28/08/2015 - 08:45

Nỗ lực nâng cao chuỗi giá trị hàng nông sản

Ngành nông nghiệp nước ta đang đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu, sản xuất theo hướng thị trường… Trong đó, vai trò của các doanh nghiệp trong sản xuất theo chuỗi giá trị hàng nông sản rất quan trọng trong quá trình hội nhập, góp phần nâng cao tính bền vững và hiệu quả sản xuất tốt hơn...

ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước với các sản phẩm chủ lực như: lúa gạo, thủy sản, trái cây... Các địa phương trong vùng cũng đang đẩy mạnh tái cơ cấu nền nông nghiệp theo xu hướng chung của cả nước, định hướng nông dân sản xuất theo nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị hàng nông sản đáp ứng tốt yêu cầu đẩy mạnh xuất khẩu…

Ngành lúa gạo của Tập đoàn Lộc Trời đã phát triển được nhiều sản phẩm chất lượng cao.

Trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp vai trò của các doanh nghiệp trong lĩnh nông nghiệp rất quan trọng, đóng góp tích cực và mang lại giá trị bền vững cho nền nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta. Ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, cho rằng: "Chuỗi liên kết 4 nhà rất đúng đắn. Trong liên kết 4 nhà, công ty là một trong những nhân tố cực kỳ quan trọng, nếu như không có công ty tất cả các lĩnh vực khác làm rất khó. Hiện nay người nông dân có thể sản xuất và làm được rất nhiều thứ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhưng có một điều là người nông dân không thể quyết định sản phẩm của họ làm ra. Vì vậy, sự liên kết của doanh nghiệp đối với nông dân để tiêu thụ sản phẩm, đồng thời hướng đến vùng thị trường, hướng đến vùng nguyên liệu tốt, có những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Doanh nghiệp cần tìm thị trường và sau đó phối hợp với nông dân. Hợp tác với nông dân và bao tiêu sản phẩm là một trong những định hướng cần phải phát triển để nâng cao nền nông nghiệp Việt Nam…

Còn theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN&PTNT, sản xuất theo chuỗi giá trị rất quan trọng trong quá trình hội nhập hiện nay, góp phần nâng cao được hiệu quả sản xuất và đảm bảo được việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, có được thị trường bền vững, đây cũng là yêu cầu của thị trường kể cả trong nước và quốc tế…

Tại TP Cần Thơ, trong vụ đông xuân 2014-2015 đã xây dựng "Cánh đồng lớn" đạt diện tích 17.630 ha, hè thu 2015 đạt 16.700 ha, vụ thu đông đang xuống giống dự kiến đạt khoảng 8.000 ha. Những vụ lúa gần đây, tỷ lệ diện tích "Cánh đồng lớn" được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm chiếm khoảng 60-70%, ngoài ra các doanh nghiệp còn mạnh dạn đầu tư giống, vật tư nông nghiệp cho nông dân sản xuất, cùng chia sẻ với nông dân về lợi nhuận cũng như giúp nông dân giảm áp lực chi phí đầu vào. Có khoảng 20 doanh nghiệp đã tham gia đầu tư, bao tiêu sản phẩm cho "Cánh đồng lớn" của thành phố như: Gentraco, Trung An, Hoàng Minh Nhựt, Bình Điền, Phân Bón 5 Sao, Bảo vệ thực vật An Giang, Bayer, Nông nghiệp Cờ Đỏ, Nông trường Sông Hậu… Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Nông dân sản xuất theo mô hình "Cánh đồng lớn" ở Cần Thơ lợi nhuận tăng thêm từ 2-5 triệu đồng/ha, đạt 20-30 triệu đồng/ha đối với vụ lúa đông xuân. Qua "Cánh đồng lớn" nông dân còn liên kết từ sản xuất nhỏ lẻ thành vùng nguyên liệu, liên kết tiêu thụ hàng hóa với doanh nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa. Còn đối với doanh nghiệp có cơ sở xây dựng vùng nguyên liệu. Trong "Cánh đồng lớn" vai trò của doanh nghiệp gần như là quan trọng nhất, phát huy vai trò tiêu thụ, khẳng định sản phẩm đặc trưng, từ đó xây dựng vùng nguyên liệu, đặt hàng nông dân sản xuất, qua đó cũng nâng cao được giá trị gia tăng hàng hóa nông sản…

Ở ĐBSCL, Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang - AGPPS là một trong những doanh nghiệp gắn kết mật thiết với nông dân. Để hỗ trợ nông dân sản xuất hiệu quả, năm 2006, AGPPS bắt đầu xây dựng lực lượng 3 Cùng và triển khai chương trình lớn Cùng nông dân ra đồng, đến nay lực lượng 3 Cùng đã đạt 1.325 kỹ sư nông nghiệp. Các kỹ sư 3 Cùng cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân trên khắp cả nước, chuyển giao những giải pháp khoa học tiên tiến giúp nâng cao năng suất và chất lượng nông sản của nông dân Việt Nam. Ngoài ra, lực lượng 3 Cùng cũng phục vụ AGPPS xây dựng vùng nguyên liệu rộng lớn và xây dựng Chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo. Anh Hồ Văn Thơ, một thành viên lực lượng 3 Cùng, cho biết: "Lực lượng 3 Cùng chúng tôi luôn cùng bà con nông dân chia sẻ những khó khăn vất vả trong sản xuất, sát cánh với nông dân để mang đến tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Lực lượng 3 Cùng cũng góp phần xây dựng nên thương hiệu công ty, xây dựng hình ảnh lực lượng 3 Cùng trở thành người chiến sĩ trên mặt trận tam nông…".

Không chỉ xây dựng lực lượng cán bộ kỹ thuật đông đảo cùng nông dân ra đồng, AGPPS còn được biết đến với vai trò đi đầu trong xây dựng "Cánh đồng lớn" trong sản xuất lúa gạo ở nước ta. Năm 2010, ngành Lương thực của công ty chính thức được khởi động, những cánh đồng mẫu lớn đầu tiên được công ty xây dựng trên khắp vùng ĐBSCL và xây dựng nên Chuỗi giá trị lúa gạo. Mô hình "Cánh đồng lớn" hiện đang được nhân rộng ở các địa phương trong cả nước. Nông dân Nguyễn Minh Hiếu (ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), cho biết: "Tôi tham gia chuỗi giá trị lúa gạo của AGPPS đã được 4 năm, qua 12 vụ lúa. Nông dân gắn kết với doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi giá trị có được rất nhiều lợi ích như: không còn phải lo về giống, thuốc bảo vệ thực vật (do công ty cung cấp), cả về kỹ thuật đã được lực lượng 3 Cùng chuyển giao... Bớt lo chi phí đầu vào, nông dân an tâm sản xuất trên mảnh đất của mình, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ít lại bảo vệ được môi trường, năng suất lại tăng, lợi nhuận cao, đời sống người dân khấm khá hơn. Tôi đang công tác 12 ha, lợi nhuận bình quân mỗi năm vào khoảng 350-400 triệu đồng…".

Nhằm đem lại sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao và an toàn cho người tiêu dùng trong nền kinh tế hội nhập toàn cầu, đồng thời thể hiện đúng tầm vóc, lĩnh vực hoạt động, giá trị mới của công ty, vừa qua AGPPS đã quyết định chuyển đổi thành tập đoàn và mang tên gọi mới là Tập đoàn Lộc Trời. Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, cho biết: Sự chuyển đổi này trước hết nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững của công ty trong bối cảnh mới. Chiến lược của tập đoàn đến năm 2045 sẽ trở thành tập đoàn nông nghiệp tri thức, có chuỗi giá trị bền vững hàng đầu thế giới, cam kết cung cấp cho xã hội những sản vật quí, an toàn và chất lượng, mang đến sự an tâm và tin tưởng tuyệt đối cho cộng đồng và xã hội…

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết