08/10/2017 - 16:27

Nỗ lực “nhân đôi” số doanh nghiệp hiện có 

Cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (DN), UBND TP Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch số 41/KH-UBND (Kế hoạch 41) về khởi sự DN đến năm 2020 và Quyết định số 1784/QĐ-UBND (Quyết định 1784) về việc ban hành một số giải pháp chủ yếu triển khai thực hiện Kế hoạch số 41. Các văn bản này đề cập đến kế hoạch, chương trình hoạt động nhằm giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các DN đang hoạt động cũng như hỗ trợ các DN khởi nghiệp. Với động thái tích cực này, TP Cần Thơ đặt mục tiêu phát triển gấp đôi số DN hiện có.

Lãnh đạo thành phố tham quan thực tế sản xuất tại DNTN Cơ khí Sông Hậu, Khu Công nghiệp Trà Nóc 2.

Đóng góp vào sự phát triển chung

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, thành phố hiện có khoảng 6.928 DN với tổng số vốn đăng ký khoảng 55.545 tỉ đồng, bình quân 8,05 tỉ đồng/DN, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 101.534 lao động, trong đó lao động nữ chiếm 40%. Bình quân hằng năm có khoảng 1.000 DN mới thành lập, tạo việc làm mới cho khoảng 10.000 lao động. Trong những năm qua, cộng đồng DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh có nhiều đóng góp quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước cũng như tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Ngoài ra, cộng đồng DN còn tham gia ủng hộ và tài trợ tích cực cho các công trình phúc lợi xã hội công cộng và các hoạt động văn hóa xã hội của địa phương, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đánh giá: Sau  hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35, việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ khởi sự DN và phát triển DN trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các ngành, các cấp. Nhiệm vụ này được thể chế hóa thành các chương trình, kế hoạch hành động của UBND thành phố; các sở ban ngành và các quận, huyện. Với tinh thần xây dựng “chính quyền phục vụ”, thực hiện cam kết về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy hình thành và phát triển DN, thành phố triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, thiết thực hỗ trợ DN phát triển và trở thành động lực phát triển của nền kinh tế. Thành phố cũng khuyến khích DN nêu cao ý thức tuân thủ pháp luật; xây dựng văn hóa DN, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của DN; cạnh tranh lành mạnh, hợp tác đổi mới sáng tạo…

Theo ông Lê Mạnh Tùng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, Kế hoạch 41 và Quyết định 1784 đã tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức của cán bộ, công chức tại các sở ngành và quận, huyện, tạo được sức lan tỏa trong người dân và cộng đồng DN. Những nỗ lực này nhằm hướng TP Cần Thơ trở thành “Thủ phủ” khởi nghiệp vùng ĐBSCL như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo của UBND thành phố, các sở ngành hữu quan có nhiều động thái tích cực trong việc hỗ trợ DN khởi nghiệp. Cục Thuế thành phố xây dựng Kế hoạch rà soát, vận động chuyển đổi 10% số hộ kinh doanh cá thể sang hoạt động theo loại hình DN. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Hội chợ triển lãm phối hợp với các bên có liên quan xây dựng Kế hoạch Xúc tiến kêu gọi các DN ngoài thành phố, DN nước ngoài thành lập DN và hoạt động tại Cần Thơ. Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cũng đang phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ tổ chức “Cuộc thi khởi nghiệp cho DN”...

 Tăng về lượng, mạnh về chất

Để tạo điều  kiện cho DN phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, theo  bà Nguyễn Ngọc Thùy Dương, Phó phòng Kinh doanh, Công ty TNHH MTV Phạm Nghĩa T&N, Khu Công nghiệp Tiểu thủ công nghiệp Cái Sơn Hàng Bàng, ngành chức năng thành phố cần tiếp tục sát cánh cùng DN trong việc tổ chức các đợt xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các buổi kết nối cung cầu để các DN, nhà đầu tư có cơ hội gặp gỡ, hợp tác làm ăn. Còn ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc Công ty TNHH nông sản sạch Đại Thuận Thiên, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều (một DN khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất rau sạch), kiến nghị thành phố thực hiện mô hình cà phê doanh nhân để DN được trực tiếp bày tỏ các vấn đề gặp phải trong quá trình sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về khởi sự DN để DN có thể nâng cao trình độ trong quản lý.

Các DN tìm kiếm cơ hội hợp tác, làm ăn tại Hội nghị “Kết nối cung cầu nông sản sạch, an toàn” vừa diễn ra tại TP Cần Thơ. 

Theo ông Phạm Minh Quốc, Giám đốc Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc (KVIP), thời gian qua, KVIP có nhiều chính sách ưu đãi cho DN trong giai đoạn ươm tạo như: Miễn thuế nhập khẩu đối với trang thiết bị phục vụ ươm tạo trong nước chưa sản xuất được; hỗ trợ chi phí đào tạo đối với cán bộ và công nhân của DN ươm tạo; hỗ trợ chi phí mua thiết bị, vật tư phục vụ nghiên cứu ươm tạo cho các dự án khởi nghiệp… Tuy nhiên, mô hình vườn ươm còn khá mới mẻ, ngành nghề ươm tạo hạn chế nên số lượng DN tham gia còn ít. Do đó, KVIP mong muốn thành phố tiếp tục hỗ trợ trong công tác quảng bá, giới thiệu; điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách cho phù  hợp với điều kiện thực tiễn; kêu gọi các DN đẩy mạnh hoạt động R&D… Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP Cần Thơ cho rằng, cần sự hợp lực của Hội Doanh nhân trẻ, Hiệp hội DN TP Cần Thơ hoặc nghĩ đến nguồn lực từ các tổ chức phi Chính phủ để phục vụ công tác phát triển, khởi sự DN.

Để đạt mục tiêu 13.800 DN vào năm 2020 đảm bảo “tăng về lượng, mạnh về chất”, Quyết định 1784 đề ra nhiều giải pháp liên quan đến tuyên truyền phổ biến thúc đẩy, hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi sang loại hình hoạt động DN; cải cách hành chính, hỗ trợ về môi trường pháp lý; bồi dưỡng kiến thức về hoạt động, quản lý và chính sách hỗ trợ DN; tăng cường chính sách hỗ trợ đối với lĩnh vực công nghiệp, thương mại và tăng cường quản lý Nhà nước. “Ngoài các lĩnh vực truyền thống, Cần Thơ mong muốn thu hút đầu tư, kêu gọi thành lập DN về nông nghiệp sạch, dịch vụ các loại, văn hóa, vui chơi giải trí, các ngành nghề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn… Thành phố sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện về mọi mặt để DN vững tin trong hoạt động lập nghiệp, khởi nghiệp. Đồng thời, tiếp tục sát cánh cùng DN thông qua qua các hoạt động như: dự báo thị trường; giải quyết hàng tồn kho; hỗ trợ đối với các thương vụ có tranh chấp; hoàn thiện hạ tầng để DN phát triển sản xuất, giao thương…” - ông Võ Thành Thống khẳng định.

Kế hoạch 41 đặt mục tiêu đến năm 2020, xây dựng DN thành phố có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững; có ít nhất 13.800 DN hoạt động, trong đó có các DN quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực DN đóng góp trên 63% GRDP của thành phố. Trong đó, DN Nhà nước đóng góp khoảng 22,55% GRDP và 21,4% thu ngân sách thành phố; khu vực DN ngoài Nhà nước đóng góp khoảng 38% GRDP thành phố. Hằng năm, có khoảng 30 - 35% DN có hoạt động đổi mới sáng tạo. Bám sát Kế hoạch số 41, Quyết định số 1784 nêu rõ, tổng cộng DN thành lập mới giai  đoạn 2017-2020 là 6.900 DN. Trong đó, năm 2017 là 1.450 DN, 2018 là 1.700 DN, 2019 là 1.850 DN và năm 2020 là 1.900 DN.

Bài, ảnh: MỸ THANH 

Chia sẻ bài viết