31/05/2012 - 20:29

BAN CÔNG BINH BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ TP CẦN THƠ

Nỗ lực vì sự bình an của nhân dân

Các cán bộ, chiến sĩ Ban Công binh, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS thành phố đang tháo kíp nổ, xử lý an toàn những quả bom thu gom ở bờ sông Hậu.

Chiến tranh lùi xa nhưng nhiều nơi vẫn còn sót lại bom, đạn chưa nổ nằm sâu trong lòng đất. Nhằm hạn chế tối đa hậu quả do bom, đạn gây ra, bình quân mỗi năm, Ban Công binh, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) TP Cần Thơ đã thu gom trên địa bàn thành phố từ 5-7 tấn bom, đạn sót lại sau chiến tranh.

Ngày cuối tháng 5-2012, chúng tôi theo chân các cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) Ban Công binh, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS thành phố đi thu gom những quả bom, đạn sót lại sau chiến tranh dọc bờ sông Hậu, đoạn thuộc địa phận quận Ô Môn. Trong nhiều giờ, các CB, CS dầm mình dưới nước dùng dụng cụ dò tìm để xác định vị trí của những quả bom, đạn, rồi đào tìm, đưa lên mặt đất. Kết thúc ngày làm việc, các CB, CS đã thu gom được 2 quả bom loại 500 LBS (nặng 250 kg), 3 quả bom loại 250 LBS (nặng 125 kg) và thu gom 7 quả đạn roc két (7 kg/quả) đưa về điểm tập kết, xử lý.

Thượng tá Nguyễn Văn Hạnh, Chủ nhiệm Ban Công binh, cho biết: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, TP Cần Thơ hứng chịu nhiều bom, đạn. Có lúc địch chở bom, đạn đi đánh các nơi không hết, lúc về trút xuống sông Hậu đoạn thuộc địa bàn Thốt Nốt, Ô Môn... Bộ Tư lệnh Công binh (Bộ Quốc phòng) xác định địa bàn thành phố là một trong những địa điểm bom, đạn sót lại sau chiến tranh nhiều nhất nước. Nhằm thực hiện tốt công tác thu gom, hạn chế hậu quả do bom, đạn sót lại trong chiến tranh gây ra, những năm qua, Bộ CHQS thành phố đã đầu tư mua sắm nhiều phương tiện, máy móc, trang thiết bị để thực hiện tốt việc dò tìm, thu gom bom, đạn. Bộ CHQS thành phố cũng phối hợp với Trường Sĩ quan Công binh tập huấn cấp chứng chỉ rà phá bom, đạn cho 50 CB, CS của Ban Công binh, Trung đội Công binh và các đơn vị. Bộ CHQS thành phố cũng chỉ đạo Ban CHQS các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền để trong quá trình lao động, sản xuất, phát hiện bom, đạn nhân dân thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương hoặc trực tiếp với Ban Công binh. Chính vì thế, thời gian qua, Ban Công binh đã thực hiện tốt nhiệm vụ thu gom bom, đạn và xử lý kịp thời.

Dù công việc nặng nhọc, vất vả, nguy hiểm nhưng các CB, CS Ban Công binh Phòng Tham mưu, Bộ CHQS thành phố luôn thể hiện quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ rất cao, nhằm bảo đảm an toàn cho nhân dân. Thượng tá Nguyễn Văn Hạnh, Chủ nhiệm Ban Công binh, nói: “Hầu hết các quả bom, đạn thường nằm ở độ sâu trong lòng đất từ 1-2,5 mét, do vậy, việc thu gom không hề đơn giản. Khi đào phải thận trọng, đào xong phải di chuyển bom, đạn lên mặt đất và chở về điểm tập kết để xử lý an toàn. Nếu quả bom đạn nằm trên vị trí đất khô thì đỡ cực, còn nếu nằm dưới mặt nước thì việc đào tìm rất khó khăn, mệt nhọc...”. Không chỉ cực nhọc trong khâu đào tìm, những CB, CS làm nhiệm vụ này cũng luôn phải đối diện với nguy hiểm, nhất là ở khâu tháo kíp nổ, xử lý an toàn. Thượng úy Huỳnh Phước Vĩnh, Trợ lý Ban Công binh đang tay búa, tay đục cẩn thận tháo kíp nổ của của bom 500 LBS, nói: “Để bảo đảm trong quá trình tháo kíp nổ, xử lý an toàn, chúng tôi phải thực hiện từng thao tác thật cẩn thận, tỉ mỉ. Chỉ một sai sót dù nhỏ, sẽ nguy hiểm đến tính mạng của mình và những người xung quanh...”. Các loại bom, đạn sau khi thu gom và xử lý an toàn xong, Ban Công binh chuyển giao cho Lữ đoàn Công binh 25, Quân khu 9.

Bình quân mỗi năm, Ban Công binh, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS thành phố đã thu gom, xử lý an toàn từ 5-7 tấn bom, đạn còn sót lại trong chiến tranh, được Bộ Tư lệnh Quân khu 9, UBND TP Cần Thơ tặng nhiều Bằng khen. Thượng tá Nguyễn Văn Hạnh, Chủ nhiệm Ban Công binh, nói: “Chúng tôi mong rằng khi phát hiện bom, đạn, mọi người dân báo ngay cho chính quyền địa phương để chúng tôi kịp thời thu gom, xử lý, góp phần làm sạch lòng đất, bảo đảm an toàn cho mọi người trong lao động, sản xuất và xây dựng các công trình”.

Bài, ảnh: ANH DŨNG

Chia sẻ bài viết