20/12/2012 - 20:41

Phong Điền

Nỗ lực phòng chống bệnh chổi rồng trên cây nhãn

Cùng với cây dâu Hạ Châu, sầu riêng, chôm chôm và vú sữa thì cây nhãn cũng được huyện Phong Điền xác định là một trong những loại cây trồng chủ lực của địa phương do có hiệu quả kinh tế khá cao. Nhưng một vài năm gần đây, bệnh chổi rồng trên cây nhãn đã xuất hiện, gây hại tại hầu hết các vườn nhãn trên địa bàn huyện làm cho năng suất nhãn bị sụt giảm nghiêm trọng. Để khôi phục năng suất, sản lượng và giữ vững các diện tích trồng cây nhãn trên địa bàn, cùng với sự hỗ trợ của thành phố, chính quyền và nhân dân huyện Phong Điền đang nỗ lực thực hiện các biện pháp nhằm khống chế bệnh chổi rồng trên cây nhãn…

* Tập trung tuyên truyền

Cán bộ ngành nông nghiệp huyện Phong Điền cấp phát thuốc trừ nhện lông nhung cho các hộ dân trồng nhãn ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền. 

Trên địa bàn huyện có hơn 5.500 ha diện tích trồng cây ăn trái thì có hơn 341 ha trồng nhãn. Nhãn tại huyện Phong Điền chủ yếu là nhãn tiêu da bò, được trồng rãi rác tại hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, trong đó tập trung nhiều là ở 2 xã Nhơn Nghĩa và Trường Long. Qua rà soát, thống kê của các ngành chức năng và địa phương trên địa bàn huyện, trên tổng diện tích hơn 341 ha nhãn đã có hơn 323ha nhãn của 919 hộ dân canh tác đã bị nhiễm bệnh chổi rồng. Tuy nhiên, việc phòng chống dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn sẽ chỉ đạt được hiệu quả cao khi được mọi người dân hiểu và tích cực tham gia cùng với chính quyền. Do cây nhãn được trồng trãi khắp trên nhiều địa bàn của huyện và số hộ dân có diện tích trồng nhãn nhiều nhưng mỗi hộ thường có diện tích không nhiều nên đây là một trở ngại lớn. Ngoài ra, ý thức tham gia phòng chống dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn của một số hộ dân cũng còn hạn chế.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Phong Điền, khó khăn là vậy nhưng công tác phòng chống dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn ở địa bàn huyện cũng có thuận lợi lớn là luôn được sự quan tâm chỉ đạo rất sát sao và thường xuyên liên tục của Huyện ủy, UBND huyện. Ngay từ rất sớm lãnh đạo huyện đã có chỉ đạo cho ngành nông nghiệp huyện cùng các ban ngành, đoàn thể, địa phương thực hiện tốt các chỉ đạo của Trung ương và thành phố về việc phòng chống dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn, phát huy tốt sức mạnh của cả hệ thống chính trị và dồn sức cho những địa bàn có diện tích trồng nhãn nhiều. Trong đó, đặc biệt chú ý đến công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng đến các cấp các ngành chức năng và người dân về mối nguy hại từ bệnh chổi rồng trên cây nhãn để mọi người hiểu, biết cách phòng chống bệnh và cùng nhau tham gia thực hiện.

Ngay sau khi UBND TP Cần Thơ có quyết định công bố dịch chổi rồng trên cây nhãn vào tháng 4-2012 và Sở NN&PTNT thành phố ban hành kế hoạch triển khai phòng chống dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn trên địa bàn thành phố vào tháng 6-2012, huyện Phong Điền đã tiến hành xây dựng ngay kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn huyện. Ngày 11-7-2012, UBND huyện Phong Điền đã ban hành Kế hoạch số 281/KH-UBND về việc triển khai phòng chống dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn trên địa bàn huyện nhằm thông tin tuyên truyền sâu rộng cho tất cả nông dân trồng nhãn về tình hình bệnh chổi rồng ở địa phương, tác nhân gây hại, khả năng phát triển, lây lan, nguy cơ đe dọa năng suất và biện pháp phòng trừ trên phạm vi cộng đồng. Tổ chức triển khai, vận động nông dân thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ, dập dịch bệnh chổi rồng trên nhãn, hạn chế thiệt hại năng suất cho nhà vườn. Mục tiêu là nhằm phát động và tổ chức vận động tất cả các nhà vườn trồng nhãn tại các xã, thị trấn thực hiện tốt việc cắt và tiêu hủy cành nhãn bị bệnh chổi rồng để diệt nguồn bệnh và nhện lông nhung đang lưu tồn trên các vườn nhãn hiện nay. Thực hiện các biện pháp phòng trừ bệnh chổi rồng theo đúng qui trình hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật. Đồng thời, chăm sóc, quản lý dinh dưỡng hợp lý, tạo điều kiện cho cây phát triển tốt, tăng cường sức chống chịu, từ đó hạn chế sự phát triển, lây lan và tái nhiễm của bệnh, bảo vệ năng suất, sản lượng nhãn…

* Huy động sự tham gia của cộng đồng

Trên cơ sở đó, huyện Phong Điền thành lập Ban chỉ đạo phòng chống bệnh chổi rồng trên cây nhãn trên địa bàn huyện, phân công các tổ kỹ thuật phụ trách từng xã, tiến hành tập huấn kỹ thuật và thực hiện các hỗ trợ về chi phí cắt tỉa cành nhãn và cấp phát thuốc phun trừ nhện lông nhung (là vật môi giới lây truyền bệnh chổi rồng trên nhãn) cho 6 lần phun cho trên 300 ha nhãn theo qui trình hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật.

Trước đây, nhiều nông dân trồng nhãn trên địa bàn Phong Điền đã quan tâm đến việc phòng chống bệnh chổi rồng trên cây nhãn nhưng có lẽ do thực hiện chưa đúng cách và chưa đồng loạt nên hiệu quả mang lại chưa như mong muốn. Nay được sự tập huấn kỹ thuật của ngành chức năng và được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí phòng chống dịch bệnh, nông dân đã tích cực tham gia hưởng ứng. Ông Nguyễn Thanh Phong có 11 công nhãn ở ấp Trường Thuận, xã Trường Long, huyện Phong Điền, cho biết: "Nhãn của tôi đã được 12 năm tuổi, các năm trước thu nhập từ vườn nhãn nhà tôi rất tốt, với năng suất khoảng 2 tấn/năm và giá bán bình quân trên 10.000 đồng/kg, mỗi công nhãn có thể cho thu nhập trên 15 triệu đồng/năm. Nhưng 3 năm trở lại đây, vườn nhãn của tôi bị nhiễm bệnh chổi rồng ngày càng nặng làm cho nhiều cây nhãn hầu như không còn cho trái. Dù thực hiện các biện pháp phòng trị nhưng có lẽ làm chưa đúng quy trình và sử dụng chưa đúng thuốc nên hiệu quả hạn chế. Nay được Nhà nước cấp phát thuốc và hướng dẫn quy trình phòng bệnh tôi rất phấn khởi, tôi tin rằng nếu mọi nhà vườn trồng nhãn cùng tham gia thực hiện sẽ khống chế được dịch bệnh". Ông nguyễn Thái Hùng ở ấp Tân Thuận, xã Nhơn Nghĩa, có 2,5 công nhãn được 3 năm tuổi, cũng cho biết: "Đã cắt tỉa, tiêu hủy cành nhãn bị bệnh chổi rồng và tiến hành phun 3 lần thuốc trừ nhện lông nhung và thấy nhãn ra đọt mới ít bị nhiễm bệnh. Hiện tôi cũng đã nhận được thuốc cấp phát của Nhà nước cho 4 lần phun tiếp theo. Tôi tin rằng việc ra quân phòng chống bệnh chổi rồng theo hướng cộng đồng và đồng loạt như hiện nay sẽ mang lại kết quả tốt".

Theo Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, để phòng trừ bệnh chổi rồng hiệu quả, huyện mở hàng chục lớp tập huấn, hướng dẫn cách phòng chống dịch bệnh. Đầu tiên là mở các lớp tập huấn cho cán bộ, ban ngành và đoàn thể, sau đó trực tiếp xuống các xã và ấp nhằm tạo thuận lợi và huy động được các hộ dân trồng nhãn tham gia. Ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, cho biết: "Việc phòng chống dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn trên địa bàn huyện đã huy động được sự tham gia khá tốt của người dân. Đại đa số bà con trên địa bàn huyện đều ủng hộ và thực hiện theo các hướng dẫn của ngành chức năng, nhất là khi bà con được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí trong việc phòng chống dịch bệnh".

Tuy nhiên, huyện Phong Điền cũng xác định phòng chống bệnh chổi rồng trên nhãn là nhiệm vụ lâu dài vì rất khó có thể tiêu diệt triệt để ngay nhện lông nhung để bệnh chổi rồng không tái phát trên cây nhãn. Thực tế đó, đòi hỏi các nhà khoa học và ngành chức năng ở Trung ương và thành phố phải có sự nghiên cứu sâu thêm nữa để đưa ra các khuyến cáo đồng bộ. Ngoài ra, cũng cần có các hỗ trợ về dụng cụ kỹ thuật cho địa phương (như các kính lúp) để giúp nhận biết sự có mặt của nhện lông vì mắt thường không nhìn thấy được, qua đó giúp địa phương có khuyến cáo kịp thời cho nông dân, tránh phun xịt thuốc lãng phí.Về phía huyện Phong Điền, bên cạnh việc thực hiện các hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật cơ bản nhất để giúp người dân quản lý dịch bệnh trên địa bàn, huyện cũng nhận thấy có một số giống nhãn chống chịu bệnh chổi rồng tốt mà trồng cũng cho hiệu quả kinh tế khá cao nên đã khuyến khích người dân chuyển một phần diện tích nhãn tiêu da bò sang trồng những giống mới.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết