05/07/2014 - 22:08

Nỗ lực giữ vững mục tiêu tăng trưởng

Trong 6 tháng đầu năm, bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp cả về kinh tế và chính trị. Một số nền kinh tế lớn có tăng trưởng nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro về chính sách tiền tệ và tài chính công, sự phục hồi của các quốc gia khu vực đồng EURO chậm, cùng diễn biến phức tạp của tình hình biển Đông đã tác động lớn đến nền kinh tế nước ta. Song, sự nhập cuộc đầy trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 2-1-2014 của Chính phủ đã phần nào gỡ khó cho doanh nghiệp (DN).

Chuyển biến, nhưng chậm

Theo báo cáo của Tổng Cục thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2014 ước tăng 5,18% so với cùng kỳ năm 2013; cả 3 khu vực đều có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực nông nghiệp- thủy sản đóng góp 0,55 điểm phần trăm, khu vực công nghiệp- xây dựng đóng góp 2,06 điểm phần trăm và khu vực dịch vụ góp 2,57 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GDP. Đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ năm 2012, 2013. Sản xuất ngành công nghiệp phục hồi, với chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng tăng 5,8% so cùng kỳ năm 2013; chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 5 tháng tăng 9% (cao hơn mức tăng 7,6% cùng kỳ năm 2013). Tuy nhiên, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lại có dấu hiệu tăng (tại thời điểm ngày 1-6-2014) tăng 12,8% so với cùng thời điểm năm trước (cao hơn mức tăng 9,7% của cùng thời điểm năm trước); tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 5 tháng đầu năm 2014 là 77,7%. Có thể nói, mức phục hồi của nền kinh tế vẫn chưa đạt sự kỳ vọng của DN, nhiều DN vẫn trong tình trạng trì trệ, mức tiêu thụ tại thị trường nội địa vẫn thấp, thị trường xuất khẩu sụt giảm nghiêm trọng do các rào cản kỹ thuật, thương mại cùng với những diễn biến phức tạp trên biển Đông thời gian gần đây.

Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: THU HÀ

Một điểm sáng của nền kinh tế vĩ mô là sản xuất và xuất khẩu dẫn dắt tăng trưởng; kim ngạch xuất khẩu 6 tháng cả nước đạt 70,9 tỉ USD tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2013, nhưng trong đó DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng đến 67,5%; DN trong nước chỉ đóng góp 3,9 điểm phần trăm, còn lại 11 điểm phần trăm mức tăng kim ngạch xuất khẩu là của DN vốn đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó, dù các địa phương cả nước đều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhưng cầu số DN thành lập mới cũng giảm, số DN giải thể lại tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng, cả nước có 37.315 DN đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 230,9 nghìn tỉ đồng, giảm 4,1% về số DN đăng ký thành lập và tăng 19,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013. Số DN có đăng ký hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN hoặc không đăng ký là 33.454 DN, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước (bao gồm: 6.066 DN tạm ngừng hoạt động có đăng ký; 22.637 DN ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN hoặc không đăng ký và 4.751 DN giải thể). Số DN rơi vào tình trạng ngừng hoạt động, nay quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm là 8.322 DN, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2013. Chỉ số sử dụng lao động trong các DN của các tỉnh, thành phố có quy mô công nghiệp lớn vào đầu tháng 6 so với cùng kỳ năm trước lần lượt là: tỉnh Quảng Ngãi tăng 7,6%; Bắc Ninh tăng 6,6%; Bà Rịa- Vũng Tàu tăng 6,3%; Quảng Nam tăng 6,1%; Vĩnh Phúc tăng 5,6%; Hà Nội tăng 1,1%; Hải Dương tăng 1%; Cần Thơ giảm 0,1%; Bình Dương giảm 2,8%; Hải Phòng giảm 4%.

Mặc dù chưa đạt kết quả như kỳ vọng, nhưng các địa phương cả nước đều xác định rõ mục tiêu thực hiện Nghị quyết số 01 của Chính phủ để thúc đẩy sản xuất, giữ vững tăng trưởng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Thêm vào đó, tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cổ phần hóa DN nhà nước, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang được Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đẩy mạnh thực hiện.

Nỗ lực ổn định kinh tế

Đầu tháng 7-2014, Ngân hàng HSBC công bố báo cáo Triển vọng thị trường Việt Nam, chuyên gia HSBC nhận định nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm nhờ xuất khẩu và hoạt động sản xuất do được hỗ trợ bởi cầu bên ngoài phục hồi và đầu tư mới đi vào hoạt động. Chuyên gia HSBC nhận định sản lượng sản xuất sẽ tiếp tục tăng, đơn đặt hàng xuất có khả năng phục hồi trong những tháng tới. Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2014 ở mức 5,5% và 5,8% năm 2015 do nhu cầu nội địa vẫn trì trệ. HSBC cho biết đầu tư công và tái cơ cấu DN nhà nước vẫn là những mắt xích còn thiếu để Việt Nam có thể quay trở lại thời kỳ tăng trưởng 7%. Bên cạnh đó, nợ xấu gia tăng cũng là nguyên nhân khiến hệ thống ngân hàng không thực hiện được vai trò của một nhà cho vay chính trong nền kinh tế. Tính từ đầu năm đến tháng 6-2014, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 2,3% so với mục tiêu kỳ vọng (12%-14%) trong năm 2014 còn khá xa. Song, các chuyên gia HSBC cũng kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đạt được những tiến bộ trong xử lý nợ xấu, củng cố hoạt động hệ thống và tăng khả năng giám sát tài chính của các ngân hàng thương mại.

Nền kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm dù phục hồi, nhưng chưa thực sự vững chắc, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng vẫn đang nỗ lực hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường, giải phóng hàng tồn kho, góp phần giữ vững tăng trưởng trong năm 2014. Nhiều địa phương trên cả nước đã nỗ lực rất lớn trong việc tìm hiểu, lắng nghe phản ánh của DN để cùng DN xở gỡ khó khăn. Như tại TP Cần Thơ, thành phố đã thành lập Tổ Hỗ trợ DN. Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế của Cần Thơ đạt 8,96% (cùng kỳ năm 2013 tăng 8,58%), thành phố đang nỗ lực kết nối ngân hàng-DN để khơi thông dòng vốn đưa vào sản xuất. Ông Trương Quốc Trạng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, kiêm Tổ trưởng Tổ Hỗ trợ DN, cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tổ đã đối thoại với 60 DN trên địa bàn thông qua các cuộc họp tại UBND thành phố; đồng thời Tổ hỗ trợ còn đến làm việc trực tiếp tại DN, mời 6 DN đến Sở Kế hoạch và Đầu tư để lắng nghe khó khăn của DN, tìm cách giúp DN vượt qua. Vấn đề khó nhất là DN phản ánh là khó tiếp cận vốn ngân hàng, đầu ra sản phẩm sụt giảm, một phần do tác động của tình hình biển Đông khiến hàng chính ngạch và tiểu ngạch của DN xuất sang Trung Quốc giảm. Từ thực tế này, Tổ tập hợp ý kiến để kiến nghị về thành phố, Chính phủ nhằm thúc đẩy xúc tiến thương mại, tìm những thị trường mới kể cả trong và ngoài nước để giải phóng hàng tồn kho cho DN. Song song đó, Sở còn tiến hành hậu kiểm được khoảng 15 DN, theo kế hoạch sẽ hậu kiểm từ 8 DN/tháng. Từ công tác hậu kiểm này, Sở sẽ tìm ra những nguyên nhân cốt lõi để có kế hoạch hỗ trợ DN.

Các ngân hàng cũng rất quan tâm chia sẻ khó khăn cùng DN. Theo bà Phan Thị Thanh Hòa, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Cần Thơ, chi nhánh được giao nhiệm vụ phối hợp cùng các ngành chức năng thành phố, các ngân hàng thương mại thực hiện chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp. Hiện chi nhánh đã tập hợp danh sách DN của thành phố có tình hình tài chính lành mạnh, phương án kinh doanh khả thi, có giải pháp vượt khó gửi các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố xem xét. Theo kế hoạch, cuối tháng 7-2014, lễ ký kết hợp đồng cho vay tín dụng đợt I sẽ được thực hiện và chi nhánh sẽ tiếp tục trình UBND thành phố tổ chức thêm các đợt ký kết để đưa dòng vốn vào sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, cộng đồng DN cũng đang nỗ lực hết mình để giữ vững sản xuất. Theo lãnh đạo một DN xuất khẩu thủy sản tại Cần Thơ, từ đầu năm 2014 đến nay, các rào cản thương mại, kỹ thuật của các nước nhập khẩu thủy sản gia tăng. Cá tra đối mặt với việc áp thuế chống bán phá giá từ thị trường Mỹ, tôm phải chịu sự kiểm soát chất oxytetracylin, 100% lô hàng tôm từ Việt Nam phải chịu sự kiểm soát của Nhật Bản từ ngày 17-3-2014 (trước đó, mức độ kiểm soát chỉ 30%). Đây là chất người nuôi tôm sử dụng trong quá trình nuôi, DN không can thiệp được. DN phải tự vệ bằng cách kiểm tra chất lượng nguyên liệu trước khi nhập vào nhà máy chế biến. Điều này sẽ là gánh nặng chi phí tương đối cho DN khi tiến hành kiểm tra, nhưng DN phải cố gắng kiểm soát tốt đầu vào, tăng cường chế biến hàng giá trị gia tăng, duy trì chất lượng, tiết giảm tối đa chi phí để có giá cạnh tranh và để giữ thị trường truyền thống.

Gia Bảo

Chia sẻ bài viết