bọ cạp, mối chúa là vậy”.

“Hung thần”... trong cơn ruồng bố

Nhắc đến “đặc sản” ở “thung lũng chết” mà không điểm danh hung thần rắn hổ mây thì quả là thiếu sót lớn. Với nọc độc kinh người, loài bò sát máu lạnh này được cư dân địa phương mặc nhiên công nhận là “hung thần” nơi đây.

“Hung thần” núi Sóc Rè.

Ít nhiều hiểu biết về rắn, tôi đem thắc mắc: “Rắn hổ mây cắn có chết người đâu mà gọi là rắn độc”, thì được ông Sáu Cho, tổ sư bắt rắn và trị các ca rắn cắn thập tử nhất sinh có nhà ở lưng chừng núi, cho biết: “Nói hổ mây tuy hung dữ nhưng nọc độc của nó không gây chết người là đúng. Nhưng chỉ đúng một phần. Loài này, nếu giao phối với rắn nước sẽ cho ra thế hệ F2 có nọc độc còn kinh khủng hơn rắn hổ mang. Bị rắn lai cắn, chẳng có ông thầy nào cứu chữa kịp đâu. Vài giây sau khi bị nó cắn, kẻ xấu số lập tức nổi đỏ toàn thân, máu nghẽn lại đứt tĩnh mạch mà chết đau chết đớn”.

Trong câu chuyện “hung thần” rắn hổ mây, tôi được nhiều thợ săn côn trùng kiêm “săn tất tần tật con gì bán được, ăn được”, mách nước: Rắn hổ mây quả đúng là món tuyệt chiêu nhưng món này cực hiếm. Dù cho nó có phun nọc độc chết người nhưng với cái giá gần cả triệu đồng/kg, một khi chạm mặt với con độc xà này rồi, cánh thợ săn sẽ bằng bất kỳ mọi cách phải tóm cho bằng được.

Chín Biền, chủ một quán nhậu đặc sản thừa nhận chuyện không ít chủ doanh nghiệp, đại gia ở An Giang, các tỉnh lân cận và nhất là mấy ông ở thành phố Hồ Chí Minh không tiếc tiền để được nuốt mật, uống tiết, nhai thịt, gặm xương của rắn hổ mây. Gã chủ quán cười hề hề pha trò: “Ông có nghe chuyện rắn hổ mây tát cá chưa? Loài này được đồn đại khôn nhất trong họ nhà rắn, lại sống ở nơi thâm sơn cùng cốc, uống khí trời, hấp thụ linh khí của thiên địa nên uống tiết, nuốt mật, nhai thịt nó sẽ tích nạp được “phong ba bão tố” vào người. Bởi vậy bá tánh mới kết nó hà rầm đó chứ!”.

Tôi ngỏ ý muốn được lai rai hổ mây, cũng như một số chủ quán khác, Chín Biền nuối tiếc: “Loài này cực hiếm, ông hỏi bất tử như vầy, đố thằng nào kiếm ra. Muốn được thưởng thức, ông chịu khó để lại số điện thoại, khi nào có hàng, tui sẽ gọi ngay... Có thể là đôi ba ngày, cũng có khi cả tháng hổng chừng vì phải ưu tiên cho mấy mối quen dặn trước cái đã”.

Đôi điều đọng lại

Những ngày ở “thung lũng chết” đi tìm hiểu những món ăn đặc sản, chúng tôi nghe được nhiều chuyện buồn. Trước tiên là nỗi xót xa của các bậc cao niên trước cảnh tận diệt không thương tiếc động vật hoang dã nơi đây.

Món đặc sản nhồng đất với tiếng đồn về loài bò sát này đã khiến kẻ săn, người bán hân hoan vì kiếm được nguồn thu không nhỏ. Vấn đề ở chỗ đây là loài khắc tinh của chuột bọ. Trước cảnh khắc tinh bị truy sát sau đó là phơi mình trong các quán nhậu, lũ chuột bọ ắt có dịp vô tư đại náo đồng ruộng. Nhìn cảnh “Hung thần” rắn hổ mây trong cơn ruồng bố cũng khiến người ta quặn lòng. Bắt rắn bán được nhiều tiền nên dù có gặp phải nhiều nguy cơ tử mạng vì bị độc xà cắn nhưng nhiều phường săn vẫn không từ nan. Bất chấp hiểm nguy, ngày lại ngày, hàng trăm con người với bẫy bọng luồn rừng bổ núi, lùng sục khắp hang cùng ngõ ngách săn độc xà.

Nhiều người cảm thấy viễn cảnh đen tối của hệ sinh thái tại vùng núi Sóc Rè nói riêng, tỉnh An Giang nói chung đang bị tàn phá. Thấy cả sự vô tình đến lạnh lùng từ các môn đồ của trào lưu ăn của lạ để tráng dương bổ thận khi vẫn thẳng tay vung tiền uống tiết, nuốt mật, nhai thịt những con vật hữu ích của nhà nông, có tên trong danh mục các loài động vật đứng trước bến bờ tuyệt diệt. Mong chính quyền, các ngành chức năng nơi đây có ngay biện pháp ngăn chặn nạn “chảy máu” các loài động vật quý hiếm này.

Bài, ảnh: NGUYỄN THÀNH DŨNG

Chia sẻ bài viết