28/07/2009 - 20:55

Đồng bằng sông Cửu Long

Nỗ lực gỡ khó cho xuất khẩu nông, thủy sản

Một cơ sở thu mua và xuất khẩu bưởi da xanh ở Bến Tre.
Ảnh: HỮU HIỆP

Kim ngạch xuất khẩu của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong 6 tháng đầu năm 2009 đạt 2,2 tỉ USD, đạt gần 37% kế hoạch năm, giảm 9,7% so cùng kỳ và chiếm 8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Hai mặt hàng chiến lược chiếm giữ vị trí quan trọng là gạo và thủy sản, nhưng giá trị xuất khẩu, sản lượng giảm so cùng kỳ. Các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nhận định, sức cầu trên thị trường đã tăng trở lại, nhưng rào cản thương mại, kỹ thuật đang tạo áp lực rất lớn cho DN...

KIM NGẠCH XUẤT KHẨU GIẢM

Từ đầu năm đến nay, ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu, các DN xuất khẩu chịu tác động mạnh mẽ, kéo kim ngạch xuất khẩu của các địa phương trong vùng chưa đạt kế hoạch đề ra trong năm và giảm mạnh, như: An Giang giảm 28%; TP Cần Thơ giảm 0,8%, Cà Mau giảm gần 6,9% so cùng kỳ... Nguyên nhân của sự sụt giảm do trên từng mặt hàng giảm, chủ yếu là thủy sản đông lạnh, gạo, rau quả.

Trong 2,2 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu toàn vùng 6 tháng, gạo chiếm đến 1,7 tỉ USD (với trên 3,72 triệu tấn). Vĩnh Long, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang... có sản lượng gạo xuất khẩu cao, nhưng An Giang là tỉnh có sản lượng lúa lớn nhất cả nước, kim ngạch xuất khẩu lại giảm so cùng kỳ. Riêng cá nước ngọt (cá tra), tỉnh An Giang đứng đầu cả nước về sản lượng, nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 32% kế hoạch (275 triệu USD) và giảm 28% so cùng kỳ. Xuất khẩu gạo của An Giang chỉ đạt 274.000 tấn (giảm 13%) với kim ngạch 113 triệu USD (giảm 26,8%); thủy sản đông lạnh 57.000 tấn (giảm 27%) với giá trị 131 triệu USD (giảm 29%)...

Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sản lượng cá tra, ba sa xuất khẩu đạt hơn 266.258 tấn, trị giá hơn 604,7 triệu USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái, do giá xuất giảm còn 2,5-2,7 USD/kg (cùng kỳ đạt 3USD/kg); xuất khẩu 72.288 tấn tôm đông lạnh, trị giá 589,163 triệu USD, tăng 1,8% về khối lượng nhưng lại giảm 4,7% về giá trị. Hầu hết các địa phương trong vùng ĐBSCL, kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm đều như: Cà Mau giảm 7,9% (đạt 232 triệu USD); Kiên Giang giảm 11,7% (39,5 triệu USD); TP Cần Thơ giảm 19,3% (154,7 triệu USD)...

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, thừa nhận: “Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu của ĐBSCL giảm và một số mặt hàng như thủy sản, gạo có sự chênh lệch khá cao giữa các tỉnh. Còn mặt hàng thủy sản gần như giảm đều ở các tỉnh do khó khăn thị trường tiêu thụ, giá xuất bình quân giảm. Song, phải nhìn nhận, sự phối hợp giữa các địa phương với Bộ, ngành Trung ương thời gian qua chưa tốt, quyền lợi của DN một số nơi chưa được giải quyết thỏa đáng”.

Ông Vương Bình Thạnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh An Giang, bức xúc nói: “ĐBSCL diện tích nuôi cá tra chưa đến 6.000 ha, nhưng hằng năm mang ngoại tệ về hơn 1 tỉ USD. Việc quan tâm đến nuôi trồng, chế biến và xúc tiến thị trường còn nhiều bất cập, công tác dự báo giá cả thị trường chưa tốt. Hiện đã có Ban điều hành xuất khẩu sang thị trường Nga, đây là động thái tích cực, nhưng việc phân bổ chỉ tiêu chưa đồng đều. An Giang có sản lượng cá tra nhiều nhất khu vực, nhưng chỉ xuất khoảng 1.000 tấn vào thị trường Nga”. Theo ông Vương Bình Thạnh, 2 mặt hàng chiến lược của tỉnh là lúa và cá đang phát triển thiếu tính bền vững, giá cả và thị trường không ổn định. Hiện sản lượng cá tra còn tồn của An Giang lên đến 35.000 tấn. Do giá cá ở mức thấp, nên tỉnh không khuyến khích người dân mở rộng diện tích. Đến nay, diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh An Giang chỉ đạt 1.100 ha (giảm 20% so cùng kỳ), sản lượng thu hoạch 142.000 tấn (giảm 22%)...

Mặt khác, tuy đã có VASEP nhưng công tác điều phối, xúc tiến thương mại chưa hiệu quả. Ông Vương Bình Thạnh cho rằng, khi DN ra nước ngoài xúc tiến thương mại thì giá cá tăng, nhưng khi về, giá xuất lại giảm, do các DN thi nhau cạnh tranh hạ giá! Nghịch lý này đã tồn tại thời gian dài và chưa được giải quyết dứt điểm. Tình trạng tranh mua- tranh bán nếu không được tháo gỡ, giải quyết kịp thời sẽ tiếp tục “bó” DN và đẩy nông dân- người trực tiếp sản xuất - rơi vào thế bị động.

GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU

Hiện toàn vùng có khoảng 168 DN tham gia xuất khẩu thủy sản, nhưng chỉ có 57 DN có nhà máy sản xuất! Đây là mấu chốt dễ làm phát sinh tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh trong các DN.

Ông Vương Bình Thạnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh An Giang, cho rằng: “Chính phủ đã mở chỉ tiêu xuất khẩu gạo, nhưng không giao cho địa phương kim ngạch thì cũng khó và dễ phát sinh bất cập. Do đó, phải duy trì công tác điều phối, ưu tiên cho những địa phương có sản lượng gạo lớn. Còn đối với xuất khẩu cá tra, tôi cho rằng cần thành lập Hiệp hội Nuôi, Chế biến và Tiêu thụ cá tra của vùng ĐBSCL để đảm bảo sự thống nhất về giá trên thị trường xuất khẩu, đồng thời tránh việc bán phá giá giữa các DN. Đồng thời, xây dựng thương hiệu cho con cá, nếu chúng ta cùng thống nhất và làm mạnh ở sân nhà thì việc vào sân chơi lớn sẽ dễ dàng, dù rào cản thương mại, kỹ thuật có nghiêm ngặt”.

Hiện nay, Ukraina, Hàn Quốc và một số nước EU đã có kế hoạch kiểm tra các nhà máy chế biến thủy sản của Việt Nam vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8-2009. Sau đợt kiểm tra, các quốc gia này sẽ công bố danh sách DN được phép xuất khẩu vào thị trường của họ. Do vậy, các DN cần tuân thủ qui trình sản xuất một cách nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) chặt chẽ.

VASEP dự báo, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2009 có thể giảm khoảng 15-20 % so với năm 2008, hai mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất. Nhưng nhận định của các ngành chức năng, xuất khẩu thủy sản sẽ có tín hiệu lạc quan trong các tháng cuối năm từ nhu cầu tăng trở lại ở các thị trường nhập khẩu chính như: EU, Nga, Mỹ... cùng với nỗ lực của DN và chính sách kích cầu từ Chính phủ. Ông Bùi Công Bửu, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: “Ở thời điểm đầu năm 2009, các DN chế biến thủy sản trong tỉnh dự kiến cắt giảm 5.000 lao động do lo ngại đầu ra sản phẩm khó khăn. Tuy nhiên, chỉ luân phiên cắt giảm 1.605 lao động. Hiện nay, một số DN chế biến thủy sản đã thông báo tuyển dụng thêm 2.900 lao động và đã tuyển dụng được 610 lao động”. Ngoài Cà Mau, các DN ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, TP Cần Thơ... cũng thông báo tuyển dụng lao động để phục vụ cho hợp đồng mới.

Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, đến thời điểm giữa tháng 7-2009, các DN đã ký hợp đồng xuất khẩu 5,3 triệu tấn gạo và đã xuất trên 3,9 triệu tấn, đạt kim ngạch 1,8 tỉ USD. Thị trường EU đánh giá cá tra, ba sa Việt Nam ngon, giá rẻ nhưng chất lượng ATVSTP cần chú trọng hơn nữa. Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cá tra vào Mỹ tăng 54% về lượng và 52% về giá trị; đồng thời, Nga cam kết sẽ nhập khẩu 80.000- 90.000 tấn cá tra Việt Nam nhưng với điều kiện phải đảm bảo ATVSTP. Bộ NN&PTNT đã cử Thứ trưởng Vũ Văn Tám cùng ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, tiến hành vận động thành lập Hiệp hội Nuôi, Chế biến và Tiêu thụ cá tra ĐBSCL.

Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, việc tranh mua- tranh bán đã tác động rất lớn đến xuất khẩu và người chịu thiệt hại nặng nhất vẫn là người trực tiếp sản xuất ra mặt hàng, tức nông dân. Bởi thời điểm giá thấp, DN có kho dự trữ và chỉ tốn thêm chi phí bảo quản để chờ giá cao, còn nông dân thua thiệt đủ đường. Do đó, các DN phải tuân thủ luật chơi theo qui tắc cung- cầu thị trường và cùng ngồi lại với nhau để thống nhất giá bán.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết: “Bộ đang rà soát chỉ tiêu xuất khẩu gạo, phối hợp cùng Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lấy ý kiến của các địa phương hoàn chỉnh nghị định về kinh doanh lương thực và trình Chính phủ, xem đây là nghề kinh doanh có điều kiện. Hiện đã thông qua bản thảo lần thứ nhất và đang lấy ý kiến của các Bộ, ngành. Để đảm bảo việc tiêu thụ cá tra, Bộ Công thương đang phối hợp cùng Bộ NN&PTNT kiểm soát nhằm hạn chế việc tranh mua- tranh bán giữa các DN”. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, năm 2009, Bộ Công thương có kế hoạch giải ngân 10 tỉ đồng hỗ trợ xúc tiến thương mại cho thủy sản. Đây sẽ là đòn bẩy thiết thực hỗ trợ các địa phương, DN cải thiện kim ngạch xuất khẩu...

GIA BẢO

Một cơ sở thu mua và xuất khẩu bưởi da xanh ở Bến Tre. Ảnh: HỮU HIỆP

Chia sẻ bài viết